Sức mạnh "Phù Đổng" từ "Hercules" Hoàng Anh Tuấn

11/08/2008 11:28 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH Online) – 8 năm sau tấm HCB của Trần Hiếu Ngân ở Olympic Sedney 2008, người hâm mộ thể thao Việt Nam (TTVN) đã chờ đợi, hy vọng và vỡ òa khi Hoàng Anh Tuấn giành Huy chương Bạc ở môn cử tạ. Ngày 10/8, TTVN đã có thêm một trang sử mới ở đấu trường Olympic.

* Không phải ngẫu nhiên

Nếu 8 năm trước, tấm HCB của nữ võ sỹ Teakwondo Trần Hiếu Ngân đã xuất hiện một cách bất ngờ thì việc Hoàng Anh Tuấn giành ngôi á quân hạng cân 56 kg (Cử tạ) không phải là thành tích từ trên trời rơi xuống. Gần 5 năm trở lại đây, Anh Tuấn đã là cái tên đầy ấn tượng trong làng cử tạ VN và là VĐV gần như duy nhất của thể thao nước nhà đạt tầm tranh chấp huy chương một cách đàng hoàng với các cao thủ quốc tế ở các môn thể thao cơ bản của sân chơi Olympic.

Tấm HCB của Anh Tuấn không đến một cách ngẫu nhiên mà đấy là nỗ lực phấn đấu kiên trì của chàng trai quê ở Bắc Ninh này. Kể từ ngày bước ra làng cử tạ thế giới với bộ sưu tập huy chương khá dày ở các giải trẻ châu Á, thế giới, giải vô địch châu Á, Vô địch thế giới, rồi HCB Á vận hội (Asiad Qatar 2006), Anh Tuấn đã là gương mặt được các đối thủ quốc tế vị nể ở hạng cân 56kg. Quãng thời gian 5 năm Anh Tuấn bắt đầu nhẵn mặt ở thảm thi đấu của hạng cân 56kg cũng là những năm tháng anh miệt mài tập luyện trong âm thầm và lặng lẽ, thậm chí chỉ chạy đua với chính mình khi tập luyện trong nước bởi Tuấn không có đối thủ và nhiều lúc anh chàng cá tính "đặc biệt" này trở thành sự khó chịu với không ít người trong nghề. 5 năm qua, Tuấn đã nỗ lực không ngừng và cũng có sự đầu tư rất lớn của ngành TDTT (từ chiến lược chuẩn bị cho Olympic 2008 mà Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I Nguyễn Hồng Minh là người vạch phương hướng và quan tâm rất sát sao đến quy trình chuẩn bị của Tuấn, trước khi ông Minh về hưu đầu năm 2007) khi kinh phí hàng năm giành cho Bộ môn Cử tạ-Thể hình gần như dồn phần lớn cho "niềm hy vọng Olympic" này.  
 
Sức mạnh Phù Đổng trên đôi tay Anh Tuấn
 
Anh Tuấn đã có nhiều thất bại, nhiều lần vấp ngã (chỉ giành HCB ở Asiad 15, bị đối thủ người Indonesia qua mặt ở SEA Games 24....), nhưng "Hercules hạng cân 56kg" của cử tạ VN đã đứng dậy để ngày 10/8/2008 anh làm nên khoảnh khắc kì diệu giúp lá cờ đỏ Sao vàng của Việt Nam được tung bay trên bục vinh quang ở Olympic Bắc Kinh 2008.

* Tự hào và trăn trở

Từ Trần Hiếu Ngân đến Hoàng Anh Tuấn, thể thao VN đã một lần nữa có tên trên bảng xếp hạng huy chương Olympic, kết quả chỉ có những người trong cuộc mới thấu hiểu hơn ai hết được những vất vả, sự kiên trì và cả những "đấu tranh" không mệt mỏi để theo đuổi thành tích và quan trọng hơn là sự khẳng định của TTVN ở giải đấu thể thao danh giá nhất hành tinh.

Có ý kiến đã tiếc nuối khi Tuấn không thể giành "vàng". Nhưng nếu đặt nền móng của thể thao VN bên cạnh "người khổng lồ" Trung Quốc đã "thập diện mai phục" ở tất cả các môn thế mạnh của bạn cho mục tiêu số 1 toàn đoàn ở Olympic 2008, thì thành tích của Hoàng Anh Tuấn đã là nỗ lực vượt bậc của chính anh. TTVN chỉ có một mình Hoàng Anh Tuấn, nhưng thể thao Trung Quốc có cả dàn lực sỹ hùng hậu ở hạng cân 56 để chuẩn bị cho chiến dịch chinh phục Olympic 208, thậm chí khi nhà vô địch thế giới Li Zheng còn bị gạt sang một bên để nhường chỗ cho gương mặt mới 18 tuổi Long Qingquan thì nhiều người đã hiểu việc Hoàng Anh Tuấn một mình phó hội ở Bắc Kinh thực sự là thách thức quá lớn.
 
Anh Tuấn (trái) đã sánh vai đầy tự hào với các cao thủ hàng đầu thế giới

8 năm trước, Hiếu Ngân đã giành HCB ở môn Teakwondo, môn võ thi đấu mới được đưa vào hệ thống Olympic từ năm 1996 và cách tính điểm ít nhiều phụ thuộc vào cảm tính của trọng tài. Ở Bắc Kinh, Hoàng Anh Tuấn đã giúp TTVN vươn vai tấn công vào cử tạ, một trong những môn thi cơ bản từ thủa Olympic hiện đại được tái lập năm 1896. Tấm HCB ấy không chỉ là bước tiến của Tuấn (hoàn thành giấc mơ giành huy chương ở Olympic) mà còn là dấu ấn mới của ngành thể thao VN. Khi Hiếu Ngân có tên trên trên bảng xếp hạng huy chương ở Olympic 2000, đấy mới chỉ là sự xuất hiện của TTVN ở tầm cao mới thì nỗ lực của Hoàng Anh Tuấn hôm nay đã và đang là sự khẳng định cho những "giấc mơ Phù Đổng" vươn lên tầm thế giới có thể trở thành hiện thực.

"Hiện tượng" Hoàng Anh Tuấn đã và đang làm nên những chiến công cho thể thao VN. Nhưng nếu chỉ có một Hoàng Anh Tuấn, TTVN vẫn chưa thể mơ xa hơn. Chúng ta muốn tiến công vào đấu trường Olymlic thì chắc chắn phải có vài ba "Hoàng Anh Tuấn", thậm chí cả chục "Hoàng Anh Tuấn" ở nhiều môn, nhằm có lực lượng đông đảo, chất lượng và cả nền tảng bài bản để một ngày nào đó TTVN sẽ có sự cạnh tranh sòng phẳng và tự tin hơn, thay vì sự thấp thỏm với lực lượng "còi" chỉ có 13 VĐV tham dự Olympic với mục tiêu khiêm tốn "vượt qua chính kình". Chưa dám so sánh với nền thể thao Trung Quốc, nhưng chỉ nhìn sang Thái Lan cũng đã thấy nước làng giầng ĐNA này cũng đã có nền tảng vững chắc hơn TTVN. 4 năm trước, Thể thao Thái Lan giành 2 tấm HCV cử tạ với của POLSAK,Udomporn (53kg), THONGSUK,Pawina (75kg, đều là nữ) thì 4 năm sau người Thái vẫn khẳng định sức mạnh với ngôi vô địch đầu tiên cũng ở hạng cân 53kg cử tạ nữ của Prapawadee. Nói thế để thấy, trong khi TTVN mới chỉ có Hoàng Anh Tuấn, các nước khác cũng đã có nhiều gương mặt xuất sắc tương tự để bước lên bục vinh quang của Olympic 2008.

Chờ đợi 8 năm để có thêm 1 tấm huy chương bạc là niềm vui khó tả và hạnh phúc khôn cùng của Anh Tuấn và các thành viên đoàn TTVN. Mong sao từ Anh Tuấn đến những gương mặt ấn tượng khác trong tương lai, "sức mạnh Phủ Đổng" của TTVN sẽ được nhân lên để đến một kì Olympic gần nhất, người ta sẽ vỡ òa với một tấm HCV "xịn" tiếp bước "tấm huy chương bạc mà có ý nghĩa như vàng" của Anh Tuấn đã mang về cho Tổ Quốc.

Hư Trúc
 

Bình luận của bạn về thành tích của Hoàng Anh Tuấn và tấm HCB của anh với thế thao Việt Nam? Hãy gửi ý kiến của bạn cho TT&VH Online ở mục dưới đây:

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm