18/12/2016 07:20 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Ai tưởng những vụ truy bức phù thủy chỉ xảy ra thời Trung Cổ, nay buộc phải nhận ra rằng cho đến tận 1944 hành vi ấy vẫn tồn tại. Helen Duncan là người phụ nữ cuối cùng bị buộc tội phù thủy và khiến cả bộ máy đặc vụ Scotland điên đảo.
Winston Churchill nổi đóa
… và tự tay viết một lá thư bằng mực đỏ gửi cho Bộ trưởng nội vụ của mình, không thèm có lời thưa gửi lẫn chào hỏi cho có lệ. “Vụ xét xử này đã tốn bao nhiêu tiền công quỹ?” Rồi thủ tướng Anh ra lệnh: “Gửi ngay cho tôi một báo cáo và giải thích lý do vì sao bộ máy tư pháp của thời hiện đại lại có thể viện dẫn bộ luật về phù thủy của năm 1735?”
Cái vụ khiến cho ngài Churchill sôi máu là một những giai thoại kỳ dị nhất trong lịch sử tư pháp thế kỷ 20: Ngày 3/4/1944 một phụ nữ người Scotland tên là Helen Duncan bị tòa án hình sự tối cao xử phạt giam 9 tháng vì hành nghề phù thủy.
Giữa cuộc chiến máu lửa vào những ngày cuối của Thế chiến II, trong khi không quân Đức ném bom tàn phá London, cơ quan tư pháp Anh đã mò sâu vào lịch sử tố tụng trên thế giới để lôi ra một bộ luật đã chìm vào quên lãng: ”Witchcraft Act – Luật trừng trị phù thủy”. Chiểu theo quy định đã trên 200 năm tuổi đó, các quan tòa đã tống một bà mẹ 6 con vào tù.
Chân dung bà Helen Duncan, phù thủy cuối cùng của châu Âu
Khi nghe án quyết, người phụ nữ 46 tuổi không tin vào tai mình: ”Chưa bao giờ trong đời tôi phải nghe nhiều điều dối trá đến vậy. Sao đời tôi khổ thế này?”, bà ta hét lên rồi khóc nức nở, như tờ Daily Mail hôm sau thuật lại.
Nhưng điều đó chẳng giúp gì cho bà. Và các quan tòa Anh nợ thế giới văn minh một lời giải thích: Vì sao họ phải mạnh tay một cách tàn bạo như vậy để trừng trị một người đàn bà hành nghề phù thủy? Đúng 6 thập kỷ sau, vào những ngày này của năm 2016, con cháu bà Duncan để đơn xin xóa án cho người đàn bà được coi là có thể nói chuyện với vong từ lúc còn bé. Và, nói đi cũng phải nói lại, bà không hẳn vô tội.
Helen Duncan ra đời 1897
… ở Callander (Scotland) trong một gia đình thợ thủ công nghèo. Lên 7 tuổi, Duncan phát hiện ra trong phòng bếp và nói chuyện với vong hồn của Johnny, một nguồi đã chết trận từ lâu. Ngoài ta Duncan còn nói trước một loạt tai nạn sắp xảy ra.
Khi đến trường, các bạn học và giáo viên đều sửng sốt khi Duncan trả lời trôi chảy trongc ác kỳ kiểm tra mà có vẻ như không cần học trước. “Con chớ dại kể cho mọi người biết về năng khiếu đó, kẻo họ sẽ cho con là phù thủy”, bà mẹ thở dài não nuột khi tâm sự với con gái.
Nhưng Duncan không phải là một trẻ ngoan ngoãn vâng lời. Cả đến tận sau này, khi đã làm chủ một gia đình. Để kiếm đủ bánh mì nhét vào mồm 6 đứa con lít nhít cùng người chồng tàn tật từ chiến trận trở về, bà đi làm ở một xương đúc chì và rảnh rỗi là lang thang khắp nơi, mời dịch vụ gọi hồn người chết lên dương gian.
Để giao tiếp với hồn, bà tự đưa mình vào một trạng thái mê man như lên đồng, nhả trong mồm ra một thứ đặc sệt màu trắng – được Duncan gọi là Ectoplasm – có hình dạng của người đã khuất để đáp các câu hỏi do bà đặt ra hộ thân quyến.
Các buổi gọi vong của Duncan luôn chặt ních khách hàng, nhất là vào cái thời loạn lạc mà gia đình nào cũng có người chết hoặc mất tích trên các chiến trường.
Harry Price, một nhà khoa học người Anh, chủ tịch Hội nghiên cứu tâm lý quốc gia, quyết tâm theo đuổi đề tài này và không khó khăn gì khi phân tích chất sệt màu trắng kỳ dị đó: Một hỗn hợp từ vải màn, giấy vệ sinh và lòng trắng trứng luộc dầm nát. Theo Price, trước khi vào cuộc Duncan nuốt hỗn hợp tự chế đó, để vào lúc thích hợp sẽ ọe ra! Nhưng phát hiện của Price cũng như đơn truy tố năm 1933 không hề làm giảm “uy tín” của Duncan, hay cũng có thể con người trong khủng hoảng niềm tin phải tìm cái gì đó mà bấu víu? Cảnh sát tạm giữ Duncan mấy hôm, phạt 10 bảng Anh về tội kích động mê tín. Ra khỏi song sắt, Duncan lại hành nghề tiếp.
Thế Chiến II
… càng về sau các đem lại cho Duncan nhiều khách hàng mới: những người tuyệt vọng từ mọi tầng lớp xã hội, với một điểm chung là có người thân ra đi không về. Nhưng sự việc chỉ bị đẩy lên cao trào khi cơ quan tình báo Anh bắt đầu chú ý đến Duncan.
Sự thể là trong một lần gọi vong vào tháng 11-1941 ở Portsmouth, bà tiếp xúc với hồn một thủy thủ đã tử trận trên tàu chiến HMS Barham do trúng thủy lôi từ tàu ngầm Đức mấy tuần trước đó. Chi tiết đặc biệt trong vụ này là không ai có thể có được thông tin, vì Bộ quốc phòng Anh giữ kín tin tức về vụ HMS Barham cho đến tận cuối tháng 2-1942. Lập tức bà mẹ của lính thủy đã chết lên Bộ Quốc phòng hỏi tin con, và thế là Duncan bị đặc vụ theo dõi suốt ngày đêm.
Thực ra lý do khá đơn giản. Tuy không thông báo về chiếc tàu bị đánh đắm, nhưng Bộ quốc phòng Anh vẫn lần lượt gửi giấy báo tử cho các gia đình. Thông qua hai đứa con mình trong hải quân, Duncan ráp nối các tin để nhận ra nhiều thủy thủ trên tàu chiến ấy tử trận. Dù vậy cơ quan tình báo Anh MI5 vẫn mất bình tĩnh, nhất là khi Duncan nói trước số phận đen tối của chiến hạm HMS Hood với hơn 1400 lính, trước khi tin này lên mặt báo.
Tháng 11-1944 ,người ta tống Duncan vào tù, sau khi Duncan lấy tiền của một hạ sĩ tên là Stanley Worth để tiếp chuyện với một bà cô của anh ta. Nhưng Worth không hề có bà cô và anh giận dữ tố cáo với cơ quan công tố. Ở thời điểm đó, quân đồng minh chuẩn bị đổ bộ lên bở biển Normandie vào ngày 6-6-1944, và thành công phụ thuộc vào mức độ bảo mật, và MI5 quyết định “giết nhầm hơn bỏ sót”.
Luật sư của Duncan
… cho gọi 46 nhân chứng khai có lợi cho thân chủ, nhưng Duncan vẫn bị kết án và bị giam tại nhà tù phụ nữ Holloway Prison khắc nghiệt. Bà chỉ được ân xá sau khi vụ đổ bộ thành công và thề thốt sẽ bỏ nghề.
Thực tế là Duncan quay lại đường cũ, và mãi đến năm 1951, thủ tướng Winston Churchills mới bãi bỏ bộ luật kỳ quái trên.
Lịch sử ghi lại Helen Duncan là phù thủy cuối cùng của châu Âu. Bà qua đời cuối năm 1956, sau khi vào tù lần nữa vì tội lừa đảo. Vào các năm 2001, 2008 và 2012, nghị viện Anh cũng đã nhận được đơn thỉnh nguyện xóa án của hậu duệ nhà Duncan, nhưng họ đều bác đơn.
Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất