03/12/2011 10:53 GMT+7 | Thế giới
(TT&VH) - Đó là đề xuất tại phiên họp lần thứ 4 của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (gọi tắt là UB) tại Bình Dương ngày hôm qua 2/12.
Tại cuộc họp, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch Ủy ban cho biết, từ khi thành lập UB, 11 tỉnh, thành đã thành lập Ban chỉ đạo bảo vệ sông Đồng Nai và đang từng bước hoàn thiện các quy chế hoạt động. Hệ thống quan trắc ở các địa phương cũng đã hoàn thành. Các nhà máy trong hàng trăm KCN – KCX tại lưu vực sông đã có hệ thống xử lý nước thải.
"Những dự án không đảm bảo môi trường, các địa phương nhất quyết không cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, hiện trạng ô nhiễm trên các con sông thuộc lưu vực vẫn diễn biến phức tạp. “Những doanh nghiệp tìm mọi cách né tránh, có các hành vi gây ô nhiễm môi trường sẽ bị xử lý kiên quyết” – ông Quân nói.
Về vấn đề phát triển các công trình thủy lợi, thủy điện trên hệ thống sông, UB đã nhất trí kiến nghị Chính phủ xem xét không tiếp tục phát triển thêm các công trình thủy điện.
Cá bè nuôi trên sông Đồng Nai chết do nước bị ô nhiễm
Tuy nhiên, việc bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai còn nhiều bất cập, trong đó có các vấn đề chủ yếu là: 1.900 tỷ đồng kinh phí triển khai 16 dự án thuộc đề án không được bố trí riêng nên khó huy động và “vướng” Luật Ngân sách; Hoạt động UB còn nhiều hạn chế, quyết định của UB chỉ mang tính đồng thuận thiếu tính pháp lý; Năng lực phối hợp giám sát của các cơ quan quản lý về môi trường của 11 tỉnh, thành còn hạn chế.
Về vấn đề về những dự án gây ô nhiễm mà tỉnh này “cấm cửa” nhưng khi chạy qua tỉnh khác thì lại được cấp phép, ông Lê Hoàng Quân cho biết: “Tôi khẳng định những dự án gây ô nhiễm đều được lãnh đạo các tỉnh, thành có ý thức chung là “cắt” hết”. Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang đã yêu cầu các lãnh đạo 11 tỉnh, thành trong phiên họp phải khắc phục ngay những xung đột về lợi ích cục bộ để không làm ảnh hưởng đến các địa phương khác. Ông cũng đề xuất: “Nên có một cơ quan gọi là Chi cục Bảo vệ môi trường lưu vực sông ở mỗi lưu vực sông như: sông Đồng Nai, sông Hồng, sông Cầu để tăng cường quản lý. Việc này chúng tôi sẽ bàn và báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Văn Lạng nêu vấn đề vị trí Chủ tịch UB này nên chuyển về Bộ TN&MT và có thể là một thứ trưởng kiêm nhiệm. Ông cũng đề xuất nên tích hợp tất cả các đầu mối thành chiến lược phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng, tránh tình trạng riêng tư, rời rạc.
T. Nguyên - A. Đức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất