10/09/2014 19:56 GMT+7 | Văn hoá
Từ Facing Goya đến cậu bé Peter Pan: Hết vé!
Hai vở nhạc kịch được xem là khá kén khách bởi mức độ khó nhằn ở nội dung là Facing Goya và Peter Pan cuối cùng đã thắng lớn ở hai nhà hát Victoria và Drama Centre Theatre hồi giữa tháng 8 vừa qua. Cho dù giá vé rẻ nhất (55 SDG) đến khu VIP (130 SDG) thì công chúng sở tại và khách du lịch vẫn ngồi kín chỗ.
Nhiều nhà quan sát cho rằng nhạc kịch đang rất được ưa chuộng tại Singapore vì càng ngày chất lượng nội dung của nó càng sâu đáp ứng đúng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao ở đây. Chẳng hạn Facing Goya là một vở nhạc kịch gay cấn và ly kỳ nói về nỗ lực của một người phụ nữ trong hành trình tìm kiếm phần xương sọ của danh họa Goya, một nghệ sĩ Tây Ban Nha vĩ đại ở thế kỷ 18. Vở này là một sự pha trộn giữa khoa học viễn tưởng, lịch sử nghệ thuật, công nghệ sinh học, học thuyết đạo đức và cả thuyết âm mưu.
Khi thi thể của Goya được khai quật vào cuối thế kỷ 19, người ta phát hiện phần thủ cấp đã bị mất. Theo truyền thuyết, Goya đã nhờ những người bạn lấy phần đầu của mình đem chôn ở một nơi khác để đề phòng những kẻ cướp mộ và tránh được việc não của ông bị đem đi nghiên cứu. Trong sự hòa quyện giữa những câu chuyện thật và hư cấu, Facing Goya đặt ra một câu hỏi “Nếu xương sọ của Goya được tìm thấy và óc sáng tạo của Goya được nhân bản vô tính, chuyện gì sẽ xảy ra? Liệu chúng ta có thể nhân bản vô tính được tâm hồn của một con người không?”
Từ đây cũng đặt ra một câu hỏi, với một đề tài như vậy liệu có khó nhằn không? Câu trả lời là: hết vé. Năm nay Singapore tổ chức SIFA 2014 với mục tiêu tập trung đề cập đến những di sản của thế kỷ 20 và mời gọi người tham dự đào sâu tìm hiểu và khám phá những di sản cá nhân, chính trị, xã hội và nghệ thuật, cho thấy những thế kỷ trước đã để lại những dấu ấn khó phai trong nền văn minh nhân loại như thế nào thông qua nghệ thuật múa, âm nhạc, kịch nghệ, nghệ thuật thị giác, phim ảnh và văn chương.
Đạo diễn Ong Keng Sen, người chỉ đạo nội dung sân khấu lễ hội này cho rằng Facing Goya là một phép thử cho thấy mức độ quan tâm của công chúng đến đâu và rõ ràng “họ chịu chi tiền cho việc thưởng thức nghệ thuật ở mức độ cao”.
Facing Goya không phổ thông như những Lion King, Notre Dame… đã từng đông nghịt khách ở Singapore vài năm trước nhưng vẫn đông khách nên đã tạo ra một mặt bằng biểu diễn nhạc kịch đầy hứng khởi tại đây.
Vở Peter Pan vừa công diễn từ trung tuần tháng 8 cũng vậy. Hai xuất diễn tại Nhà hát Drama Centre Theatre không còn chiếc vé nào. Một sự trở lại đầy tuyệt vời của câu chuyện cổ tích dành cho trẻ em. Tác phẩm được thực hiện bởi tổng đạo diễn Robert Wilson, với sự góp mặt của đôi song ca người Mỹ CocoRosie và các diễn viên của Nhà hát Kịch Berliner Ensemble.
Trên một sân khấu rộng với những đám mây trôi lững lờ và những hình ảnh đẹp mê hoặc, Peter mặc một chiếc áo khoác da màu đen và xuất hiện với vẻ buồn bã, đầy ám ảnh, khác với vẻ hồ hởi vốn có và gây được sự ngạc nhiên cho người xem với lối diễn xuất linh hoạt và sáng tạo của mình. Đạo diễn Wilson đã làm kinh ngạc khán giả với sự pha trộn đầy lôi cuốn giữa âm nhạc, vũ đạo, hình ảnh và cách kể chuyện trong vở Peter Pan, biến sân khấu trở thành một thế giới tuyệt vời của riêng ông.
Nhạc kịch Peter Pan chỉ mới vừa ra mắt vào năm ngoái và không phải thị trường nào nó cũng đến góp mặt. Singapore là một số ít rất nhỏ.
Chính vì thế mà đạo diễn người Hàn Quốc, Seo Jea Huyng, rất hào hứng với thị trường ở đảo quốc sư tử. Mới đây ông đã mang vở nhạc kịch The Chorus; Oedipus đến đây và thắng lớn. Vở nhạc kịch này mang đầy tinh thần Hy Lạp, không dễ nắm bắt nếu như không biết nhiều về không khí cổ đại xưa. Seo Jea Huyng đưa dàn hợp xướng làm trung tâm trong vở này để truyền tải nét quyến rũ của nhạc kịch Broadway bằng sự phối hợp của nhiều cây piano. Thành công của vở nhạc kịch này cho thấy Singapore đang trở thành một thị trường mở của musical, bất cứ thể loại, miễn là có giá trị nghệ thuật (vở này diễn bằng tiếng Hàn Quốc và chạy phụ đề bằng tiếng Anh).
Chẳng cần đi xa
Với những chương trình nghệ thuật đặc sắc, Singapore đang trở thành điểm đến của những du khách ưa thích thưởng thức nghệ thuật. Bởi chẳng cần sang tận Anh xem tour diễn mới nhất của Rolling Stones cũng có thể ngất ngây với chất giọng khàn nhựa của danh ca Mick Jagger tại Singapore. Và những vở nhạc kịch, dù đang sáng đèn tại Broadway hay West End, vẫn có thể thưởng thức tại Singapore với dàn diễn viên tiếng tăm.
Trong lĩnh vực giải trí, Singapore đang trở thành thị trường mạnh nhất khu vực Đông Nam Á, soán ngôi cả Thái Lan vốn giữ độc tôn nhiều năm trước. Mỗi năm đảo quốc này có hơn 90 show ca nhạc, nhạc kịch, hòa nhạc danh tiếng và kéo theo hàng triệu du khách tới thưởng lãm. Theo ông Danny Loong, Chủ tịch Công ty Tổ chức sự kiện Timbre thì người dân Singapore ngày càng có trình độ thưởng thức cao hơn và bên cạnh đó du khách phần đông là du lịch văn hóa. Mỗi năm Singapore thu về hơn 5 tỷ USD từ du lịch văn hóa.
Từ tháng 9 này, các sân khấu ở Singapore lại sáng đèn với một loạt những vở nhạc kịch nổi tiếng. Đầu tiên phải kể đến Mama Mia, vở nhạc kịch dựa trên nền nhạc của nhóm ABBA và theo thống kê trên toàn thế giới, đã có 54 triệu người yêu thích nó. Sự xuất hiện của Mama Mia cũng đang kéo theo sự quan tâm nhiều nghệ sĩ Việt và chắc chắn họ sẽ không bỏ lỡ dịp may này. ABBA xong sẽ đến The Beatles với 2 vở: Beatlemania và Let It Be. Đây là cơ hội cho những ai mê tứ quái Anh quốc bởi đây là 2 vở được đánh giá rất cao khi toàn bộ câu chuyện nói về thời hoàng kim của The Beatles.
Vở The Nightingale (Chim họa mi) dựa trên tác phẩm kinh điển của Hans Christian Andersen, sẽ làm dài thêm danh sách những vở musical đang được diễn tại Singapore. Vở này được dàn dựng với phần âm nhạc theo phong cách pop/hip-hop của Ruth Ling và phần lời thoại được viết bởi biên kịch nổi tiếng Mike Kenny. Câu chuyện ly kỳ về một cô chim họa mi đang cố gắng tìm lại giọng hót mê ly của mình và thoát khỏi sự giam cầm của vị hoàng đế đang báo hiệu những âm thanh tươi vui cho đảo quốc những tháng cuối năm 2014 với rất nhiều chương trình lễ hội và âm nhạc nổi tiếng.
Singapore đang muốn thế giới biết rằng đảo quốc nhỏ bé này sẽ là tâm điểm cho nghệ thuật và giải trí của của cả châu lục và với cách làm hiện nay thì “chuyện đó sẽ đến sớm thôi”.
Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất