Sàng khôn, sàng dại...

07/10/2011 10:20 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH) - Hôm nay, ĐT Việt Nam sẽ thi đấu giao hữu với ĐT Nhật Bản. Lãnh đạo VFF cũng sẽ tranh thủ trao đổi với BTC J-League. “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, chỉ mong chuyến xuất ngoại này, ĐT Việt Nam, đặc biệt là các quan chức VFF, sẽ thu hoạch được một “sàng khôn” đúng nghĩa vì đây là thời điểm rất quan trọng của bóng đá Việt Nam. Nếu không, sang Nhật cho oai rồi đâu lại vào đấy như bao chuyến đi nước ngoài khác thì khó tránh khỏi cái tiếng mang“sàng dại” về…

Năm 1959, bóng đá Nhật Bản đã phải năn nỉ ĐT Việt Nam thi đấu giao hữu với họ. Đấy là thời điểm bóng đá Việt Nam cực thịnh, đến mức sau trận giao hữu người Nhật tặng cho những nhà làm bóng đá Việt Nam một đôi giày với lời nhận xét chân tình: “Bóng đá Nhật chỉ là chiếc giày nhỏ so với bóng đá Việt Nam”.


Các cầu thủ Việt Nam hồi đấy trước trận tiếp đội Nhật năm 1959. Ảnh: TƯ LIỆU

Cũng năm 1959, thế hệ Phạm Văn Rạng, Phạm Huỳnh Tam Lang, Đỗ Thới Vinh, Cù Sinh, Cù Hòe… đã xác lập vị thế  khi ĐT miền Nam Việt Nam giành HCV bóng đá nam SEAP Games (tiền thân của SEA Games) 1959 trên đất Thái Lan. Chúng ta đã  thắng chủ nhà 3-1 trong trận chung kết.

Thời gian như bóng câu qua cửa, thoắt cái đã 52 năm. Đất nước đạt nhiều thành tựu vô cùng quan trọng, hình ảnh lẫn vị thế ngày càng củng cố vững chắc trên trường quốc tế.

Vậy bóng đá thì sao? Vẫn là những bước đi thiếu căn bản, bền vững và thậm chí loạng choạng. 52 năm, chỉ một lần ĐT Việt Nam đoạt chức vô địch khu vực (AFF Suzuki Cup 2008). Đấu trường SEA Games là một cơn khát giày vò, làm mọi cách chúng ta cũng chưa chinh phục được. Rõ ràng đấy là một điều bất thường, cần phải thay đổi tư duy, cách làm bóng đá.

Đấy là điều nghiêm trọng bởi thay đổi  tư duy, cách làm rất khó, không chỉ trong bóng đá. Quy luật mới-cũ là vậy, nhiều lúc cái mới ra đời thất bại thảm hại, kể cả tích cực nếu không có một cuộc cách mạng triệt để. Bản đề án thành lập Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VPF không mới, nhưng phải đến 11 năm lãnh phí bao vấn đề, tiền bạc, tình yêu của khán giả… thì VFF mới chấp nhận phải thay đổi  phương thức quản lý, tổ chức và điều hành các giải đấu đỉnh cao.

Dự đoán của bạn về kết quả trận đấu này?


Sự thay đổi đó chỉ diễn ra khi sự bất bình của bản thân các đội bóng và dư luận xã hội đã lên đến đỉnh điểm, nói như bầu Đức là “chúng tôi không thể chịu nổi nữa”.

Những năm 1950 của thế kỷ trước, người Nhật rất khiêm tốn về thể trạng. Hình ảnh những chiến binh của họ lùn tịt kiếm treo bên hông chạm đất nên bị gọi xách mé là “giặc lùn”. Vậy mà nửa thế kỷ sau, giờ đây, do kinh tế phát triển vượt bậc, Nhật Bản có điều kiện chăm sóc sức khoẻ tốt hơn cho người dân cho nên chiều cao và cân nặng trung bình của người Nhật mới tăng dần lên. Có thể thấy rất rõ sự thay đổi khi nhìn vào tầm vóc các cầu thủ Nhật Bản hiện tại.

Mỗi đất nước có điều kiện khác nhau, nhưng rõ ràng bóng đá ta có vạch xuất phát thuận lợi chẳng kém gì so với Nhật Bản. Vậy mà, sau 52 năm từ cái độ họ ví mình chỉ là chiếc giày nhỏ, thì nền bóng đá của họ đã vượt quá xa ta.

Từ câu chuyện “chiếc giày nhỏ”, toát ra bài học đơn giản: nếu thấy mình kém thì phải chấp nhận mới mong tiến bộ. Mới đây, VFF đã phải đính chính rằng chưa bao giờ nhận V-League là giải đấu số một Đông Nam Á, dù cả làng đều biết không họ tự phong bảng vị thế thì còn ai. Các quan chức VFF cũng cần học theo văn hóa từ chức và văn hóa xin lỗi của người Nhật.

Nhật Bản cũng là đất nước không có nhiều tài nguyên  thiên nhiên, lại rất nhiều thiên tai, nhưng vẫn phát triển thần tốc nhờ bản lĩnh, trí tuệ và lòng tự tôn dân tộc tuyệt vời của dân họ. Trận sóng thần vừa qua, nhìn dân trong rốn sóng thần vẫn không hỗn loạn mà kiên cường giữ thể diện quốc gia, cùng nhau khắc phục khó khăn, càng chứng tỏ vì sao bóng đá Nhật Bản phát triển kỳ diệu như thế.

Với bóng đá, không cần đâu xa, trước mắt hãy học những gì Nhật Bản đã làm thì có cửa thành công thôi.

NGỌC HÒA



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm