Người hùng của những người dưới đáy xã hội Ấn Độ

16/03/2012 08:19 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH Cuối tuần) - Bỏ cả công việc đáng mơ ước ở một khách sạn 5 sao, bán hết gia sản để lấy tiền chăm sóc những người nghèo, người vô gia cư từ những việc nhỏ nhặt như mua xoong nồi cho họ, cắt tóc cho họ, Narayanan Krishnan, một trong “10 người hùng thế giới” có thể thay đổi tình hình ở quê hương anh, đất nước của những “triệu phú ổ chuột”?

Cổ tích đời thường

Bọn trẻ con rất mến Narayanan Krishnan, nhiều người lớn tôn anh lên như một vị thánh, kênh CNN của Mỹ xếp anh vào hàng “10 người hùng thế giới“ của năm 2010. Danh tiếng của Krishnan từ lâu đã vượt khỏi biên giới bản quán mình.

Nhưng tại quê hương, Krishnan lại vẫn là một kẻ ngơ ngác. Anh không hiểu nổi mọi thứ diễn ra quanh mình. Ấn Độ không còn là một nước nghèo nữa, ở đây ngày càng có nhiều tỷ phú và một lớp trung lưu hùng mạnh. Người ta ngày càng mua nhiều ô tô xịn và thời trang đắt tiền. Nhưng cũng đầy người chết đói giữa đường. Và ai đã sa vào cái bẫy nghèo thì khó lòng thoát ra được, vì người giàu chỉ nhún vai lạnh lùng đi qua - tựa như đó là điều mặc nhiên phải chấp nhận. Trước mặt người lạ, Krishnan phải suy nghĩ một lúc mới dám tiết lộ ý nghĩ của mình: “Có lẽ con người ở đây quá vô tâm“. Bởi đó là lý do nhãn tiền để giải thích vì sao anh nhận được nhiều tiền quyên góp từ châu Âu và Mỹ hơn chính tại quê nhà. Trong vòng 10 năm anh đã tạo dựng được một tổ chức cứu trợ người nghèo, hằng ngày đem lại ba bữa cho 450 người vô gia cư và tàn tật ở quê mình.

Năm 2002 Krishnan còn là phụ bếp trong một nhà hàng 5 sao ở Bangalore. Bếp trưởng mến chàng trai sáng dạ và định cử anh qua Thụy Sĩ tu nghiệp vài năm. “Tôi về nhà cha mẹ ở Mandurai để liên hoan chia tay“, anh hồi tưởng. Trên đường đến một đền thờ, Krishnan ngó xuống một gầm cầu và không tin ở mắt mình: một người ăn mày gầy trơ xương đang ăn chính phân của mình để khỏi chết đói. “Tôi sốc thật sự“, Krishnan kể lại. Anh vét hết tiền trong túi để mua mấy suất bánh nướng bằng bột đậu cho ông ta. “Đó là giây phút mà tôi biết sẽ phải làm gì trong phần đời còn lại của mình: nuôi những người nghèo nhất trong số người nghèo“. Trong phần đời ấy không có chỗ cho Thụy Sĩ, cho các nhà hàng 5 sao và những ý tưởng tương tự, vì ở đó người Dalit không được nhắc đến.

Narayanan Krishnan bỏ cả công việc đầu bếp trong nhà hàng 5 sao
để dùng cuộc đời mình cứu giúp những người nghèo ở Dalit

Người hùng đơn độc

Sáng hôm sau Krishnan viết đơn xin nghỉ việc. Cha mẹ anh, hai nhân viên công ty bảo hiểm, tưởng anh phát điên. Họ lôi con trai đến bệnh viện tâm thần, rồi đến một tu sĩ để tư vấn. Rốt cuộc Krishnan phải hứa sẽ làm tiếp nghề nấu bếp, nếu được bỏ hẳn một tháng để chăm sóc người nghèo. “Cha mẹ tôi không hiểu ý nghĩ của tôi, vì vậy cách tốt nhất là tôi vận động họ đi theo mình trong mấy ngày tiếp theo. Để họ thấy tôi chăm sóc những người vô gia cư, cho họ ăn, cắt tóc và xoa bóp cho họ“. Thoạt tiên đó là một nhóm gồm 20 người, những người lần đầu tiên biết thế nào là cuộc sống mà không phải vắt óc suy nghĩ từ sáng đến tối là mai ăn gì. Tiết học trực quan đó khiến cha mẹ anh từ đó trở đi ủng hộ con trai.

Krishnan sáng lập ra Quỹ Akshaya, lấy tên một nhân vật trong thần thoại Ấn Độ. Anh bán toàn bộ gia sản ít ỏi của mình và rút hết sổ tiết kiệm lấy tiền hoạt động, đồng thời kêu gọi bạn bè cùng tham gia mua nồi xoong và thực phẩm. “Tôi ở trong ngôi nhà được thừa hưởng từ ông nội, sống bằng tiền cho thuê một số phòng. Không dư dật, nhưng đủ sống. Từ nay tôi là một người nghèo xét về tài chính, nhưng về mọi ý nghĩa khác thì tôi là người giàu“.

Quỹ Akshaya thu phục được 40 người tình nguyện hỗ trợ. Họ chế biến mỗi ngày chừng 450 USD thực phẩm, tất cả đều từ nguồn quyên góp mà đến ngày 20 trong tháng là đã gần cạn. Nhưng bằng cách này cách khác, trong 10 năm qua họ đã đem lại gần 2 triệu bữa ăn cho người Dalit. Một thành công vang dội? Cũng đúng. Song cũng có thể coi 40 người hảo tâm này là hạt muối bỏ giữa biển tỷ người. Ai cũng từng nghe về các đức tin khác nhau của cả tỷ người ở đây. Người Hindu thì thờ bò. Ra đường thấy bò thì ô tô cũng phải chịu nhường. Người Hồi giáo không ăn thịt lợn. Người Janai tôn trọng loài giun đến mức khi thu hoạch khoai chỉ bới bằng tay để khỏi giết nhầm phải giun. Tộc Parsee tôn thờ nhà tiên tri Zarathustra thì kính trọng diều hâu vì chúng “xử lý“ các xác chết thiên táng. Ở Ấn Độ còn có luật giao thông quy định diện tích tối thiểu cho lừa và trâu kéo xe. Nói chung sinh vật nào cũng ít nhiều được hưởng một sự bảo hộ tối thiểu. Trừ người Dalit.

Narayanan Krishnan và bữa cơm cho người nghèo

Không chạm vào được

Người Dalit, theo ngôn ngữ chính thống thứ hai là tiếng Anh bên cạnh Hindi, được coi là “untouchable“, nghĩa là không ai thèm chạm vào, và điều đó theo đúng nghĩa đen của từ. Bất kể vì lý do gì mà chịu nghèo khổ, họ tạo ra một quần thể 160 triệu người, và nếu kể cả những thành phần untouchable theo Thiên Chúa giáo, Phật giáo và Hồi giáo thì ở đây có đến 240 triệu Dalit - gần 1/4 dân cư! Cuộc sống bên lề xã hội của họ, nhất là ở nông thôn, vô cùng bi thảm, bởi vì người giàu thậm chí không dám chạm vào cái bóng của họ!

Quỹ Akshaya hiện đang quyên tiền để xây một ngôi nhà đầu tiên cho dân Dalit. Theo thông tin của Krishnan, giữa năm 2012 sẽ hoàn thành chốn ở cho khoảng 100 người vô gia cư, chủ yếu từ nguồn tiền châu Âu và Bắc Mỹ. Nhà nước Ấn Độ, Sở Thị chính Madurai, và đa số các công ty địa phương quay lưng lại với dự án của anh.

Krishnan cho biết, anh không còn được tôn trọng bởi chính đồng bào mình. “Tôi là người Brahmane, nghĩa là thuộc đẳng cấp Varna cao nhất Ấn Độ, và người của đẳng cấp này còn không được quan hệ với những kẻ sống ngoài đường, nữa là ôm hôn và xoa bóp cho họ“. Tuy ranh giới đẳng cấp không còn trên giấy tờ, song không hề mờ nhạt trong trí óc con người. Đối với lớp trung lưu, Dalit chỉ làm xấu bức tranh của một Ấn Độ giàu mạnh đang thăng tiến.

“Biết nói thế nào nhỉ“, một viên chức của thành phố Madurai ấp úng. “Công việc của ông Krishnan rất tốt. Nhưng chúng tôi không có tiền giúp ông ta“. Chẳng lẽ trợ giúp người nghèo lại không phải là nghĩa vụ của Nhà nước? Viên công chức ngập ngừng: “Ấn Độ chưa có một hệ thống xã hội hoàn chỉnh, biết làm sao được?“. Có lẽ vì vậy ông không đồng lòng với dự án của Krishnan, kể cả khi anh chạm tay vào những thứ không đáng chạm vào.

Lê Quang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm