Trung Quốc khép vòng vây vụ sữa nhiễm melamine

16/09/2008 09:12 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Vụ sữa bột Tam Lộc (Sanlu) nhiễm melamine ở Trung Quốc đang có xu hướng trở nên nghiêm trọng hơn khi nhà chức trách thông báo đã có hơn 1.200 em nhỏ phải nhập viện và tập đoàn Tam Lộc đã biết trước vài tuần về chuyện sữa không an toàn nhưng vẫn cố tình che giấu thông tin.
 

Những thủ phạm đầu tiên sa lưới

Ngày 15/9, cảnh sát Trung Quốc đã chính thức bắt giữ hai anh em ruột họ Canh vì có liên quan tới vụ sữa nhiễm melamine. Hai anh em này điều hành một trung tâm thu gom sữa ở tỉnh Hồ Bắc. Cảnh sát nghi ngờ họ đã pha nước vào sữa để tăng trọng lượng, sau đó pha thêm melamine để khiến lượng protein cao hơn mức bình thường nhằm vượt qua hệ thống kiểm tra dinh dưỡng của tập đoàn Tam Lộc. Phát ngôn viên cảnh sát tỉnh Hồ Bắc cho biết vào thời kỳ cao điểm, mỗi ngày anh em nhà Canh bán ra khoảng 3 tấn sữa nhiễm melamine.
Một nạn nhân của sữa nhiễm melamine đang được điều trị tại Trung Quốc
Trước đó, nhà chức trách đã tạm giữ 19 nhân vật làm việc tại các điểm thu gom sữa tư nhân khác nhau. Cảnh sát cũng tiến hành thẩm vấn 78 người có liên quan bao gồm những nhà cung cấp sữa nguyên liệu và nhà phân phối loại sữa bột của Công ty Tam Lộc. Cho tới nay khả năng nông dân nuôi bò pha melamine vào sữa đã bị loại bỏ. "Khó có khả năng nông dân trộn hóa chất công nghiệp melamine vào sữa tươi. Chúng tôi tin việc sữa nhiễm bẩn đã xảy ra tại các điểm thu gom sữa" - ông Lý Trường Giang, lãnh đạo Tổng cục Giám sát chất lượng, Thanh tra và Kiểm dịch Trung Quốc (AQSIQ), nói trên tờ China Daily.
 
Lý đã được cho xem 60 bao bột trắng do cảnh sát mang về từ các điểm thu gom sữa ở địa phương. Thử nghiệm cho thấy thành phần của chúng có một lượng lớn melamine. "Thật sốc. Đây là một tội ác chống lại nhân dân" - ông Lý nói.

Hiện các đoàn thanh tra của AQSIQ đã lên đường đi thanh sát chất lượng của 175 nhà máy sản xuất sữa trẻ em trên toàn quốc. Những cuộc thanh tra sẽ tập trung ở Quảng Đông, Hắc Long Giang và Nội Mông, các khu vực sản xuất sữa lớn nhất nước. Kết quả sẽ được công bố trong một hai ngày tới.

Số bệnh nhân nhí tăng vọt

Trong khi đó, tính tới 8h sáng ngày 15/9, China Daily dẫn nguồn Bộ Y tế Trung Quốc cho hay đã có thêm một em nhỏ nữa thiệt mạng, nâng tổng số nạn nhân chết vì uống sữa nhiễm melamine lên hai em. Tổng cộng có 1.253 em nhỏ phải nhập viện điều trị với kết quả siêu âm cho thấy thận của chúng có sỏi. Trong số trên, có 53 em đang trong tình trạng nguy kịch và 340 em đang được theo dõi. 913 em còn lại đã được chẩn đoán chỉ mắc bệnh nhẹ và đã được đưa về nhà điều trị.
"Có khả năng 10.000 cháu nhỏ đã uống sữa bột Tam Lộc nhiễm bẩn" - Thứ trưởng Bộ Y tế Mã Thiệu Vệ cảnh báo. Như vậy, trong thời gian tới, việc có thêm bệnh nhân nhí là chuyện không thể tránh khỏi. Theo các chuyên gia y tế, thận của trẻ sẽ không gặp phải tổn thương vĩnh viễn nếu chúng được điều trị kịp thời và bằng các phương thức phù hợp.

Bộ Y tế Trung Quốc đã chỉ định một số bệnh viện chuyên điều trị trẻ bị sỏi thận với mục tiêu ngăn chặn khả năng có thêm trẻ thiệt mạng. Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế không dùng những phương pháp điều trị có thể gây hại cho trẻ như trị xạ, gây mê và phẫu thuật. Ngoài ra bộ này cũng sẽ cử các nhóm nhân viên y tế tới các khu vực hẻo lánh để khám và chữa bệnh cho trẻ em ở những nơi này. Phát ngôn viên Bộ Y tế cho biết toàn bộ chi phí điều trị cho các bệnh nhân nhí sẽ do chính phủ đài thọ.

Có chuyện che đậy thông tin?

Đã xuất hiện một số thông tin về chuyện che đậy thông tin trong vụ bê bối mới này. Tại cuộc họp báo cuối tuần trước, nhà chức trách Trung Quốc cho hay tập đoàn Tam Lộc đã nhận một số lời than phiền về sữa bột của hãng này từ hồi tháng 3. Tam Lộc sau đó thừa nhận sữa có vấn đề, đã mở một cuộc điều tra và thu hồi một số sản phẩm. Tuy nhiên công ty đã giấu nhẹm sự cố, không thông báo với chính phủ hay công luận.

Đầu tuần này, Thủ tướng New Zealand Helen Clark tiết lộ bà đã biết về vụ sữa nhiễm khuẩn từ ngày 5/9 và thông báo với Bắc Kinh ba ngày sau đó, khi các quan chức địa phương từ chối hành động. New Zealand có liên quan tới vụ bê bối của Trung Quốc bởi nhà sản xuất sữa lớn nhất nước này là Fonterra Cooperative hiện đang sở hữu một phần của tập đoàn Tam Lộc. Theo bà Clark, Fonterra đã "cố gắng trong nhiều tuần nhằm tổ chức một cuộc thu hồi chính thức (sản phẩm sữa nhiễm khuẩn) nhưng nhà chức trách địa phương ở Trung Quốc đã không muốn làm việc đó".

Trung Quốc hiện chưa có phản ứng nào trước tuyên bố của New Zealand. Nhưng trong vụ Tam Lộc giấu thông tin, Bộ trưởng Y tế Trung Quốc Cao Cường khẳng định tập đoàn này sẽ phải "chịu trách nhiệm lớn" và tuyên bố sẽ trừng phạt nặng những kẻ có hành động sai trái.
 
Gia Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm