Lại “bốc khói” chuyện tác quyền

02/08/2010 09:56 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH Cuối tuần) - “Nếu không phải kinh doanh thì đây là một hành động phá người khác, tùy tiện, không hợp tác” - nhạc sĩ Phó Đức Phương bức xúc nói qua điện thoại với TT&VH Cuối tuần. Không dừng lại ở phát biểu, nhạc sĩ với tư cách Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, cũng đã kí đơn kiến nghị lên Bộ VH- TT&DL, đồng thời gửi thư tới Cục Bản quyền tác giả. Điều gì khiến ông nhạc sĩ nổi tiếng hiền lành này “bốc khói” như vậy?

Chuyện là, trong buổi ra mắt Trung tâm cấp phép của Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (gọi tắt là RIAV) mới đây tại Hà Nội và TP.HCM, RIAV đã vận động các nhạc sĩ kí hợp đồng ủy thác quyền tác giả trong lĩnh vực ghi âm của mình cho RIAV, theo đó RIAV có trách nhiệm đại diện cho các hãng băng đĩa trả tiền sử dụng tác phẩm cho các nhạc sĩ theo hình thức và số lần sử dụng với mức giá thỏa thuận. Rắc rối ở chỗ, hiện nay, gần 1.700 nhạc sĩ đã kí hợp đồng ủy quyền với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) trong tất cả các lĩnh vực âm nhạc, trong đó có lĩnh vực ghi âm băng đĩa. Có thật vì tiền mà hai “anh em” cùng tranh một “khách”?

Hiệp hội Ghi âm: Chỉ muốn giảm bớt thủ tục

Bà Trương Thị Thu Dung, Phó Chủ tịch RIAV khẳng định:


Bà Trương Thị Thu Dung, Phó Chủ tịch RIAV
- Hiệp hội chỉ xin phép các nhạc sĩ để Hiệp hội thay mặt các nhà sản xuất thanh toán tiền tác quyền cho nhạc sĩ, nhằm giảm bớt công đoạn thủ tục cho các nhà sản xuất để thực hiện các công đoạn sản xuất nhanh chóng hơn, đỡ tốn kém hơn.


* Có nghĩa việc VCPMC đại diện thu tác quyền của các nhạc sĩ như hiện nay gây phức tạp và tốn kém cho nhà sản xuất?

- Đúng vậy. Theo quy định của Sở VH-TT&DL và của VCPMC, khi xin phép sản xuất một chương trình âm nhạc, các nhà sản xuất phải tới VCPMC đóng tiền tác quyền. Là người đại diện cho tác quyền của nhạc sĩ và hưởng quyền lợi từ việc này, lẽ ra VCPMC phải là người cung cấp cho chúng tôi bản nhạc bằng văn bản, đó là bản chính xác nhất, do tác giả cung cấp. Đằng này, vừa đóng tiền cho VCPMC, chúng tôi lại phải làm thay việc cho VCPMC, phải đi sưu tầm, đi xin bản nhạc, có bản nhạc bị ca sĩ sửa nốt, sửa lời. Bởi vậy, ngay cả khi đóng tiền bản quyền rồi chúng tôi vẫn rất hồi hộp, không biết bản mình xin có đúng hay không, khi phát hành ra có bị tác giả phản ứng hay không.

Thêm nữa, khi biên tập, nhà sản xuất không thể biết được bài hát nào được phép hay chưa được phép phổ biến. Có những bài, tới đóng tác quyền thì VCPMC vẫn thu, nhưng khi đưa lên Sở thì biết là chưa được phép, chúng tôi lại phải tìm bài khác bổ sung, lại đáo ngược trở lại VCPMC đóng tiếp mấy bài bổ sung, làm lại hồ sơ. Tiền trước đó đã đóng đành rằng sau sẽ lấy lại, nhưng cũng phải tốn thời gian.

Với trường hợp nhạc sĩ mới cũng vậy, biên tập của chúng tôi thấy bài hay là đưa vào chương trình, đóng tiền tác quyền thì VCPMC thu, yên tâm đưa lên Sở, Sở hỏi nhạc sĩ này đang ở đâu, VCPMC không trả lời, chúng tôi phải đi tìm nhạc sĩ đó, làm cam kết, photo CMND… Hiện nay tình hình sản xuất băng đĩa nhạc đang khó khăn, kinh phí bỏ ra đầu tư thu về rất khó, lại thêm những công đoạn này gây thêm khó khăn kinh phí và thời gian. Chúng tôi đóng tiền cho VCPMC mà không yên tâm tí nào.

* Vậy sao RIAV không có kiến nghị để sửa đổi hoặc có giải pháp hợp lý hơn có thể phối hợp giữa các bên?

- RIAV đã từng có văn bản gửi Sở VH-TT&DL TP.HCM, gửi Cục NTBD xin cho Hiệp hội được chịu trách nhiệm, thay mặt các thành viên đóng tiền tác quyền sau khi có giấy phép một tháng. Cục đồng ý nhưng Sở không đồng ý. Cực chẳng đã, các nhà sản xuất kiến nghị RIAV phải tìm cách nào đó luật pháp cho phép, không làm ảnh hưởng tới quyền lợi của nhạc sĩ nhưng giảm được khó khăn cho các nhà sản xuất. Đó chính là lí do chúng tôi đưa ra hợp đồng ủy thác này. Đây hoàn toàn không phải vì kinh tế, vì lợi nhuận. Các nhạc sĩ nếu thấy việc kí hợp đồng ủy thác với RIAV mất đi quyền lợi hay vi phạm hợp đồng đã kí trước với VCPMC thì họ đâu có làm. Nhạc sĩ nào thấy việc này tạo điều kiện thuận lợi cho nhà sản xuất và đảm bảo quyền lợi cho họ thì họ kí. Với VCPMC, chúng tôi thấy mình không có xâm phạm quyền lợi. Chúng tôi không thu phí từ phía nhạc sĩ nên không thể nói một miếng bánh nhiều người chia sẻ.

* Chính vấn đề RIAV không thu % phí nào từ phía nhạc sĩ trong khi VCPMC lại thu phí 20% là vấn đề mà có ý kiến là cạnh tranh không lành mạnh.

- RIAV không thu % phí từ phía các nhạc sĩ ủy quyền là chuyện rất bình thường. Xưa nay các nhà sản xuất trực tiếp trả tác quyền cho nhạc sĩ, bây giờ RIAV thay mặt nhà sản xuất, nên cũng làm đúng việc đó.

Trong cuộc gặp gỡ mới đây giữa RIAV với các nhạc sĩ, nhiều nhạc sĩ cho rằng việc này lẽ ra RIAV phải làm từ lâu rồi.

Hơn nữa, VCPMC đưa ra ba-rem tác quyền chung cho tất cả các nhạc sĩ, nhưng quan điểm của chúng tôi là không thể đánh đồng nhạc sĩ mới với nhạc sĩ có tên tuổi. Ở đây chúng tôi không ấn định mức tác quyền cố định, không đánh đồng, chúng tôi đưa ra mức thỏa thuận.

Xin nói lại một lần nữa là thực ra chúng tôi cũng muốn tập trung đóng tiền tác quyền vào một đầu mối, vào VCPMC, nhưng vì nó quá phiền hà… Hiện tại có nhiều hãng vẫn trả trực tiếp tiền tác quyền cho tác giả.

* Xin cho biết hiện nay có bao nhiêu nhà sản xuất ủy thác việc trả tác quyền thông qua RIAV và đã có bao nhiêu nhạc sĩ kí kết hợp đồng ủy thác bản quyền với RIAV?

- Hiện có 36 nhà sản xuất ủy quyền này cho hiệp hội, khoảng 10 nhà sản xuất khác thì chưa. Chúng tôi cũng đã kí hợp đồng ủy thác quyền tác giả với gần 70 nhạc sĩ: Phú Quang, Quốc Dũng, Lê Minh Sơn, Đắc Tâm, Mai Thu Sơn, Thái Hùng, Tiến Luân.v.v...

Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc: Lợi ích của nhạc sĩ là mục tiêu hàng đầu

Về việc ra mắt Trung tâm cấp phép của RIAV và hiệp hội này vận động các nhạc sĩ kí hợp đồng ủy thác quyền tác giả trong lĩnh vực ghi âm cho RIAV, nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC, khẳng định:

“Việc làm chồng chéo này đang gây ra tình trạng rắc rối, lộn xộn cho các hoạt động của tổ chức quản lí tập thể quyền tác giả âm nhạc nói riêng và các tổ chức quản lí tập thể quyền tác giả nói chung. Bằng việc làm này, RIAV đang gây thêm khó khăn nội bộ cho hoạt động của các tổ chức quyền tác giả vốn đã quá nhiều gian truân, cực nhọc trong việc đấu tranh, vận động để đưa những quy định luật pháp vào trong đời sống xã hội. Việc làm này còn tạo ra một hình ảnh xấu trong dư luận của giới tác giả cũng như của công chúng xã hội về mối quan hệ của các tổ chức quyền tác giả và quyền liên quan ở nước ta trong giai đoạn này.

Chúng tôi thiết nghĩ, RIAV, với chức năng bảo vệ lợi ích của các thành viên của mình là các hãng ghi âm, chắc chắn đang còn rất nhiều việc cấp thiết và có thể khó khăn hơn nhưng đúng mục tiêu và trọng tâm hoạt động của mình, hơn là tạo ra một việc làm lấn sang lĩnh vực hoạt động của một tổ chức anh em khác mà không thể giải thích nổi bởi một lí do nào có tính xây dựng và thuyết phục.

Nhân dịp này, VCPMC một lần nữa xin khẳng định rằng, sau tám năm xả thân hoạt động trong điều kiện vô cùng khó khăn của thời kì đầu, khi nhận thức chung của xã hội về lĩnh vực quyền tác giả còn rất thiếu hụt, những chế tài dành cho việc thực thi luật pháp còn chưa đầy đủ, đội ngũ cán bộ của TT còn mỏng, do đó, còn nhiều điều TT chưa thể giải quyết và đáp ứng được như mong muốn. Song, trước sau TT luôn tâm niệm rằng: trên cơ sở những quy định của luật pháp, việc khai thác tốt nhất lợi ích của các nhạc sĩ trong phạm vi có thể luôn là mục tiêu hàng đầu của TT”.

Nhạc sĩ Phú Quang: Họ đang làm trò bố thí!

Nhạc sĩ Phú Quang tỏ ra bức xúc khi được hỏi vì sao ông nhanh chóng kí hợp đồng ủy thác quyền tác giả với Hiệp hội ghi âm thay vì với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nơi ông là hội viên.


* Tại sao ông lại lựa chọn kí hợp đồng bản quyền với RIAV mà không phải là VCPMC?

- Trước đây tôi cũng để VCPMC đứng ra thu hộ tác quyền nhưng tôi thấy họ làm ăn vớ vẩn từ vài năm nay rồi nên không muốn để họ làm đại diện tiếp cho mình. Nói đơn cử một chuyện, tôi thấy bên Hồ Gươm người ta thu rất nhiều bài hát của tôi, tôi có gọi sang cho giám đốc bên đó hỏi về bản quyền thì họ bảo trả về VCPMC tại Hà Nội rồi, nhưng khi hỏi VCPMC, họ bảo người ta không trả. Nói vậy mình đành chịu rồi.

Tôi nói thật hành động của VCPMC đang làm với anh em nhạc sĩ chẳng khác nào trò bố thí. VCPMC đưa cho bao nhiêu chúng tôi biết thế, chưa bao giờ họ nói cho chúng tôi họ đã thu về được bao nhiêu. Bạn thử tưởng tượng rằng đến như tôi, số lượng bài hát người ta thu đĩa, hát trên đài nhiều như thế mà mỗi đợt nhận tiền bản quyền cũng chỉ đủ đóng tiền điện thoại. Khi đưa người ta đưa gộp từng đợt, có khi vài tháng một lần, nên tính ra cũng chẳng được bao nhiêu.

* Vậy ông thấy RIAV làm tốt hơn?

- Tôi không dám chắc nhưng chí ít khi người ta thu bài hát của tôi phát hành đĩa họ cũng thu được tiền bản quyền cho tôi. Quyết định kí với RIAV cũng còn một lí do nữa là tôi thích sự minh bạch. Thời trước khi VCPMC còn thu hộ tôi tiền tác quyền thì họ lấy phí là 30%, sau đó khi mình đến lấy họ lại bắt mình đóng 10% thuế VAT. Nhưng chẳng bao giờ họ cho mình tờ hóa đơn đỏ nào cả. Bạn có bao giờ thấy kiểu làm việc nào như vậy chưa? Tại sao chúng tôi lại mất những 40% phí dịch vụ như thế trong khi hiệu quả mà VCPMC mang về cho chúng tôi lại quá ít ỏi?


P.T.T.T- Việt Tú
(Thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm