“Tôi thấy hình như chưa phải chúng tôi”

28/12/2012 07:45 GMT+7

Buổi họp báo ra mắt mười tập đầu của bộ phim truyện 50 tập Cao hơn bầu trời do Hãng phim Giải Phóng sản xuất sáng 27-12 đã trở thành một cuộc họp góp ý cho bộ phim của các tướng lĩnh và người trong cuộc - những người được chọn làm nguyên mẫu của các nhân vật anh hùng trong bộ phim về chiến công của những người lính bảo vệ bầu trời Hà Nội trong 12 ngày đêm bi tráng.

Do có quá nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, từ thời tiết đến kinh phí, bộ phim mang ý tưởng ban đầu “một bản hùng ca bi tráng về chiến tranh” đã không thể kịp ra mắt trong những ngày kỷ niệm đầy ý nghĩa này, nên bộ phim 50 tập sẽ được sản xuất “chậm mà chắc” để có thể ra mắt kịp vào tháng 9-2013, 60 năm Ngày thành lập binh chủng phòng không - không quân. Có lẽ vì nghĩ còn có thể cứu vãn và chỉnh sửa được nên các nhân chứng, các nguyên mẫu và các tướng lĩnh đã rất nhiệt tình phản biện và đóng góp ý kiến.


Cảnh trong phim "Cao hơn bầu trời"

Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy - một trong ba anh hùng đầu tiên của lực lượng không quân VN, và cũng là nguyên mẫu của một trong những nhân vật chính xuyên suốt bộ phim, nay đã ngoài 70, từ TP.HCM ra gặp lại đồng đội, có mặt trong buổi ra mắt - đã chân thành nhận xét: “Lúc vào trận chiến đấu, chúng tôi không nói nhiều thế đâu. Mệnh lệnh cũng đơn giản, rõ ràng, chính xác. Có thể hôm nay các bạn trẻ thấy thế là cứng nhắc, nhưng ra trận thì phải nghiêm túc”.

Một vị tướng khác cho ý kiến: “Các nghệ sĩ cũng nên hiểu là lúc chỉ huy chiến đấu, trong sở chỉ huy của chúng tôi không ai nói to đâu, khẩu lệnh bao giờ cũng hô rất khẽ, đủ cho phi công nghe thôi. Đặc biệt, tối kỵ là chúng tôi không bao giờ nói tên sân bay, đã có các bí danh”. Rồi một đại tá phi công góp ý: “Đối thoại của các nhân vật hiện đại quá, chúng tôi không nói “đi du học”, mà chỉ nói đi học, không đọc thơ Xuân Diệu trước 1945 vì hồi đấy trong trường phổ thông không dạy, thanh niên không mấy ai thuộc. Mấy cái biển số xe cũng nên thay đi, tất cả đều là biển số mới của quân đội, 40 năm trước chúng tôi dùng biển số khác” và ông cười ý nhị: “Tôi thấy hình như chưa phải chúng tôi”.

Có quá nhiều “lỗi sơ đẳng” được chỉ ra từ những góp ý chân thành của những người trong cuộc. Ông Nguyễn Thái Hòa - giám đốc Hãng phim Giải Phóng - đứng lên nhận tất cả những góp ý và hứa sẽ sửa chữa triệt để bằng cách: “Sai đến đâu quay lại đến đấy”. Ông nói “chỉ trong tập 1 đã có ít nhất bốn trường đoạn phải quay lại”, như vậy trong mười tập đã làm xong, có thể lên đến... 40. Đấy là còn những lỗi chưa được chỉ ra vì các nhân chứng và các chuyên gia chưa xem hết.

Hãng phim Giải Phóng có thể nói đã rất có tâm khi quyết định bỏ tiền ra làm 50 tập phim về đề tài hóc búa và khô khan này. Họ chỉ có thể trông chờ vào sự giúp đỡ bằng sức người và trang bị của quân chủng phòng không - không quân, cũng như trông đợi thu hồi vốn bằng cách đổi quảng cáo trên các đài truyền hình. Nhưng với nhiều lỗi cơ bản như vậy, sửa đi mới chỉ đảm bảo tính chân thực, còn chưa bàn tới sự hấp dẫn của những 50 tập phim đằng đẵng (dù chân thực đã là một yếu tố để hấp dẫn), thì nhìn chặng đường dài chông gai cho đến khi phát sóng mà thấy lo lắng cho những người làm phim.

Theo Tuổi trẻ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm