Phim hành động sẽ “thống trị” điện ảnh nội?

20/02/2013 07:12 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Năm nay, diện mạo điện ảnh Việt sớm hé lộ, nhìn chung có vài nhân tố mới, nhưng có vẻ như ưu thế đang nghiêng về phim hành động của các nhóm làm phim Việt kiều.

Điểm mặt đặt tên những phim có thể ra rạp trong năm 2013, chúng ta phải kể đến Bụi đời Chợ Lớn (dự kiến công chiếu tháng 4), Lửa Phật (tháng 8), Âm mưu giày gót nhọn (Hè 2013), Thạch Sanh…  3/4 trong số này là phim thiên về đấm đá.

Tại sao là hành động?

Chẳng có câu trả lời cụ thể nào cho chọn lựa này, nhưng có vẻ như phim hành động là một hấp lực và thách thức, các đạo diễn khó mà bỏ qua. Kể từ sau Dòng máu anh hùng, Charlie Nguyễn chuyển hướng sang hài hước và khá thành công về doanh thu với các phim Để Mai tính, Long Ruồi, Cưới ngay kẻo lỡ… nhưng rồi hành động cũng kéo anh trở lại, nếu Chuộc tội không dời ngày bấm máy, thì cùng với Bụi đời Chợ Lớn, anh đã chắc chắn có cả hai phim hành động trong năm này.

Riêng dự án Lửa Phật thì kéo dài trong 5-6 năm, khi mà vấn đề kinh phí và ngôn ngữ của phim làm Dustin Nguyễn nhức đầu. Nếu chọn tiếng Anh và hướng trọn vẹn đến khán giả quốc tế, Lửa Phật có thể tiếp cận được mức đầu tư khoảng 5-6 triệu USD, thế nhưng Dustin Nguyễn lại muốn phim này trước nhất phải dành cho khán giả Việt Nam, phải nói tiếng Việt, nên 1-2 triệu USD rất khó kiếm. Dustin Nguyễn từng tâm sự rằng phim đầu tiên mà anh đạo diễn phải là phim hành động, vì chính từ lĩnh vực này mà anh đi lên trong sự nghiệp điện ảnh của mình.

Cảnh trong Bụi đời Chợ Lớn.

“Với những hình ảnh được thiết kế và dàn dựng quy mô, hoàng tráng, phim sẽ là một bản anh hùng ca đầy mộng mơ trên màn ảnh rộng. Phim có mô-típ giống như Once Upon A Time In The West của đạo diễn Sergio Leone, tuy nhiên trong Lửa Phật, chúng tôi sử dụng các hình ảnh mang đậm thẩm mỹ phương Đông. Hình ảnh của phim cũng sẽ không bóng bẩy hay quá tươm tất mà sẽ bụi bặm, phong trần, già dặn và nam tính” - Dustin Nguyễn chia sẻ.

Nếu nhìn vào 4 phim hành động sắp ra mắt thì có hai phim thuộc loại cổ trang (Lửa Phật, Thạch Sanh) và hai phim thuộc kiểu xã hội đen hiện đại (Bụi đời Chợ Lớn, và cả Chuộc tội – sắp bấm máy). Chuộc tội do Johnny Trí Nguyễn viết kịch bản, chỉ đạo võ thuật và đóng vai chính.

Đáng lo nhất vẫn là kịch bản

Nhìn một cách sòng phẳng vào 5-6 phim được xem là thành công về doanh thu của điện ảnh Việt trong thời gian gần đây, thì kịch bản vẫn đáng lo ngại nhất, bởi chúng chỉ là những câu chuyện khá sơ sài, chẳng có thông điệp xúc động, sâu sắc. Kịch bản trong các phim này chỉ giống như cái cớ để làm phim mà thôi. Với thể loại phim hành động, kịch bản vốn đã đơn giản, phim hành động Việt Nam thì càng đơn giản hơn; cả các phim thành công như Dòng máu anh hùng, Bẫy rồng… cũng khó tránh khỏi điều này.

Câu chuyện trong Lửa Phật mang mô-típ quá quen thuộc trong điện ảnh thế giới, đó là chuyện người lành bị kẻ dữ hà hiếp, rồi có một anh hùng đứng lên phò trợ. Mà mới đây nhất là phim The Man Iron Fists (tạm dịch: Người đàn ông có tay đấm sắt) của đạo diễn có tên viết tắt là RZA, kể về câu chuyện cũng có cái tứ tương tự như ở Lửa Phật.

Theo thông tin từ nhà sản xuất, Bụi đời Chợ Lớn kể về cuộc thanh toán giang hồ của hai băng nhóm Hùng Chợ Lớn (phe thiện) và Tài Nhớt (phe ác). Ban đầu đại diện của cái ác rất mạnh, sau đó cái thiện giành chiến thắng. Chuộc tội cũng vậy, kể chuyện một đại ca muốn gác kiếm đi theo tình yêu trong sáng, nhưng liệu giang hồ có để yên? Thạch Sanh thì chẳng có gì đặc biệt về cốt chuyện, khi mà các nhà làm chỉ chú trọng vào kỹ xảo hơn là kể một câu chuyện có sáng tạo mới mẻ. Đặc biệt, với câu chuyện đã thành cổ tích như Thạch Sanh, nếu không có nỗ lực làm mới thông điệp thì xem như thất bại về kịch bản.

Ngay cả Âm mưu giày gót nhọn cũng chưa hé lộ cho thấy điểm nhấn gì mới từ kịch bản, khi mà đó là câu chuyện về một phụ nữ vì ghen tuông mà bỏ Mỹ về Việt Nam tìm chồng, để rồi vướng vào chuyện tình cảm ở đây.

Những bộ phim hay xưa nay thường gồm ba phần rất rõ ràng: kịch bản có thông điệp lạ, diễn xuất biểu cảm, và cách dàn dựng mới mẻ. Tất nhiên, những phim thành công ở cấp độ bình thường thì chỉ cần hai yếu tố sau mà thôi. Với kinh phí thấp và còn nhiều giới hạn về trình độ điện ảnh, các phim của Việt Nam vẫn có thể đi theo lối mòn này, nhưng nếu có ước mơ và tham vọng nhiều hơn, kịch bản nên được chú ý đầu tiên. Sự lơ là này cũng cho thấy hai điều: hoặc các nhà làm phim quá tự tin vào khả năng sáng tạo kịch bản của mình; hoặc họ không/chưa có niềm tin vào giới cầm bút chuyên nghiệp ở Việt Nam?

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm