Rạp cưới giữa đàng

10/11/2009 15:01 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Về thăm quê sau một thời gian khá lâu, bao giờ tôi cũng khát mong thành phố Vinh - nơi tôi sinh ra và lớn lên, thay da đổi thịt thật nhiều. Nhưng câu chuyện “hắt hủi nhân tài”, nói về một sinh viên giỏi, lại là đảng viên, chạy chọt cả năm không tìm được việc ở bất kỳ đâu đưa ra dư luận gần đây khiến tôi phải xót xa. Quả thật, một trong những nỗi buồn lúc âm ỉ, lúc đặm nỗi đắng cay là trăn trở cái lẽ vì sao Nghệ An nhiều nhân tài đến thế, nhiều tiềm năng đến vậy, mà cho mãi tận bây giờ, vẫn chỉ là một tỉnh nghèo?

Chiều ngày 6/11, đi lai rai cùng bạn bè ở đường Ngô Đức Kế - một con đường rộng đến 12m lòng đường, tôi phải dụi mắt đến mấy lần vì không dám tin rằng có một cái rạp đám cưới được dựng lên hiên ngang ở ngay chính... giữa đàng (đường)?; chiếm đến 2/3 bề rộng của con đường (7m) và dài... 30m! Điều mỉa mai hơn nữa là cái rạp cưới này được dựng ngay trước cái cổng chào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống... văn hoá” (ảnh chụp lúc 6h30’, 7/11)(!)


Đám cưới dựng rạp chiếm già nửa đường, ngay bên cạnh biển
 “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.


Dù là người đã từng đến gần hết các địa phương trên đất nước Việt Nam (60/63 tỉnh thành), nhưng tôi chưa bao giờ “được” chứng kiến cái sự việc khó coi, khó chấp nhận, khó giải thích và, chướng tai gai mắt đến thế. Làm sao lại có thể bất chấp kỷ cương, phép tắc đô thị, bất chấp sự bất tiện của người khác, coi thiên hạ không bằng nửa cái đinh?

Hỏi thì nghe đủ thứ giải thích vòng vo. Nào là dựng rạp trước nhà, thuê thợ về nấu, tiết kiệm được 40-50% chi phí; nào là số tiền mà phường phạt chỉ gọi là, phạt cho có lệ (khoảng từ 300.000 đến 1.000.000 đồng), so với số tiền tiết kiệm được chẳng đáng gì. Nào là chuyện như vậy vốn rất “bình thường” ở quê tôi...Nhưng, có một cách nói...cùn hết cỡ làm tôi phải giật mình: Tổ chức đám cưới giữa đàng là cách để giải quyết khâu oai(!) Chỉ những gia đình nào có máu mặt ,mới bất chấp xã hội đến mức dám làm những việc động trời; và nữa, cưới như đập vào mặt người ta, ai mà chẳng thấy?

Đến nước này thì miễn bình luận. Làm sao có thể tùy tiện đến mức coi thường bổn phận của mình trước cộng đồng khi muốn làm gì thì làm? Che mắt cả 5-6 căn nhà dọc phố mà chẳng cần biết họ khó chịu đến đâu? Làm sao chính quyền địa phương không có biện pháp quyết liệt trước những hành vi như thế? Những đứa trẻ mới lớn, con cháu chúng ta sẽ làm sao có được “văn hoá giao thông” khi cha, anh chúng muốn làm gì thì làm? Phép vua thua lệ làng so với cái đám cưới diễn ra giữa đàng này, chỉ đáng là con tép nhỏ! Cái rạp cưới đó (từ lúc dựng đến khi tháo là vài ngày), hàm chứa đủ cả thách thức, coi thường của cái tôi vị kỷ. Nó nói lên rằng sự xuống cấp về văn hoá, tình trạng bàng quan của những người có trách nhiệm là đáng đến mức báo động đỏ. Có thể tôi đang là kẻ thấy ách giữa đàng đem quàng vào cổ. Xin bà con tha thứ cho tôi!

Tô Vĩnh Hà (giảng viên)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm