18/10/2019 19:04 GMT+7 | Giải trí
(Thethaovanhoa.vn) - Vụ tự vẫn của ca sĩ kiêm nữ diễn viên Sulli đã làm rúng động nền giải trí. Vụ việc này một lần nữa “thổi bùng” nỗi tức giận của công chúng về thái độ vô trách nhiệm của các công ty giải trí Hàn Quốc đối với sức khỏe tinh thần của các nghệ sĩ.
Kim Dong Wan, thành viên nhóm Shinhwa, nhóm nhạc K-pop nam thế hệ đầu tiên, viết trên mạng xã hội vào hôm 15/10, rằng danh tiếng và tiền bạc của nhiều thần tượng K-pop phải trả giá bằng sức khỏe tinh thần của họ.
“Những người nổi tiếng đang làm việc dưới áp lực lớn và mức độ căng thẳng mà họ phải đối mặt ngày càng tăng khi tính cạnh tranh trở nên nặng nề hơn. Các thần tượng K-pop trẻ đặc biệt không ăn hoặc ngủ đúng cách vì lịch trình kín mít của họ, nhưng họ được yêu cầu che giấu cảm xúc, phải cười tươi và thể hiện thái độ tích cực với người hâm mộ ở nơi công cộng. Họ phải gợi cảm nhưng không được quan hệ tình dục, và phải cứng rắn nhưng không được đấu tranh vì bất cứ điều gì” – Kim Dong Wan viết.
Thật vậy, nhiều thần tượng đã ra mắt làng K-pop sau nhiều năm khổ luyện với vai trò là thực tập sinh. Tuy nhiên, sau khi ra mắt, họ phải đối diện với lịch trình “vô nhân tính” buộc họ phải chịu đựng nhiều giờ làm việc. Họ không có quyền riêng tư và liên tục phải chịu những bình luận ác ý từ những cư dân mạng sử dụng ẩn danh để quấy rối các ngôi sao. Kết quả là, một số ngôi sao đã rơi vào chứng trầm cảm hoặc rối loạn lo âu.
Mina, thành viên của nhóm nhạc K-pop nữ Twice, đã phải tạm dừng sự nghiệp âm nhạc của mình do căng thẳng tâm lý và lo lắng cực độ. Cô không thể tham gia vào album mới nhất của nhóm vì cô được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu.
Hay Tae Min thuộc nhóm nhạc nam SHINee cũng thừa nhận anh đã chịu nhiều áp lực để đáp ứng sự mong đợi ngày càng tăng từ người hâm mộ của mình.
“Tôi phải tự quản lý vì không có sự riêng tư trong cuộc sống của mình và tôi luôn cần phải cẩn thận để không gặp rắc rối, điều này thật khó khăn” – Tae Min chia sẻ.
Nhiều ngôi sao K-pop bắt đầu sự nghiệp âm nhạc khi họ còn rất trẻ. Họ được cho là thể hiện sự vâng phục tuyệt đối với các công ty quản lý của mình. Họ không có thời gian nhàn rỗi để suy ngẫm về cuộc sống của họ. Họ bị căng thẳng nhưng không có thời gian để tìm cách điều trị vì sợ đến bệnh viện có thể dẫn đến những tin đồn.
Sulli cũng phải chịu những vấn đề tương tự. Năm 2005, cô bước vào nền kinh doanh giải trí với tư cách là một diễn viên nhí ở tuổi 11. Cuối năm đó, cô đã vượt qua một buổi thử giọng để trở thành thực tập sinh K-pop cho SM Entertainment, trong thời gian đó cô sống trong ký túc xá với các thực tập sinh lớn tuổi.
Năm 2009, Sulli gia nhập nhóm nhạc nữ f(x) ở tuổi 15 và hoạt động cùng nhóm cho đến tháng 7/2014 khi cô tuyên bố tạm dừng sự nghiệp vì những bình luận ác ý và những tin đồn vô căn cứ. Nhưng không ngờ rằng việc cô tạm rời khỏi nhóm nhạc sau đó đã trở thành vĩnh viễn, và cô chuyển sự tập trung của mình sang diễn xuất và bắt đầu sự nghiệp âm nhạc solo. Việc Sulli rời khỏi nhóm f(x) dường như đã là một sự kêu cứu.
“Nhiều người nổi tiếng gia nhập làng giải trí từ khi còn trẻ tuổi đã rơi vào chứng trầm cảm và lo lắng khi họ phải sống trong mắt công chúng. Họ có thể dễ bị tổn thương nếu nhận được quá nhiều sự chú ý” - Park Jong Seok, bác sĩ trưởng tại Bệnh viện Yonsei Bom ở Seoul nói. “Họ trải qua tuổi thiếu niên mà không có được một tình bạn chân chính và sự ổn định với các nhóm đồng nghiệp”.
Theo bác sĩ Park Jong Seok, sống trong mắt công chúng có thể khiến những người nổi tiếng thiếu tự tin, bất ổn về cảm xúc, có hành vi ám ảnh và không có khả năng thích nghi.
Park Jong Seok nói: “Họ có thể cảm thấy thiếu thốn vì họ không có đủ thời gian với gia đình và bạn bè. Nỗi ám ảnh để thành công và sống sót trong môi trường cạnh tranh khắc nghiệt cũng có thể dẫn đến mặc cảm thấp kém”.
Sulli không phải là trường hợp đơn lẻ. Khi Jonghyun, cựu thành viên của nhóm SHINee (cũng thuộc công ty quản lý SM Entertainment), tự tử hồi tháng 12/2017, đã có nhiều chỉ trích về hệ thống quản lý của SM Entertainment đối với sức khỏe tâm thần của các thần tượng.
"SM Entertainment là công ty giới thiệu văn hóa thần tượng ở Hàn Quốc trong những năm 1990 và sau đó hệ thống này đã trở thành chuẩn mực cho toàn bộ ngành công nghiệp K-pop” – nhà phê bình âm nhạc Kang Moon cho biết. “Trong bối cảnh các ca sĩ thần tượng ngày càng tự tự tìm đến cái chết, đã đến lúc các công ty quản lý kiểm tra hệ thống đào tạo để xem họ có thể giúp ngăn ngừa tự tử như thế nào và chú ý hơn đến sức khỏe tâm thần của ca sĩ”.
“Các cơ công ty lớn có các chương trình sức khỏe tâm thần với các bệnh viện đại học nhưng nó không thực tế do lịch làm việc bận rộn của các ngôi sao. Điều quan trọng hơn là giáo dục những người xung quanh bệnh nhân. Trầm cảm chủ yếu đến từ sự kiệt sức cực độ và điều quan trọng là chẩn đoán nó ở giai đoạn đầu trước khi nó trở nên tồi tệ hơn” – bác sĩ Park Jong Seok nói.
Tuấn Vĩ
Theo Korea Times
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất