Sơn Nam và tình quê hương Nam Bộ

18/08/2008 01:25 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Văn xuôi là sự nghiệp của ông (mặc dù thỉnh thoảng ông cũng có mấy vần thơ). Khảo với luận ông có Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Đồng bằng sông Cửu Long, Cá tính của miền Nam, Tìm hiểu đất Hậu Giang, Nguyễn Trung Trực, anh hùng dân chài (cùng viết với Ngọc Linh), Người Việt có dân tộc tính không? v.v... Nhưng viết truyện mới là cái sở trường của ông, nhất là truyện ngắn.

Truyện dài, ông viết cốt đọc cho vui: những truyện có đâm, có chém, có kẻ cướp, có ông đạo, võ nghệ, mưu mẹo, phép tắc này nọ, truyện đăng nhật trình (Vạch một chân trời, Bà chúa Hòn...).

Truyện ngắn của ông, nó vượt truyện dài cả về phẩm và lượng. Nói về lượng: cuối năm 1965 nói chuyện với Ngu Í, ông bảo rằng trước cuốn Hương rừng Cà Mau đã đăng trên Tiểu thuyết thứ năm gần năm chục truyện ngắn khác. Rồi sau Hương rừng Cà Mau, ông đang còn trong tay một số truyện đủ in thêm ba cuốn nữa, dày bằng Hương rừng Cà Mau. Như vậy từ Hương rừng Cà Mau đến cuối 1965 non trăm truyện; trước Hương rừng Cà Mau, non năm chục truyện. Thế rồi từ 1966 đến 1975, trong chín năm ấy hãy cho là Sơn Nam viết ít hơn: chừng trăm truyện nữa thôi. Vị chi hai trăm rưỡi cái truyện ngắn. Ấy là chưa kể những cái viết trước 1955 và sau 1975. Về phẩm: ai cũng biết làm nên danh tiếng của Sơn Nam là cuốn Hương rừng Cà Mau, một tập truyện ngắn.

Đời ông ba mảnh, văn ông hai loại, nhưng lòng ông chỉ có một thiết tha: quê hương. Dù ông viết gì (truyện ngắn, truyện dài, khảo luận), dù ông viết tại đâu (bên ni, bên tê), đề tài cũng chung quanh một đề tài ấy mà thôi.

Chuyện thương nhớ quê hương, nó có nhiều thứ bậc lắm. Có cái thương nhớ của kẻ lưu lạc tận một lục địa xa xôi hướng về đất nước đã xa lìa hàng mấy thập niên kỷ, như đám dân đi làm ăn ở Tân thế giới trước kia. Có những người sống ngay tại Việt Nam mà nhớ Việt Nam, như ông Vũ Bằng, sống Nam nhớ Bắc. Lại có những hạng người sống ngay tại miền Nam mà nhớ miền Nam, sống tại Nam phần mà nhớ Nam phần. Sơn Nam thuộc loại ấy. Chính ông, mở đầu cuốn Hương rừng Cà Mau, đã não nuột:

“Ray rứt mãi đời ta

Nắng mưa miền cố thổ

Phong sương mấy độ qua đường phố

Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê”

                            (Thay lời tựa)

Hạt bụi còn nhớ quê nữa là người. Và chính nỗi niềm nhớ quê ngay tại quê hương, nỗi nhớ nhung ngay tại chỗ ấy đã làm nền tảng sự nghiệp văn chương của Sơn Nam.

Tất nhiên không thể bảo lúc nào ông cũng than thở một điệu như thế. Nhớ quê, một tình cảm ấy có thể xuất hiện dưới nhiều dạng vẻ khác nhau. Khi thì Sơn Nam trình ra những cái lạ lùng, ngoạn mục, xảy ra ở chỗ quê mình, làm thiên hạ trố mắt, nén hơi mà xem: hoặc ông dắt ra giới thiệu mấy người dân trần truồng ở hòn Cổ Tron (Ông già xay lúa); hoặc ông kể chuyện những sân chim ở vùng Thầy Quơn, Cái Nước, Cái Lớn, rộng mười ngàn thước vuông, quy tụ hàng vạn con chim to lớn: bồ nông, già sói, chàng bè, chó đồng... (Tháng chạp chim về); hoặc ông thuật chuyện hát bội ở rạch Tà Tưng, khán giả ngồi xuồng xem hát trong rào, sấu và cọp lượn ngoài vòng rào (Hát bội giữa rừng) v.v... Khi khác, ông nhấn mạnh vào cái nghèo cái khổ cái thê lương của dân Miệt Dưới: lão Bích lúc chết chỉ có chiếc áo mặc trên người, muốn cởi ra để lại cho con mà yếu quá không cởi được, lão chết giữa đồng nước mênh mông, chôn bằng cách bó thây, buộc vào nửa thớt cối xay vất xuống nước (Một cuộc bể dâu). Khi khác nữa, Sơn Nam nói về tấm lòng yêu nước, về gan dạ anh hùng của bà con nơi quê ông, về sự tàn bạo dã man của thực dân Pháp (Miễu bà chúa Xứ). Lại có khi khác nữa, ông kể chuyện người tài giỏi nghĩa khí ở quê ông, tài đức đến nỗi ông Tây Rốp phải bái phục sát đất (Sông gành Hào). Rồi lại có khi khác nữa, ông xoay qua chuyện hò hát lãng mạn tình tứ trên sông trên rạch, có trăng có nước, có trai bềnh bồng bốn biển là nhà, có gái đẹp bùi ngùi tấc dạ (Con Bảy đưa đò)... Cứ thế ông thiên biến vạn hóa, đọc tới mê luôn. Cả đời chỉ quanh quẩn từ Cà Mau lên Sài Gòn mà vẫn có chuyện lạ làm say lòng người, ấy mới tài.

Vả lại, Sơn Nam không phải chỉ yêu mến địa phương mà thôi. Ở ông còn có một niềm tin tưởng sâu xa gần như kỳ bí vào địa phương mình. Ông bảo: “Chẳng biết có phải tôi nặng tình địa phương không mà tôi cứ tin tưởng miền lưu vực sống Cửu Long là miền phước địa (các tu sĩ thì cho là thánh địa)... Và miền trù phú đặc biệt này sản xuất ra những nhân vật lạ lùng, khác thường. Phần tươi trẻ, liều lĩnh nhất của dân tộc ở vào cái thế được ưu đãi đặc biệt thì chắc chắn thế nào cũng sản xuất những đứa con phi thường” (Sống và viết với...). Có lẽ sức lôi cuốn của ông một phần do cái mê say kỳ bí của đứa con phi thường vào địa phương mình chăng?

Trong truyện ngắn của Sơn Nam cái gì thoạt tiên đập mạnh vào độc giả, bắt họ chú ý, lôi cuốn họ, là cái quái lạ. Nhưng cái rốt cuộc để lại dư vang lâu dài trong lòng người đọc, để lại một rung động sâu xa và kín đáo, lại là một cảm tưởng ngậm ngùi trước những thân thế tàn phai, trước những suy lụn theo thời gian. Đọc ông ta lại thấy thấm thía vào tâm hồn một nỗi buồn man mác. Những truyện sống đời, nó sống đời vì cái man mác ấy, có thế chăng?

Tràng Thiên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm