Phim tài liệu dự LHP Venice chỉ trích đế chế truyền thông của Berlusconi

05/09/2009 10:18 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH Online) - Đương kim thủ tướng Italia, Silvio Berlusconi, vừa phải làm “diễn viên” bất đắc dĩ khi bộ phim tài liệu Videocracy được chính thức trình chiếu tại LHP Venice. Bộ phim đã lột tả sức ảnh hưởng của đế chế truyền thông do ông đứng đầu đối với các hoạt động thông tin và văn hóa ở Italia suốt hơn 30 năm qua. 
Thủ tướng và là trùm truyền thông Italia, Silvio Berlusconi

Videocracy là sự hòa trộn giữa hình ảnh của những vũ nữ ít vải, một món “đặc sản” trên truyền hình Italia và hình ảnh của thủ tướng Belusconi trước công chúng, xen lẫn vào đó là những cuộc phỏng vấn với các ngôi sao truyền hình thực sự, cũng như những người khao khát được làm ngôi sao truyền hình.

Đối với đạo diễn Erik Gandini, người được sinh ra và lớn lên ở Italy nhưng hiện đang sinh sống tại Thụy Điển, thông điệp của bộ phim rất rõ ràng: Italia ngày nay là một nước “Cộng hòa truyền hình” được định hình bởi Berlusconi, nơi giải trí và chính trị được hòa quyện làm một.

Ông cho biết, một ví dụ điển hình của thông điệp này chính là việc một cựu vũ nữ truyền hình hiện đang làm Bộ trưởng bộ Bình Đẳng cho thủ tướng Belusconi.

Bộ phim đã lột tả sức ảnh hưởng sâu rộng của truyền hình đối với đời sống ở Italia. Nó đã vẽ ra trước mắt rất đông khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ tuổi, một viễn cảnh về sự nổi tiếng nhanh chóng và tiền bạc. Đạo diễn Gandini nói: “Bạn sẽ có được hình ảnh về một thế hệ bị ám ảnh bởi các nhãn hiệu thời trang, bởi bề ngoài của họ mà chẳng mấy quan tâm đến chính trị, hay thế giới xung quanh”.

Ông nói thêm: “Bạn sẽ thấy một đất nước bị bao bọc bởi một bong bóng các giá trị mà tôi muốn gọi bằng cái tên ‘videocracy’, ở nơi đó hình ảnh là tất cả”.

Gandini cho biết, với 80% người coi truyền hình là kênh thông tin chính thức, quyền lực của truyền hình đã được tăng cường mạnh mẽ dưới sự điều hành hành của Berlusconi. Ông nói: “Mọi người không còn thích đọc báo. Truyền hình là kênh truyền thông lớn nhất… đó là lý do tại sao Berlusconi lại mạnh mẽ đến vậy. Đủ mạnh để quyết định những gì xuất hiện trên truyền hình là hiện hữu, còn những gì không xuất hiện trên truyền hình thì không”.

Vị thủ tướng 72 tuổi kiêm ông trùm truyền thông này đã thu lợi rất nhiều từ những kênh truyền hình thương mại mà ông đã cho phát sóng từ cuối những năm 1970. Đế chế truyền thông Mediaset của ông hiện sở hữu 3 mạng lưới truyền hình lớn nhất Italia. Mediaset và 3 kênh thuộc hãng truyền hình quốc gia RAI, mà Berlusconi cũng đặt rất nhiều ảnh hưởng bằng tư cách thủ tướng của mình, chiếm tới 90% tổng thời lượng phát sóng của truyền hình Italy.

Và dĩ nhiên cả Mediaset lẫn RAI đều từ chối quảng cáo cho Videocracy, cho dù bộ phim đã nhận được rất nhiều tràng pháo tay tại Venice, và vừa được phát hành rộng rãi tại các hệ thống rạp chiếu phim tại Italia hôm thứ Sáu vừa qua.

Trần Việt (Theo Reuters)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm