29/06/2023 06:33 GMT+7 | Văn hoá
Trước sự phô trương không mấy ngạc nhiên, bức chân dung cuối cùng mà Gustav Klimt vẽ đã được bán với giá đấu giá kỷ lục ở châu Âu là 85,3 triệu bảng (đã bao gồm phí bảo hiểm người mua, tương đương 108,4 triệu USD hay hơn 2.500 tỷ đồng).
Ngôi sao của đêm- lấn át các tác phẩm của Pablo Picasso và Claude Monet - mang về gần 1 nửa trong tổng số 199 triệu bảng trong đêm đấu giá nghệ thuật Hiện đại và đương đại của nhà Sotheby's hôm 27/6 (giờ địa phương). Đây là đêm doanh thu cao thứ 2 của Sotheby's ở London, sau 222 triệu bảng thu về vào tháng 3 năm ngoái.
Giá kỷ lục nhưng rất hời
Trước phiên đấu giá, tác phẩm Dame Mit Facher (Quý bà cầm quạt) của Gustav Klimt ước tính có thể bán được "hơn 65 triệu bảng", là mức cao nhất trong số các tác phẩm được đưa ra đấu giá ở Anh và châu Âu.
Được đảm bảo bởi cả đấu thầu không thể hủy ngang và bên thứ 3 bảo lãnh, bức tranh chắc chắn sẽ được bán. Và đúng như vậy, búa đã gõ xuống trước mức 74 triệu bảng được đưa ra bởi vị cố vấn nổi tiếng Patti Wong - cựu Chủ tịch Sotheby's châu Á - người tham gia đấu giá trực tiếp tại phòng đấu giá phố New Bond, thay mặt 1 khách hàng ở Hong Kong (Trung Quốc).
Ngoài Wong còn có 3 người khác - 1 trực tiếp và 2 qua điện thoại - tham gia đấu giá bức tranh. Cuộc chiến tay tư nhanh chóng còn 2 người là Wong và người trả giá thấp hơn, liên lạc qua điện thoại với Phó Chủ tịch Sotheby's châu Á Jen Hua. Sau 10 phút cạnh tranh căng thẳng trước sự chủ trì của Chủ tịch Sotheby's châu Âu Helena Newman, phía Hua đã bỏ cuộc ở mức giá 73,5 triệu bảng.
Với giá bán ra này, bức tranh của Klimt vượt qua danh tác được bán đấu giá đắt nhất châu Âu trước đó là tác phẩm điêu khắc năm 1961 L'Homme Qui Marche I của Alberto Giacometti, từng được bán ở mức 65 triệu bảng tại Sotheby's London năm 2010. Giá này chưa được điều chỉnh theo lạm phát cũng như biến động của sức mạnh tiền tệ.
Bà Newman "không ngạc nhiên" về mức độ chú ý từ các nhà thầu châu Á khi xét tới các họa tiết Trung Quốc và Nhật Bản trong tranh. Về kỷ lục, cựu lãnh đạo bộ phận Nghệ thuật đương đại và trường phái ấn tượng Christie's James Roundell lại cho rằng giá này là rất hời do: "Đây là Klimt ở giai đoạn trưởng thành sau".
Lần gần nhất Sotheby's bán bức Dame Mit Facher là gần 30 năm trước, vào năm 1994, với giá 11,6 triệu USD (đã bao gồm phí) - mức kỷ lục với tranh Klimt khi đó. Tranh bán từ bộ sưu tập của Wendell Cherry - một doanh nhân, nhà sưu tập nghệ thuật người Mỹ. Lần này, tranh được ký gửi bởi cùng gia đình đã mua nó năm 1994. Sotheby's không tiết lộ lý do họ bán tranh.
Kỷ lục tranh đấu giá Klimt trước đó là 104,5 triệu USD, đạt được bởi Christie's New York vào tháng 11 năm ngoái với bức Birch Forest vẽ năm 1902, tới từ bộ sưu tập của Paul G. Allen. Tuy nhiên, các tác phẩm khác của Klimt đã từng được bán ở giá cao hơn, bao gồm bức Water Serpents II vẽ năm 1907, được cho là bán ra ở mức 170 triệu USD ở một buổi bán riêng tư.
Thành công của phiên đấu giá bức Dame Mit Facher góp công lớn "khẳng định chắc nịch về sức mạnh của thị trường", như bà Newman nói, trong bối cảnh những người mua đang nhạy cảm về giá hơn. Một lần nữa, London đã lấy lại uy thế là thủ phủ của thị trường nghệ thuật giá trị cao của châu Âu sau giai đoạn hậu Brexit.
Lời ngợi ca chân thành về cái đẹp
Dame Mit Facher là 1 trong 2 bức tranh chưa hoàn thành, được treo trên giá vẽ trong xưởng tranh của Gustav Klimt ở Vienna khi danh họa đột ngột qua đời vì đột quỵ và viêm phổi trong dịch cúm Tây Ban Nha, ở tuổi 55, vào tháng 2/1918. Dù vậy, Simon Stock, một chuyên gia về nghệ thuật Ấn tượng và hiện đại ở Sotheby's, tin rằng bức tranh đang "ở thời điểm hoàn thành", dù thiếu chữ ký. Thế nên, nó vẫn được các nhà sưu tầm ráo riết săn đón như một tác phẩm hoàn thiện.
Tranh miêu tả một người phụ nữ không rõ danh tính, mặc kimono trượt dài khỏi vai. Không chỉ trang phục của người phụ nữ, phông nền cũng cho thấy ảnh hưởng lớn từ nghệ thuật phương Đông với sự xuất hiện của hoa sen nở và đặc biệt là phượng hoàng. "Phượng hoàng là biểu tượng của cuộc sống vĩnh cửu" - bà Newman nhận định, nhấn mạnh về sức hút của bức tranh với các nhà thầu châu Á.
Sinh thời, Klimt vốn đam mê các món đồ nghệ thuật châu Á, từ trang phục, gốm sứ tới tranh ảnh.
Đặc biệt hơn, theo bà Newman, Dame Mit Facherđược vẽ trong thời kỳ đỉnh cao năng lực sáng tạo của Klimt, khi ông đang sáng tác một số tác phẩm thử nghiệm và nổi tiếng nhất của mình trên nền những hình ảnh châu Á mà ông bị ám ảnh. "Nhiều tác phẩm trong số đólà đặt hàng" - bà nói - "Tuy nhiên, đó vẫn là những chuyến du ngoạnđầy thử nghiệm, cũng như là lời ngợi ca chân thành cái đẹp tuyệt đối".
"Rất hiếm khi một bức tranh chân dung phụ nữ có chất lượng và tầm cỡ như thế này của Klimt được đem ra đấu giá"- Newman chốt lại.
Nổi tiếng với những bức tranh tân nghệ thuật táo bạo, Klimt là nhân vật chủ chốt của chủ nghĩa hiện đại vào đầu thế kỷ 20. Đặc biệt, những hình ảnh phụ nữ gợi cảm của Klimt đã đưa ông trở thành họa sĩ vẽ chân dung phụ nữ nổi tiếng nhất thế kỷ 20. Tranh phụ nữ của Klimt tạo thành nhóm tác phẩm quan trọng nhất trong sự nghiệp của ông và là 1 trong những hình ảnh thật sự mang tính biểu tượng của nghệ thuật hiện đại.
Chủ đề chính của Klimt là cơ thể phụ nữ. Tuy nhiên, việc miêu tả cái đẹp và sự gợi cảm của ông không phải là không gây ra tranh cãi. Bức tranh ông vẽ vào khoảng năm 1900 lên trần đại lễ đường của Đại học Vienna từng bị chỉ trích là khiêu dâm. Cuối cùng, ông phải rút lui hoàn toàn khỏi dự án. Từ đó, Klimt không bao giờ nhận hợp đồng công nữa và khăng khăng chỉ vẽ cho khách hàng tư nhân.
Đôi nét về Gustav Klimt
Gustav Klimt (1862 - 1918) là họa sĩ theo trường phái Tượng trưng người Áo và là 1 trong những thành viên nổi bật nhất của phong trào Ly khai Vienna. Ông gây chú ý cả ở tranh, tranh tường, phác thảo và các loại hình nghệ thuật khác. Bên cạnh chủ đề chính là cơ thể phụ nữ, Klimt cũng vẽ tranh phong cảnh. Trong các nghệ sĩ Ly khai Vienna, ông là người chịu ảnh hưởng lớn nhất từ nghệ thuật Nhật Bản và các phương pháp của nó.
Khi mới vào nghề, ông là họa sĩ thành công về trang trí kiến trúc theo cách thông thường. Khi bắt đầu phát triển phong cách cá nhân, tác phẩm của ông gây ra tranh cãi mà đỉnh điểm là vụ ở đại lễ đường Đại học Vienna. Sau khi dừng nhận hợp đồng công, ông đạt được thành công mới với những bức tranh trong "giai đoạn vàng" của mình, nhiều trong số đó dát vàng lá.
Tác phẩm của Klimt có ảnh hưởng quan trọng tới hậu bối Egon Schiele. Kể từ những năm 1990, ông nằm trong số những nghệ sĩ có tranh bán được giá cao nhất tại các phiên đấu giá.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất