Sông Lam nộp đơn kháng án: Con kiến kiện củ khoai ?

02/06/2008 13:48 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Như các cá nhân hay tập thể khi nhận án kỷ luật của VFF đều lên tiếng kêu oan và khẳng định sẽ khiếu nại, sẽ kháng án, Sông Lam hôm nay cũng sẽ gửi đơn tới Ban Khiếu nại. Thế nhưng, trong cuộc chiến không cân sức này, ít nhất là ở khóa V hiện tại, VFF luôn giành chiến thắng tuyệt đối. Sông Lam cũng không phải là ngoại lệ?

Kháng án? Tăng thêm án!

Chúng tôi xin lấy ví dụ một vụ kỷ luật khá ầm ỹ trong năm 2008 là việc VFF xử phạt 3 tuyểnthủ futsal Lê Tuấn Tú, Trần Trung Kiên và Nguyễn Bảo Quân vì "vi phạm quy chế tổ chức, kỷ luật của ĐTQG và Quy định về kỷ luật của VFF trong thời gian chuẩn bị SEA Games". Với "tội danh" này, ban Kỷ luật VFF đã ra quyết định: "Phạt 10 triệu đồng, cấm tham gia các hoạt động bóng đá do LĐBĐVN tổ chức trong thời hạn 1 năm và phải "trả lại toàn bộ chi phí ăn, ở, di chuyển (tiền vé máy bay, tàu, ô tô) và các chế độ được hưởng khác trong thời gian tập trung đội tuyển".

Án tuyên ban đầu là như vậy, nhưng sau khi 3 tuyển thủ này làm đơn kháng án lên ban Khiếu nại do luật sư Chu Hồng Thanh đứng đầu thì họ không những không được giảm thời hạn treo giò mà còn bị "tặng" thêm 3 tháng nữa.

Chỉ riêng việc Ban Kỷ luật phạt treo giò 1 năm với 3 tuyển thủ futsal Lê Tuấn Tú, Trần Trung Kiên và Nguyễn Bảo Quân đã khiến dư luận cực kỳ bức xúc, bởi nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau thì họ chỉ là nạn nhân (của sự đối xử bất công từ phía BHL) chứ không phải thủ phạm.

Trưởng Ban Khiếu nại liệu có tăng nặng án phạt với xứ Nghệ ?
 
Thế mà khi xem xét vụ việc, cũng như Ban Kỷ luật, Ban Khiếu nại lại không đứng về phía các cầu thủ nghiệp dư “thấp cổ bé họng" mà lại chỉ tin vào báo cáo của "người nhà" để rồi ấn thêm một án phạt nữa theo kiểu sóng sau đè sóng trước.

Phận thấp cổ bé họng

Căn cứ vào cách xử lý kỷ luật của VFF trong thời gian vừa qua dễ thấy rằng những đội bóng nhỏ hoặc một số cá nhân không có mối quan hệ thân tín với lãnh đạo VFF luôn phải chịu phần thiệt khi "lâm nạn".

Chẳng hạn, cùng là một sự cố khán giả chủ nhà bao vây, tấn công và truy đuổi CĐV hoặc cầu thủ đội khách, nhưng XMCT.Thanh Hoá (ở mùa bóng 2007) và TCDK.SLNA (ở mùa giải năm nay) đều bị phạt thẳng tay. Trong khi đó, cũng là sự việc ấy trên sân Thiên Trường cách đây chừng nửa tháng, khi CĐV Nam Định làm điều tương tự với CĐV Thể Công và chỉ thiếu cảnh máu đổ, thì các quan chức VFF lại nhất mực "ém nhẹm".

Sông Lam mất 50 triệu hay mấy tỉ ?

Án phạt 50 triệu đồng, nhưng nếu tính chi ly, Sông Lam thiệt hại về vật chất sau sự cố sân Vinh lên đến hàng tỉ đồng: Đóng cửa sân Vinh khiến họ thất thu khoảng 6-700 triệu đồng tiền bán vé/3 trận; Không được tổ chức 3 giải trẻ mất gần 1 tỉ; Nhà tài trợ sẽ xem xét gói tài trợ 7 tỉ đồng/mùa; Một số doanh nghiệp sẽ từ chối treo biển quảng cáo trên sân Vinh năm sau. Sông Lam đang bên bờ khủng hoảng ?

Ban Kỷ luật thì ca bài "không thấy báo cáo, không thấy hồ sơ nên không biết và không xử", còn BTC giải thì tảng lờ trước mọi chất vấn từ báo chí, dù rằng cả 2 giám sát làm việc ở trận đấu giữa ĐPM.NĐ và Thể Công đều là thành viên của bộ máy điều hành VFF, và phòng làm việc của họ chỉ cách phòng ông trưởng giải đúng 2 bước chân.

Vậy, phải giải thích sao về điều này, nếu không phải vì CLB ĐPM.NĐ ở gần mặt trời hơn và tiếng nói của họ lâu nay cũng có trọng lượng hơn ?

Hay như chuyện đổi trắng thay đen rùm beng trên sân Chi Lăng hồi tháng trước ở trận SHB.ĐN-ĐT.LA, giả sử người tham gia khởi xướng màn tranh cãi tưng bừng giữa SHB.ĐN với trọng tài không phải là Phó GĐ Sở Văn hoá Thể thao Du lịch Lê Nguyên Hồng, cũng là một VIP trong BCH VFF khoá V, thì liệu các giám sát có dám bước qua luật để gây sức ép với các trọng tài và BTC không ngần ngại biến trọng tài thành con tốt thí?

Với “nguyên tắc” xử lý vụ việc như thế, dù không tính tới chuyện cái án kỷ luật đóng cửa sân đến hết năm, trừ 3 điểm và phạt 50 triệu là nặng hay nhẹ, thì Sông Lam hôm nay gửi đơn khiếu nại lên VFF xem ra rồi cũng như con kiến đi kiện củ khoai.

Hoàng Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm