Có thể thăm cung điện chìm dưới biển của Cleopatra?

22/02/2009 10:20 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Năm 1996, các nhà khảo cổ bất ngờ phát hiện ra cung điện huyền thoại của Cleopatra ở độ sâu từ 10 đến 15 mét dưới biển phía ngoài cảng của thành phố Alexandria.
 
Trong tương lai khách tham quan sẽ có cơ hội đi thăm cung điện này cũng như những công trình khác của một Alexandria huy hoàng thời cổ đại, nếu như Ai Cập thực hiện được kế hoạch biến di chỉ bị chìm dưới biển nói trên thành một bảo tàng ngầm. Đó là một dự án đầy hoài bão, nhưng hiện còn gặp nhiều vướng mắc.
Phần trên thiết kế của công trình bảo tàng ngầm đầy hoài bão ở Alexandria

Alexandria từng là một trong những trung tâm của nền văn minh lớn nhất thế giới cổ đại. Từ khi tiến hành các cuộc khai quật tại khu cảng phía đông thành phố hồi giữa thập niên 1990, các thợ lặn đã tìm được hàng ngàn cổ vật lịch sử, trong đó có 26 tượng nhân sư, nhiều cấu kết kiến trúc granite lớn mà mỗi tảng nặng tới 56 tấn và những di vật mà người ta cho đó là đèn ở ngọn hải đăng Alexandria, một trong bảy kỳ quan cổ đại của thế giới. Ngoài một số cổ vật đã được trục vớt, hầu hết khu phế tích của quần thể cung điện của Cleopatra, nữ hoàng Ai Cập nổi tiếng sống ở thế kỷ thứ nhất trước CN, vẫn đang chìm sâu dưới nước. Quần thể này từng được xây trên một hòn đảo bị nhấn chìm trong những trận động đất hồi thế kỷ thứ 5 sau CN.

Giờ đây, thành phố Alexandria đang có tham vọng giúp cho khách tham quan có dịp đi thăm di chỉ độc đáo này qua đường hầm dưới nước được xây dựng bằng sợi thủy tinh, qua đó người có thể nhìn rõ được các công trình dưới nước. Bảo tàng này sẽ do kiến trúc sư Pháp Jacques Rougerie thiết kế. Ông là một chuyên gia trên lĩnh vực xây dựng các công trình ngầm.

Dự án này đã nhận được sự ủng hộ của UNESCO. Sang tháng tới, cuộc điều tra kỹ thuật chi tiết sẽ được xúc tiến. “Nếu tất cả diễn ra theo đúng kế hoạch thì công trình xây dựng bảo tàng sẽ được khởi công vào đầu năm 2010 và sẽ được hoàn tất trong vòng 2 năm rưỡi”, Ariel Fuchs, Giám đốc khoa học tại công ty của kiến trúc sư Rougerie, cho biết.Ý tưởng này còn nhận được sự ủng hộ của nhà khảo cổ dưới biển giàu kinh nghiệm Franck Goddio, người đã có công lớn trong việc tìm kiếm các cổ vật ven bờ biển của thành phố Alexandria.

Một tượng nhân sư được phát hiện ở cung điện chím dưới biển của Cleopatra

Tuy nhiên, dự án nói trên đang vấp phải một số trở ngại lớn. Trước hết người ta vẫn chưa biết lấy đâu ra khoản kinh phí xây dựng bảo tàng dự kiến lên tới 140 triệu USD. Chính phủ Ai Cập hy vọng các hãng tư nhân và tổ chức sẽ góp vốn cho công trình đầy hoài bão này, nhưng cho đến nay vẫn chưa rõ ai sẽ là nhà đầu tư.

Bên cạnh khó khăn tài chính, các nhà xây dựng bảo tàng còn đang đối diện với những thách thức nan giải về kỹ thuật. Trong đó có việc làm sao cải thiện được nước đục ngầu để làm tăng được khả năng quan sát từ đường hầm và phải xây dựng thế nào để bảo đảm công trình này đủ vững trước những luồng nước ngầm. Nhiều người dân địa phương đang hoài nghi khi không biết công trình có xúc tiến nổi hay không.“Đây là một ý tưởng hoàn hảo, nhưng phải xuống đó và xúc tiến các thăm dò khoa học để xem cái gì là thực tế, cái gì không. Cứ như hiện nay thì qua tháng này đến tháng khác, công trình vẫn chưa được triển khai”, tiến sĩ Ashraf Sabri, người điều hành một trung tâm lặn chuyên tìm kiếm các di sản dưới nước, nói.

Tin liên quan:
 
 
Chính phủ Ai Cập vẫn đang đặt nhiều hy vọng vào công trình này bởi họ nhận thấy mặc dù là thành phố lớn thứ 2 của đất nước kim tự tháp, Alexandria từ lâu đã bị lu mờ trước thủ đô Cairo và Luxor, thành phố miền Nam Ai Cập nơi có thũng lũng của các vị vua cùng nhiều di chỉ khảo cổ quan trọng. Với bảo tàng ngầm dưới nước, chính phủ Ai Cập muốn tạo ra một điểm đến mới cho Ai Cập, đất nước hiện đã thu hút được 12 triệu du khách nước ngoài mỗi năm.

Từ lâu lịch sử vĩ đại và nền tảng đa văn hóa của Alexandria đã không được nhìn nhận thích đáng”, Naguib Amin, phụ trách Hội đồng Cổ vật tối cao của Alexandria, nói và ông bác bỏ những lời tuyên bố rằng, chi khoản tiền lớn như vậy cho việc xây dựng bảo tàng thì thà để tu bổ các công trình trung tâm đang đổ nát của thành phố còn hơn, bởi hầu hết trong số đó cũng là những công trình kiến trúc tiêu biểu thời Alexandria là thuộc địa của đế quốc La Mã. “Chúng tôi nhìn nhận công trình bảo tàng ngầm là một thành phần không thể thiếu trong công cuộc tái sinh toàn bộ thành phố”, ông Amin tuyên bố.
 
Lương Tuấn Vĩ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm