25/04/2025 07:55 GMT+7 | Văn hoá
Trong cuộc phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ nhân kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước 30/4/1975-30/4/2025, nhiếp ảnh gia Roland Schmid đã chia sẻ nhiều câu chuyện mà ông thu thập được qua những lần tới Việt Nam, và những lần giao lưu cùng các nạn nhân chất độc da cam cũng như khát vọng vươn lên, hòa nhập vào cuộc sống của họ.
Trên tầng 3 của tòa nhà Photobastei 2.0 tại thành phố Zurich, Triển lãm ảnh mang tên "War without end" của ông Roland Schmid thu hút nhiều công chúng tới xem. Thông qua những bức ảnh khắc họa chân thật hậu quả của chất độc da cam/dioxin để lại trong thiên nhiên cũng như đối với thế hệ hôm nay ở Việt Nam, nhiếp ảnh gia Roland Schmid muốn gửi tới người xem một thông điệp về tình yêu và sự chia sẻ dành cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin, đặc biệt là trẻ em.
Cuốn sách về hậu quả của chất độc màu da cam/dioxin tại Việt Nam do tác giả Peter Jaeggi viết, cùng với các tấm hình của nhiếp ảnh gia Roland Schmid. Ảnh: Anh Hiển - PV TTXVN tại Thụy Sĩ
Ông nói: "Có rất nhiều hậu quả từ chất độc màu da cam. Bên cạnh việc gây ra các loại bệnh, chất độc màu da cam còn có chứa chất dioxin, nên cũng ảnh hưởng tới bộ gen của con người. Tới nay, có không ít các thế hệ ở Việt Nam sau khi chiến tranh kết thúc vẫn bị ảnh hưởng bởi loại chất độc này. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn hướng người xem tới một vấn đề khác, đó là các loại bom hay thiết bị nổ còn sót lại sau cuộc chiến, đặc biệt là ở khu vực miền Trung của Việt Nam".
Nạn nhân chất độc màu da cam/dioxin tại Việt Nam. Ảnh: Anh Hiển - PV TTXVN tại Thụy Sĩ
Tác giả của buổi triển lãm cho biết sau nhiều lần tới Việt Nam cùng với nhà báo Peter Jaeggi, ông nhận thấy rằng dù chiến tranh đã qua đi, song di chứng của chất độc da cam/dioxin mà quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam vẫn đang ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của con người. Dù vậy, ông vẫn rất cảm kích trước tinh thần của người Việt Nam sau chiến tranh, cũng như những tấm gương phi thường về nghị lực vượt khó. Ông Roland Schmid nói thêm: "Vâng, tôi có tình cảm rất mạnh mẽ với Việt Nam. Tôi thích yêu mọi thứ ở Việt Nam. Chưa kể, trong những lần trao đổi với các cơ quan chức năng của Việt Nam, tôi ấn tượng khi họ luôn nỗ lực hướng tới tương lai. Đây là điều rất quan trọng".
Thời gian tới, nhiếp ảnh gia Roland Schmid dự kiến sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức, như GreenCross Switzerland hay Hội hữu nghị Thụy Sĩ – Việt Nam, liên quan tới các dự án hỗ trợ khắc phục hậu quả của chất độc màu da cam/dioxin.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất