Sau khi 'xưng vương' Đông Nam Á, HLV Hoàng Anh Tuấn đã có những trải nghiệm 'đắt giá' ở sân chơi ASIAD 2023

25/09/2023 10:25 GMT+7 | ASIAD 2023

Thất bại sớm ở vòng bảng ASIAD 19 khiến thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn là đội tuyển ở Đông Nam Á duy nhất về nước sớm, trước Olympic Indonesia, Thái Lan và Myanmar. Đây là bài học đắt giá với các học trò trẻ của ông Tuấn, những người mới tháng trước đã hưởng niềm vui lớn khi vô địch U23 Đông Nam Á.

Olympic là đại diện duy nhất của Đông Nam Á không vượt qua vòng bảng bóng đá nam ASIAD 19. Ngoài Olympic Việt Nam bị loại, các đại diện còn lại của Đông Nam Á đều giành quyền vào vòng 1/8.

HLV Hoàng Anh Tuấn và những bài học đắt giá sau khi xưng vương Đông Nam Á - Ảnh 1.

Văn Khang cùng các đồng đội về nước sớm ở ASIAD 19. Ảnh: Hoàng Linh

Trong đó, Olympic Thái Lan và Olympic Indonesia, Olympic Myanmar đi tiếp thông qua suất của 4 đội đứng thứ ba có thành tích tốt nhất. Olympic Indonesia đạt thành tích tốt nhất trong các đội đứng thứ ba khi có 3 điểm. Họ thắng Olympic Kyrgyzstan, thua đội cuối bảng Đài Bắc Trung Hoa và CHDCND Triều Tiên.  

HLV Hoàng Anh Tuấn và những bài học đắt giá sau khi xưng vương Đông Nam Á - Ảnh 2.

Nỗi buồn của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn. Ảnh: Hoàng Linh

Olympic Thái Lan thua đậm 0-4 trước đội đầu bảng E là Olympic Hàn Quốc, nhưng có 2 trận hòa trước các cuối bảng Olympic UAE và Olympic Bahrain. Còn Olympic Myanmar thắng đội xếp cuối bảng A Olympic Bangladesh, thua độiđầu bảng Olympic Trung Quốc và hoà Olympic Ấn Độ 1-1.

Olympic Việt Nam bị loại khi đứng cuối trên bảng xếp hạng các đội hạng ba. Thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn chỉ được tính 0 điểm và chỉ số phụ -6. Olympic Việt Nam không thể có lần thứ 4 liên tiếp góp mặt ở vòng loại trực tiếp của Đại hội châu lục, tính từ năm 2006. 

Lần gần nhất năm 2018, Olympic Việt Nam của HLV Park Hang Seo đã vào bán kết và thua nhà vô địch Olympic Hàn Quốc. Họ cũng thất bại ở trận tranh huy chương đồng, xếp hạng tư chung cuộc.

Những thành công của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn với lứa Olympic Việt Nam tại Thái Lan tháng trước cho thấy nó vẫn không có gì đáng kể khi họ đến dự giải đấu ở Hàng Châu (Trung Quốc). Đội hình xưng Vương ở sân chơi khu vực không có ngôi sao nào biết toả sáng khi ra châu lục. Và những giải đấu lớn với kỳ vọng giúp người trẻ rút ngắn khoảng cách trước đối thủ mạnh cũng chưa mấy thành công.

Olympic Việt Nam thực chất có điều kiện chuẩn bị không hề tồi khi được người làm bóng đá Việt Nam tập trung đầu tư từ vài năm qua. Lứa cầu thủ hiện tại được vun đắp rất nhiều, từ giải U19 Đông Nam Á, Vòng chung kết U20 châu Á, giải giao hữu U23 châu Á ở Qatar, SEA Games 32, giải vô địch U23 Đông Nam Á trước khi lên đường đến ASIAD 19.

Hành trang của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn là chiếc Cúp vô địch U23 Đông Nam Á lần thứ 2 liên tiếp sau 2 năm. Nó là nguồn cảm hứng lớn của Olympic Việt Nam, những người rất được tin tưởng cho những kế hoạch lớn.

Tuy nhiên, những gì diễn ra ở Hàng Châu thực sự là thảm hoạ với thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn. Olympic Iran và Olympic Saudi Arabia đã khiến Olympic Việt Nam nhìn lại được mình đang đứng đâu khi tiến ra châu lục.

Nhà vô địch U23 Đông Nam Á không phải là đối trọng đáng kể so với những nền bóng đá có truyền thống. Tuy nhiên, cách học trò HLV để thua bàn với sự thiếu tập trung khi gặp các đối thủ là điều họ phải tự chỉnh mình nếu muốn đi xa. 

Trong tay HLV Hoàng Anh Tuấn là những cầu thủ non trẻ, nhưng như đã đề cập, họ đã được thử "lửa" không ít với hàng loạt giải đấu quốc tế lớn suốt 2 năm gần nhất. Những đội tuyển mang tới ASIAD 19 lực lượng cũng không có sự chênh lệch đáng kể với Olympic Việt Nam. Thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn có độ tuổi trung bình trẻ nhất giải (20,3 tuổi, thấp hơn so với độ tuổi trung bình 21,41 của Olympic Indonesia và 21,48 của Olympic Thái Lan). Nhưng điều này cũng không nhiều ý nghĩa khi HLV Hoàng Anh Tuấn đã có gần như đầy đủ những lựa chọn tốt nhất của nền bóng đá trong độ tuổi dự ASIAD. Quan trọng hơn cả, đây là những học trò đã quá hiểu ông và được đầu tư lớn thời gian qua.

Trước những đối thủ hàng đầu châu lục, triết lý bóng đá kiểm soát bóng cũng không thực tế khi thực lực cầu thủ không thể đứng vững trước lối chơi áp sát, giàu thể lực của đối thủ. Trước Olympic Iran và Olympic Saudi Arabia, những tiền đạo của Olympic Việt Nam gần như không có cơ hội sút bóng. 

Đối thủ kiểm soát hơn 60% thời lượng cầm bóng và dồn Olympic Việt Nam về thế trận phòng ngự. Đến khi có bóng, Olympic Việt Nam cũng không đủ sức để phản công. Khi bị dẫn trước, dễ thấy các học trò của HLV Hoàng Anh Tuấn cũng chơi nhiều bóng dài, bóng bổng để tìm cơ hội thay vì nhẫn nại phối hợp như triết lý đặt ra ban đầu.

Từ khu vực đến châu lục là khoảng cách rất xa và thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn hơn ai hết đã cảm nhận được những cảm xúc trái ngược chỉ trong vòng 1 tháng. Thất bại là cơ hội để trưởng thành và lúc này, họ cũng ý thức được mình ở đâu và phải làm gì nếu muốn thay đổi lịch sử. Ở tuổi đôi mươi, các học trò của HLV Hoàng Anh Tuấn còn nhiều thời cơ để làm lại. Nếu ngày mai họ thành công, nền bóng đá sẽ lại tôn vinh tất cả như những người hùng.

VIỆT HÀ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm