14/08/2011 15:23 GMT+7 | Đọc - Xem
(TT&VH) - Tính đến ngày 13/8 vừa rồi, nhà văn Sơn Nam rời xa “cõi tạm” tròn 3 năm (2008 - 2011). Sinh thời, Sơn Nam được rất nhiều người yêu quý, nhiều đại gia còn muốn mời ông về làm “môn khách” trong nhà. Nhưng Sơn Nam vẫn thích ở trọ nơi có nhiều người lao động tay chân, thích sống gần những mảnh đời cơ cực.
Ông Đào Tăng, năm nay ngoài 70 tuổi - một người mến mộ rồi trở nên thân thiết với Sơn Nam và gia đình nhà văn, đã kể với TT&VH về những tháng ngày nhà văn “ở trọ trần gian”. Đào Tăng có viết một cuốn sách về Sơn Nam đang được NXB Trẻ ấn hành. Ngoài sách, Đào Tăng hiện có một thùng sữa bò dùng đựng hình Sơn Nam mà ông đã chụp trong những năm được “đi và ở” với nhà văn.
“Sơn Nam đi bụi”
Nhà văn Sơn Nam trong một quán cà phê
Sáng ngày 11/8/2005, trên đường đi xe ôm trở về nhà, sau khi ngồi uống cà phê từ một quán bụi tại Q. Gò Vấp, nhà văn Sơn Nam đã bị tai nạn xe gắn máy chỗ ngã ba đường Phan Đăng Lưu - Đinh Tiên Hoàng, Q. Bình Thạnh, TP.HCM. Ông bị bể xương chậu, xương khớp bàn chân phía bên trái.
vỉa hè năm 2003 - Ảnh: VĐD
Sau tai nạn, như một hiệp sĩ phải gác kiếm, Sơn Nam đành nằm một chỗ trên giường bệnh, rời xa những thói quen dân dã hàng ngày. Ba năm sau lâm bệnh nặng, nhà văn đã qua đời ngày 13/8/2008 tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Lăng mộ ông được an táng rất đẹp tại đường Nghệ sĩ, khu Danh nhân trong Nghĩa trang công viên Bình Dương thuộc huyện Bến Cát. Đường phố Sài Gòn từ đó vắng bóng một văn nhân trìu mến, người đọc vắng đi một tác giả lừng danh của vùng đất Nam bộ.
Trước đó, cuối Thu năm 1995, trong giới anh em văn nghệ sĩ nhiều thế hệ xôn xao: “Nhà văn Sơn Nam bỏ nhà đi bụi...”. Tất nhiên, chuyện ông không ở nhà mà đi ở nhà trọ là có, nhưng đó chỉ là chuyện ý thích cá nhân, vì ông không muốn vướng bận người khác do cách sống “đặc thù” của mình.
Chốn ở với Sơn Nam không thiếu, vì từ khi báo, đài đưa tin Sơn Nam gặp khó khăn trong cuộc sống, có rất nhiều đồng nghiệp, bạn bè, kể cả các đại gia nhà cao cửa rộng tìm ông chào mời về ở với họ. Nhưng thật ra, Sơn Nam thích ở nơi xuề xòa độc lập, đồng điệu với người đã có tuổi, có quán tánh và sinh hoạt đặc thù như ông. Đối với Sơn Nam không gì bằng nhà trọ, cơm đường, cháo chợ, ly cà phê điếu thuốc đen ngoài hè phố “thoát trần một cõi thiên nhiên”.
Ông đã đến ở những nơi dành cho thợ hồ, thợ mộc, thợ gò hàn, sửa xe gắn máy, bán bia, cà phê, vé số... Loại nhà trọ này khá phổ biến ở các xóm lao động ngoại thành. Nó được dựng lên bằng các chất liệu thô sơ, mái tôn vách ván, buồng ngăn bằng tấm bạt, ni lông sơ sài. Nó ngột ngạt vì căn phòng bé xíu, các phòng dồn sát bên nhau chung một cụm, chung một đường đi vừa lách đủ tấm thân, ẩn khuất trong xó kẹt.
“Cỗ xe ít hao nhiên liệu”
Sơn Nam đã gởi thân ở những khu nhà trọ như thế hơn mười năm ròng. Ông cho rằng mình thật diễm phúc vì đã chứng kiến và chiêm nghiệm lắm điều từ các số phận ở các nhà trọ. Tất cả mọi thành phần, nghề nghiệp, trí thức cho đến dân dã đều bình đẳng. Nhà văn hay mọi người đều nơm nớp mối lo chung về cơm áo, sòng phẳng mọi khoản tiền lớn nhỏ mới yên thân. Từ đó, gái trai trẻ già ở bên nhau càng thú vị, thân thiện, tối lửa tắt đèn có nhau mọi hoàn cảnh.
Tác giả Đào Tăng (ngoài cùng bìa phải) cùng các văn nghệ sĩ
thăm nhà lưu niệm Sơn Nam ở Tiền Giang.
Tôi đã đến rất nhiều lần với Sơn Nam trong các khu nhà trọ. Ở đó, có ông thầy soạn giáo án bên cạnh cậu sinh viên dùi mài kinh sử trong cảnh chan chát của người thợ quai búa hàng ngày. Tiếng ì xèo xì xẹt khói lửa nồng nặc của thợ gò hàn sát bên tai ông nhà văn đang lặng lòng, thót tim sáng tác.
Sơn Nam đã ngồi viết trong tiếng rồ ga nổ máy ầm ĩ của thợ sửa các loại xe máy. Chưa hết, còn các tiếng chửi tục, tiếng cười sàm sỡ, tiếng nhạc xập xình luôn vọng bên tai nhà văn bất luận giờ giấc nào. Tôi gọi chốn nhà trọ là một cái lò trui rèn sắt thép, quỵ xuống hay vươn lên chính là cái tư đức của chí nhân.
Nhà văn Sơn Nam viết văn giữa chốn dân dã như thế bởi ông xem viết cũng là một nghề khó nhọc để kiếm chén cơm ăn như mọi nghề. Trên mười năm sống và làm việc trong những cái nhà trọ, nhưng tất cả mọi tác phẩm sách báo của ông đều “mẹ tròn con vuông” ra đời.
Ngày 10/4/2003, lúc đang ở nhà trọ, ông là nhà văn đầu tiên ở nước ta được NXB Trẻ mua trọn đời bản quyền hơn 50 đầu sách viết từ năm 1947 đến sau này. Hôm Sơn Nam đi ký bản quyền với NXB Trẻ, dân trong xóm trọ ngạc nhiên khi ông già bỗng dưng khoác đồ vest bệ vệ. Hôm sau, họ đọc báo, xem tivi mới biết “Ông già là người nổi tiếng”. Bởi trong mắt họ đã khắc sâu hình ảnh của một ông già cô đơn tuổi đã bóng xế. Quẩn quanh trong khu nhà trọ, ông thường chỉ mặc cái quần đùi, còm cõi từ thắt lưng lên đôi vai gầy, dọc dài theo sống lưng chỉ thấy da bọc xương. Đêm ngày ở xóm nhà trọ nóng bức, xóm làng chỉ thấy ông cặm cụi viết. Đôi lúc ông đứng lên đi bộ quanh đường hẻm nghèo nàn rồi lại ngồi vào bàn viết.
Tôi gọi Sơn Nam là cỗ xe ít hao nhiên liệu nhưng cứ đều đặn nổ máy chạy hoài. Bởi đời ông có tiêu xài gì nhiều, vật chất đối với ông luôn tối giản... Nhưng Sơn Nam sang trọng quá chừng ở cái cõi trần gian tạm bợ này, khi đã để lại cho đời rất nhiều danh tác.
Trạc Tuyền (ghi)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất