Rạp cưới giữa đàng - chuyện vặt!

11/11/2009 14:55 GMT+7 | Đời sống

(TT&VH) - Nhân đọc những bức xúc của bạn Tô Vĩnh Hà trong bài “Rạp cưới giữa đàng” (TT&VH số vừa qua), tôi chợt phì cười nghĩ rằng giá như bạn ở Hà Nội thì chắc chắn bạn phải “nổi giận ngày ba bốn bận” vì những chuyện tương tự.

Bạn mới gặp một đám cưới dựng rạp chiếm 2/3 lòng đường trên đường Ngô Đức Kế ở TP.Vinh, chứ tận mắt tôi đã chứng kiến có đám cưới dựng rạp chiếm hết 100% lòng đường. Dĩ nhiên, đây không phải là trục phố mà là một con đường liên xã hẳn hoi. Bức ảnh này tôi chụp ở một xã thuộc ngoại thành Hà Nội. Cả con đường trục chính bị chặn lại bởi một rạp cưới. Và chủ nhân của rạp cưới này đã viết một cái bảng to đặt giữa đường với dòng chữ rất lễ độ nhưng cũng rất chi là... “ngang nhiên”: “Quý vị thông cảm, đi lối này” và trỏ một lối vòng vèo qua các ngõ để... tránh đám cưới.


Dựng rạp đám cưới “bít” cả đường, bắt người đi đường rẽ theo lối khác.

Con đường tôi đi làm xuyên qua một phường thuộc quận Hoàng Mai. Con đường trục chính, trục phụ của phường thỉnh thoảng lại bị “chặn” lại bởi một đám cưới, không phải chiếm 2/3 mà đến 4/5 lòng đường, chứng cớ là chỉ đủ để một cái xe máy “lách” qua. Còn ô tô thì chịu. Tôi không hiểu sao người ta có thể ăn cỗ giữa đường như vậy, khi mà một tay lái vụng có thể vạng cái ghi đông xe máy vào sườn những người ngồi bên trong rạp. Khi tôi đi ô tô xuyên qua phường này tôi thường hài hước nghĩ rằng có khi phải...tính ngày, bởi nếu là ngày đẹp (theo lịch âm) thì rất dễ “đụng” phải đám cưới giữa đường, chỉ có nước lùi ô tô ra. Nhưng rủi thay, dù đã nghĩ như thế, nhưng vào một hôm “xấu ngày” đi qua phường này tôi vẫn phải “lùi xe ra” vì gặp... đám tang giữa đàng! Thôi thì cũng thông cảm cho người ta lúc tang gia bối rối, phải sử dụng lòng đường để có chỗ phúng viếng. Nhưng tôi không hiểu sao, bắt đầu từ cái lệ nào mà người ta lại chấp nhận “đám cưới giữa đàng” như vậy?

Đành rằng đất đô thị chật, hẹp, nhưng xét cho cùng, muốn chống nạn “đám cưới giữa đàng” thì lại phải trở về với phong trào “đám cưới theo đời sống mới”. Còn cứ đua nhau bày vẽ ăn uống linh đình vài trăm mâm thì dù có nhà cao cửa rộng cũng phải “nống” ra hè phố, ra đường phố.

M.Vân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm