Olympic Sydney 2000, võ sĩ Taekwondo Trần Hiếu Ngân giành Huy chương bạc. Sau 8 năm, lực sĩ Hoàng Anh Tuấn giành chiếc huy chương bạc thứ 2 trên đấu trường lớn Olympic Bắc Kinh. Nỗ lực ấy thật đáng trân trọng vì Olympic là nơi đua tài của hơn 10. 000 VĐV ưu tú là những nhà vô địch châu lục, vô địch thế giới và đương kim vô địch Olympic và như vậy là trình độ thể thao rất cao, việc giành được huy chương là rất khó khăn.
Thống kê qua các kỳ TVH Olympic cho thấy chỉ có khoảng từ 30 đến 40 % quốc gia có VĐV giành được huy chương (thậm chí có TVH chỉ có 25%). Năm 2000, Hiếu Ngân giành HCB, Việt Nam đã lần đầu tiên có tên trong các quốc gia có huy chương TVH (VN xếp thứ 64/67 trong 197 nước tham gia).
Cho đến nay TTVN đã hơn 60 lần giành danh hiệu vô địch thế giới, khoảng 40 HCV vô địch châu lục, gần 30 VĐV cờ vua đạt danh hiệu Đại kiện tướng FIDE và kiện tướng quốc tế, VĐV Bùi Thị Nhung vô địch châu Á về nhảy cao (từ 1 mét 90 – 1 mét 94), VĐV Trương Thanh Hằng HCV châu Á chạy 1500 mét.
Các VĐV TDDC Nguyễn Minh Tuấn, Hà Thanh đứng vị trí từ thứ 4 đến thứ 7 trong các cuộc thi vô địch thế giới và Cúp thế giới TDDC. Thống kê những thành tích đó ra đây để khẳng định một điều rằng người Việt Nam, TTVN không thiếu những người tài, những VĐV có khả năng chiến thắng trên đấu trường thế giới và TVH Olympic. Chiến thắng vinh quang của Hoàng Anh Tuấn tại Olympic Bắc Kinh như một lần nữa minh chứng cho thực tế này.
Hoàng Anh Tuấn đã giúp TTVN được vinh danh ở Olympic 2008
Thành tích HCB của Hoàng Anh Tuấn đã tạo dấu ấn mới cho TTVN, đã cổ vũ động viên những người làm nghề thể thao chân chính, đã làm vui lòng người hâm mộ và lẽ dĩ nhiên ít nhiều cũng làm Chính phủ hài lòng. Tuy nhiên cũng cần phải tỉnh táo kết luận ra điều này: TTVN hiện tại và trong một tương lai không xa chưa có đủ cơ sở để “tấn công và dàn quân vào đấu trường Olympic”.
Thế và lực của TTVN chưa thể sánh vai với nhiều đối thủ trong lĩnh vực thể thao! Không nói đến các cường quốc như Trung Quốc, Mỹ, Nga, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản… mà ngay cả các quốc gia “vùng trũng” Đông Nam Á cũng còn lâu lắm chúng ta mới đuổi kịp họ (Thái Lan đã có 18 HC Olympic (6 HCV, 2 HCB, 10 HCĐ); Indonexia có 5 HCV – 8 HCB – 7 HCĐ; Philippin có 1 HCB – 5 HCĐ… tại các kỳ TVH).
Vì vậy chưa nên vội xếp thành tích của Hoàng Anh Tuấn vào “hạng kỳ tích” và như là “một phát súng mở đầu cho TTVN và chúng ta sẽ đạt thứ hạng cao ở Olympic 2012”. Nên coi thành tích của Tuấn như là một phương tiện để “giải tỏa áp lực” cho những người quản lý, ngành thể thao và lãnh đạo đoàn TTVN.
Nhưng tranh luận mãi vẫn chưa thống nhất
Khoa học tuyển chọn, huấn luyện đào tạo VĐV nâng cao thành tích thể thao và thực tiễn thế giới đã xác nhận rằng: để đào tạo VĐV từ lúc tuyển chọn ban đầu đến trình độ kiện tướng thể thao hạng quốc tế, thời gian trung bình phải mất từ 8-10 năm, để đạt đến trình độ Olympic và thế giới lại càng phải lâu hơn. Để phát triển 1 nền thể thao vững chắc phải xây dựng 1 chiến lược dài hạn, có quy hoạch và kế hoạch chuẩn bị cho từng sự kiện, từng dấu mốc quan trọng. Muốn tiến lên giành thành tích cao ở Thế vận hội phải xây dựng chiến lược chuẩn bị cho Olympic.
Trong chiến lược đó chúng ta phải xác định rõ tập trung đào tạo VĐV của những môn thể thao nào có khả năng giành huy chương Olympic, phải tính toán đến từng cự ly, từng nội dung thi đấu để tuyển chọn, sắp xếp đào tạo VĐV đáp ứng yêu cầu mục tiêu Olympic. Việc này được đặt trong một kế hoạch dài hạn, một khoảng thời gian dài từ 10-20 năm.
Lý thuyết thì như thế, nhưng TTVN không diễn ra như vậy. Sau Olympic Sydney 2000, TTVN chưa xây dựng chiến lược. Sau Olympic Athens 2004, bàn thảo tranh luận mãi mà những người trong cuộc vẫn chưa đi đến thống nhất cách làm thế thao thành tích cao, đặc biệt là chuẩn bị cho Olympic. Trong hàng ngũ quản lý còn chưa thống nhất về cách đánh giá và xác định mục tiêu: người thì kêu gọi phải đưa VĐV của 20-30 môn thể thao đến Thế vận hội, phải dàn quân tiến vào Olympic, người khác lại có tâm trạng hoài nghi đi Olympic để làm gì, ở đấy chỉ là học hỏi và cọ xát, đầu tư làm gì cho tốn thời gian và tiền của, cứ tập trung vào SEA Games là được rồi.
8 năm trôi qua chờ đợi huy chương Olympic, nhưng TTVN vẫn không có quyết định nào để tập trung, đầu tư cho Olympic. Thực ra chỉ cần ngay sau khi ASIAD Doha 2006 kết thúc, chúng ta triển khai ngay chiến dịch chuẩn bị cho Bắc Kinh 2008 thì Hoàng Anh Tuấn hoàn toàn có cơ sở để tranh HCV. Các VĐV Judo (Văn Ngọc Tú và Nguyễn Thị Diệu), Vật tự do nữ (Nghiêm Thị Giang, Lương Thị Quyên, Phạm Thị Huế) cùng các VĐV Taekwondo tranh tài huy chương và chỉ tiêu có 20 VĐV vượt qua các môn thi vòng loại là hoàn toàn khả thi.
Tôi không tin rằng Chính phủ không cần huy chương Olympic. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đến Bắc Kinh động viên đoàn TTVN là mong muốn quốc kỳ Việt Nam được kéo lên. Tôi cũng không cho rằng vì nước ta nghèo, thiếu kinh phí nên không có khả năng đầu tư chi phí hạn chế. CHDCND Triều Tiên, Etiopia, Marốc, Kenya, Gana… kinh tế đều gặp khó khăn, thậm chí còn nghèo hơn cả nước ta, rồi cả Cuba nữa… nhưng họ đều có không chỉ 1 HCV Olympic. Vậy thì thực chất của vấn đề là ở đâu ?
Thiết nghĩ, ngành thể thao cần có những con người có hiểu biết, có trách nhiệm và tâm huyết cùng nhau tìm ra mấu chốt của vấn đề để chuẩn bị có hiệu quả cho Olympic London 2012 và đấu trường Thế vận hội nói chung, chứ đừng ngủ quên vì một tấm huy chương mới ở Olympic.
NGUYỄN HỒNG MINH