Nhà văn Di Li: Du lịch bụi để biết mình dại

12/11/2009 15:26 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Như TT&VH đã đưa tin, nữ nhà văn xinh đẹp Di Li sẽ ra mắt Đảo thiên đường - tập bút ký viết về 30 thành phố trên thế giới vào chiều 12/11 tại Viện Goethe (56-58 Nguyễn Thái Học, HN). 30 tuổi, đi đến số nước cũng gần bằng đó, vậy mà đến năm 17 tuổi, nhà văn Di Li mới được nhìn ngắm và biết thế nào là biển.

Tuổi thơ phá phách

Khi còn bé xíu, Di Li có một đam mê và ham muốn mãnh liệt được đi ra biển. Thế nhưng, bố mẹ không là công chức, không có những kỳ nghỉ mát thường niên mà bạn bè chị vẫn được hưởng, Di Li tìm đến với biển qua ti vi và sách báo. “Biển xanh, cát trắng, người người tấp nập giữa ánh nắng vàng chói của mùa Hè là hình ảnh về biển ghim vào óc tôi”.


Nhà văn Di Li

Tuổi thơ nghịch ngợm, phá phách, thường xuyên trèo tường trốn học, dù chỉ đi bộ loanh quanh đường phố dăm phút rồi lại... trèo tường vào; làm “bầu sô” tổ chức cho bạn bè trong lớp hoặc hàng xóm đi chơi đến nhiều địa điểm khác nhau trong thành phố Hà Nội... thế mà mỗi việc không được nhìn thấy biển tận mắt, sờ biển tận tay mà cũng làm Di Li “nóng ruột” khó tả. Đang trong kỳ nghỉ, giữa chiều mồng 2 Tết, tụ tập trong quán cùng bạn bè, Di Li “ngứa mồm” rủ con bạn thân: “Ngày mai tao với mày đi biển nhé!”. Nói xong thì quên khuấy. 7 giờ sáng hôm sau, đang ngủ nướng trong chăn, thấy tiếng con bạn réo gọi dưới đường, mới giật mình nhớ ra mình đã hẹn...

Nhét vội tiền mừng tuổi vào túi quần, Di Li cùng bạn đèo nhau trên xe đạp ra bến xe, mua vé đi Hải Phòng, quyết chí ngắm biển Đồ Sơn.

Trong giá lạnh tái tê, giữa màn sương mờ buông bồng bềnh trên biển, lại đang là Tết, biển lặng ngắt không một bóng người, đầy vẻ hoang vu, liêu trai, dù thế vẫn đẹp đến cảm động. Những hình ảnh long lanh về biển tan loãng trong lòng Di Li, thế nhưng, cảm giác về phiêu lưu, về ham muốn khám phá những nơi, những cảnh mình chưa từng biết dâng lên đầy ám ảnh. Dù đến với biển, và chỉ loanh quanh vài nơi rồi lại bắt xe trở về Hà Nội ngay trong ngày, nhưng kỷ niệm về “chuyến mạo hiểm” đầu tiên trong đời cùng bạn gái thân đọng đầy trong Di Li đến bây giờ. Cũng chính vì thế, những truyện ngắn đầu tiên khi Di Li viết cho bạn bè cấp ba đọc, chị chọn thể loại trinh thám và kinh dị.

“Bên trong tôi, luôn luôn và mãi mãi có một đứa trẻ đang sống, đầu óc, trí tuệ của tôi có thể lớn lên, nhưng đứa trẻ thì vẫn còn đó. Đến tuổi này, tôi vẫn tranh giành với con gái mình để được đọc trước những cuốn sách phiêu lưu của thiếu nhi”, Di Li tâm sự.

23 tuổi, khi đã trở thành cô giáo dạy tại Trường CĐ Thương mại và Du lịch Hà Nội, lần đầu tiên, Di Li bước chân ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, đến Paris - kinh đô ánh sáng. Sau khi rời sân bay, trên xe ô tô hướng thẳng vào trung tâm, Di Li cười vang thành tiếng với sự sung sướng vô bờ. Chị không thể ngờ có ngày được đến đây!

Với vai trò hướng dẫn, phiên dịch cho một đoàn của Sở Giáo dục, Di Li làm một Việt kiều đi đón đoàn tưởng lầm chị đã đến Paris rất nhiều lần. Không bỡ ngỡ trước các trang thiết bị hiện đại lần đầu tiên thấy, không ngạc nhiên trước phong tục tập quán của một dân tộc xa lạ, không thảng thốt khi phải dẫn đoàn rời khách sạn đi tham quan, mua sắm, thậm chí còn tự tin đưa một người trong đoàn đi thăm bà con mà không... lạc. Di Li chứng tỏ được bản lĩnh “người dẫn đường” của mình để rồi sau chuyến đi Pháp, mở ra rất nhiều cơ hội đi ra nước ngoài. Đi đến đâu, Di Li cũng thực hiện đủ ba nguyên tắc: ăn những món ẩm thực đặc trưng vùng; tìm hiểu phong tục tập quán; thưởng thức danh lam thắng cảnh.

Đi 3 nước trong 1 ngày

Vẫn máu ưa phiêu lưu, mặc dầu một năm đi 3 nước khác nhau, không kể nhiều chuyến đi đến nhiều vùng đất khác trong nước vẫn không làm Di Li thấy thực sự thỏa mãn. Bắt đầu chán những cuộc du lịch theo đoàn khuôn cứng, đóng hộp, Di Li lên kế hoạch đi du lịch... bụi. Để phòng xa, chị chọn Lào là nơi đến đầu tiên. Cũng giống như các thanh niên Tây ba lô, Di Li lên mạng tìm địa điểm, hỏi han phong tục, đặt vé... loay hoay cũng mất cả tháng trời. Nỗi khổ của chuyến du lịch bụi đầu tiên là ô tô. Trên ô tô, ba lô kềnh càng, chất dọc lối đi, muốn di chuyển, một là trèo qua, hai là phi thân thẳng qua cửa sổ. Dọc đường, một anh sinh viên phiên dịch hộ lái xe hét “eating” thì lục tục xuống ăn, “toilet” thì thiên nhiên giữa đồng. 4 giờ chiều hôm sau thì cũng đến Viêng Chăn. Nghe ngóng một người quảng cáo sang Nongkhai, Thái Lan dễ lắm, chỉ cách Viêng Chăn 17 km, Di Li quyết tâm đi bụi sang Nongkhai. Bị bỏ rơi một mình giữa cửa khẩu Thái Lan không sợ bằng trèo lên một xe taxi tư nhân, không rành tiếng Thái, không biết lối, đang đi trên quốc lộ bon bon bỗng dưng ngoặt vào lối mòn đồng không mông quạnh, trong túi đầy tiền, Di Li lần đầu tiên sợ toát mồ hôi và chửi thầm mình dại. Chuyến đi hãi hùng ấy, được chị kể lại trong Một chuyện có thật, in trong tập truyện ngắn Điệu van địa ngục (NXB HNV, 2007).

Ở Viêng Chăn chơi 2 ngày, không chọn được phương tiện nào khác, Di Li đến Luang Prabang bằng máy bay. Thuê 1 xe đạp 1 USD/ngày dạo chơi trên phố, vào rừng cưỡi voi, đi thuyền ngắm cảnh yên lành, đến ngày đóng gói, phát hiện ra hết cả USD, hết cả tiền kip Lào, mang tiền Việt đi đổi, đến cả nhà băng cũng không ai nhận: “Tôi chợt nhận ra tình trạng bi đát của mình. Cầm xấp tiền Việt trong tay giờ vô nghĩa như nắm giấy lộn, tôi lo phát sốt lên”, Di Li viết lại.

Chuyến đi du lịch không suôn sẻ ở Lào, càng làm Di Li phấn chấn để tiếp tục gom tiền đi bụi đến đảo Bali (Indonesia). Đến thời điểm này, so với các nhà văn trẻ 7X đến 9X ở Việt Nam, Di Li lập kỷ lục là người đi nhiều nước nhất! “Niềm đam mê chuyển dịch có lẽ còn lớn hơn cả văn chương... Tuy nhiên tôi cũng nói rằng, đi đâu thì đi, tôi không thể sống đâu khác ngoài Việt Nam, không thể sống đâu ngoài Hà Nội”, DiLi tâm sự.

Việt Quỳnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm