Real Madrid trước nguy cơ khủng hoảng: Hãy quên "ô vuông huyền ảo"!

24/10/2009 12:48 GMT+7 | Bóng đá Tây Ban Nha

(TT&VH) - Những năm cuối triều đại “galacticos 1.0”, HLV người Brazil Vanderlei Luxemburgo đã sáng tạo ra cái gọi là “ô vuông huyền ảo”, thực chất là sơ đồ 4-2-2-2, để có thể tận dụng tối đa sự (quá) dồi dào về nhân sự ở khu vực tiền vệ trung tâm của Real vào thời điểm ấy.

Sau đó một năm, tới lượt HLV Parreira áp dụng nguyên xi công thức này cho đội tuyển Brazil dự World Cup 2006, với hi vọng khai thác hết khả năng công phá của bộ tứ Ronaldo, Adriano, Kaka và Ronaldinho. Kết quả là cả hai đều thất bại thảm hại. Real bắt đầu đi xuống kể khi chuyển sang 4-2-2-2, chạm đáy với thất bại 0-3 trước Barca ngay tại Bernabeu để rồi phải sa thải Luxemburgo không lâu sau đó. Brazil của Pareira vợt vờ vào tới được tứ kết thì bị loại bởi Pháp, trong một trận đấu mà hàng công của họ chỉ tung ra được vỏn vẹn 1 cú sút. Kể từ dạo ấy, người ta không còn nhắc tới “ô vuông huyền ảo” nữa. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì, Pellegrini lại đi lôi nó ra dùng lại trong canh bạc lớn nhất của cuộc đời.

Real liên tiếp thất bại với sơ đồ 4-2-2-2

Thất bại trước Sevilla đã phơi bày tất cả những điểm yếu đã trở thành kinh điển của sơ đồ 4-2-2-2: Tuyến giữa thừa người và khiến cho những pha phối hợp trở thành rối rắm, trong khi hai biên thì lại thiếu người và ai muốn đổi cánh thì phải... chờ!. Việc giao cả hai hành lang dọc sân cho Ramos (phải) và Marcelo (trái) quản lý vừa khiến hai cầu thủ này mất sức nhanh chóng (và càng dễ mắc sai lầm), vừa gián tiếp tạo ra rất nhiều khoảng trống cho đối phương khoét vào. Vậy mà Pellegrini vẫn tiếp tục tin dùng nó trong trận đấu với Valladolid và Milan, để rồi, dù mức độ có khác nhau, đều đã phải trả giá cho niềm tin mù quáng ấy. Có thể thấy, điểm chung trong cả 3 trận đấu có vấn đề của Real là Ronaldo không có mặt trên sân. Nhưng, dù đúng là tiền vệ người Bồ thuộc mẫu ngôi sao không thể thay thế, song Real không thiếu người đến mức phải thay đổi cả lối chơi khi anh ta vắng mặt.

Thực tế cũng đã chứng minh điều đó. Trận gặp Valladolid, Real đã có khoảng 25 phút đầu trận chơi rất hay, mà, có lẽ không phải là do tình cờ, đó chính là thời điểm cả Granero và Van der Vaart đều giãn ra hai biên để chơi như những cầu thủ chạy cánh. Từ khi hai cầu thủ ấy, không hiểu do thói quen hay được chỉ đạo, co lại vào giữa, Real đã đánh mất cả sự mượt mà lẫn quyền chủ động. Hay như cuối trận gặp Milan, lối chơi của Real rõ ràng là đã “sáng” lên trông thấy từ khi Drenthe, một chuyên gia chạy cánh, vào sân.
 
Trên thực tế, các nhà cầm quân làm sao mà tránh được những sai lầm. Điều quan trọng là sau đó phải nhận ra được sai lầm và tìm cách sửa chữa nó. Pellegrini dường như đang đi vào vết xe đổ của Luxemburgo khi biết sai mà vẫn cứng đầu không chịu nhận, để rồi cuối cùng phải ôm lấy những kết cục đau đớn. Ở đâu không biết, riêng ở Bernabeu, việc Pellegrini thản nhiên bỏ qua hai cơ hội sửa sai (gặp Valladolid và Milan) đang bị coi là một sự “hoang phí lịch sử”. Vẫn còn cơ hội thứ ba cho ông, nhưng có lẽ sự độ lượng của những ông chủ Nhà trắng cũng chỉ đến đó là cùng. Đúng là có cái gì đó hơi đáng xấu hổ khi tới tận tháng 10 vẫn phải thay đổi xoành xoạch các sơ đồ chiến thuật, nhưng như người ta vẫn nói, thay đổi không bao giờ là quá muộn. Nhất là khi bạn còn cơ hội để làm điều đó.

 
Chúa phù hộ Ronaldo
 
Giờ thì Pellegrini không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng cực lớn của tiền vệ người Bồ nữa. 3 trận vắng anh là 3 trận Real vật vã trên sân, với 2 trong số đó kết thúc bằng những thất bại. Ronaldo vừa cho bàn thắng, cho áp lực, lại vừa mang tới rất nhiều giải pháp về chiến thuật. Chính vì CR9 quan trọng như vậy, nên đội bóng áo Trắng đang làm mọi cách để anh chóng hồi phục, theo những phương pháp khoa học có mà theo kiểu tâm linh cũng có. Và đây là tin mà Pellegrini muốn nghe nhất: Ronaldo đã không còn cảm thấy đau ở mắt cá nữa và cho biết anh sẵn sàng trở lại trong trận gặp Milan ở San Siro.
 
V.Cường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm