Real Betis xuống hạng: Bi kịch hay liệu pháp sốc?

02/06/2009 13:25 GMT+7 | Bóng đá Tây Ban Nha

(TT&VH) -  Khi trọng tài Perez Burrull nổi hồi còi kết thúc trận "chung kết ngược" giữa Betis và Valladolid, cả SVĐ Manuel Ruiz de Lopera chìm trong biển nước mắt. Không thể thắng nổi Valladolid, trong khi đội xếp trên là Getafe cũng hòa còn 2 đội xếp dưới là Osasuna và Gijon đều thắng, Betis đã chính thức phải nói lời chia tay với Liga sau 8 năm gắn bó.

"Bóng đá thật bất công với Betis!". Trong nỗi đau xuống hạng, HLV Nogues đã thốt lên đầy ấm ức như thế. Ông cho rằng, chỉ cần các cầu thủ của ông tận dụng được 1/5 số cơ hội mà họ có, hoặc chỉ cần cột dọc không đứng về phía Valladolid sau cú sút của Oliveira, Betis đã có thể trụ hạng thành công. Nhưng có đúng là số phận đã quá bất công với Betis? Hay chính họ đã tự làm khó mình? Nên nhớ là Betis cũng có quyền tự quyết như tất cả các đội bóng khác; thậm chí, họ còn là đội "rộng cửa" nhất. Theo tính toán, trong khi Osasuna, Getafe, Gijon và cả Valladolid chỉ có 4 khả năng để sống sót, Betis có tới… 7. Thắng thì quá tốt, hòa cũng được mà thua vẫn có thể trụ hạng như thường. Trận gặp Valladolid, họ còn được chơi trên sân nhà. Xuống hạng là do lỗi của ai?
 
Betis xuống hạng lần thứ 2 trong vòng 9 năm qua

Khách quan mà nói, với lực lượng được đánh giá là hùng hậu của mình, Real Betis không thuộc về Segunda, giờ đã được gọi bằng tên mới Liga Adelante. Nếu chơi đúng sức, họ hoàn toàn có thể có mặt trong nhóm 6 đội mạnh nhất Liga. Đội hình của Betis hiện tại không thiếu các tuyển thủ quốc gia, từ thủ môn Ricardo (BĐN), các hậu vệ Nelson (BĐN), Juanito (TBN), Monzon (Argentina), các tiền vệ Mark Gonzalez (Chile), Aurelio (TNK), Emana (Cameroon) tới tiền đạo Sergio Garcia (tuyển thủ TBN ở EURO 2008). Ngay cả những người hiện chưa gắn mác tuyển thủ, như Edu hay Ricardo Oliveira (đều Brazil), cũng thuộc dạng "có số má" ở Liga. Vấn đề là, kể từ sau mùa giải 04-05 đại thành công, Betis chưa bao giờ chơi đúng sức. Giống như Newcastle ở Anh, Betis thiếu một bệ phóng ổn định để có thể bay cao trên nền tảng rất tốt sẵn có.

Các beticas không phải không nhận ra đâu là nguyên nhân dẫn đội bóng từ chỗ 3 năm trước còn chinh chiến ở Champions League tới thảm cảnh của ngày hôm nay. Sau những giọt nước mắt rơi, là máu đổ. Không lâu sau khi trận Betis-Valladolid kết thúc, nỗi đau và cơn giận trong các CĐV đã bùng cháy thành những màn quậy phá cả trong và ngoài sân bóng mang tên ông chủ hiện tại của Betis. Lẫn trong hai màu Xanh và Trắng truyền thống của Betis là những tấm biểu ngữ kêu gọi cổ đông chính Lopera "biến đi". Không ai phủ nhận công lao biến Betis từ một đội bóng luôn phải sống chập chờn giữa ranh giới Liga-Segunda thành nhà VĐ Cúp Nhà Vua và đệ tứ anh hào ở mùa giải 04-05 của Lopera. Song cũng không ai phủ nhận, chính Lopera, và sự đồng bóng của ông ta, đã đẩy verdiblanco xuống vực thẳm.

Ba năm qua, Lopera đã đổ vào Betis không ít tiền. Nhưng cũng trong 3 năm ấy, chính tay ông ta đã "trảm" tới 6 HLV, từ những tên tuổi như Irureta, Cuper, Luis Fernandez tới "người nhà" như Chaparro. Sự thiếu nhất quán trong chiến lược đã biến Betis thành một tập hợp rời rạc của những cầu thủ có tài, thiếu bản sắc và chơi bóng theo cảm hứng. Khi "điên lên" họ đá rất hay (Barca sợ nhất Betis vì đặc tính ấy!), nhưng khi uể oải thì ai cũng có thể đánh bại được họ. Vấn đề là trong 3 năm qua, những khoảnh khắc "điên" của Betis là quá hiếm, còn những lúc họ uể oải thì lại quá nhiều. Mùa này là uể oải nhất, bởi ngoài những vấn đề về chiến thuật, Betis còn phải chịu đựng những rắc rối liên quan đến câu hỏi bao giờ thì đội bóng được Lopera chuyển giao cho người khác.

Với nhiều chuyên gia, xuống hạng là một cú sốc cần thiết đối với Betis vào thời điểm này. Bởi nó sẽ là điểm khởi đầu cho một cuộc cách mạng mà tất cả đều biết phải bắt đầu từ đâu…
 
Lam Giang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm