Phát triển du lịch tâm linh - tạo sự khác biệt (Bài 2): Đặt nền tảng cho phát triển bền vững

31/03/2017 19:12 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Du lịch tâm linh đã trở thành nhu cầu không thể thiếu và ngày càng sôi động, mang lại hiệu quả thiết thực cho kinh tế địa phương, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân và đóng góp tích cực vào phát triển bền vững.

Cộng đồng dân cư hưởng lợi

Du lịch tâm linh tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn từ nông nghiệp sang kết hợp dịch vụ. Người dân địa phương được chủ động tham gia vào các hoạt động phục vụ du khách.

Tại khu di tích chùa Hương, có tới hơn 2.000 chiếc đò phục vụ du khách. Chị Trần Thị Mai, chở đò trên suối Yến nói “một vụ đò bằng năm vụ thóc”. Mỗi ngày trong mùa lễ hội, chị kiếm được khoảng 300.000 đồng. Đàn ông khỏe hơn, chở đò lớn hơn thì kiếm được nhiều hơn. Có nhà mấy người làm dịch vụ cho lễ hội. Du lịch phát triển, cuộc sống người dân trong vùng cũng khấm khá hơn nhiều.


Đò chở du khách trên suối Yến vào động Hương Tích (Ảnh: TTXVN)

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), trụ trì chùa Bái Đính cho biết hơn 1000 năm về trước, ba triều đại Vua nối tiếp nhau - nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý - đóng đô tại Ninh Bình đều rất quan tâm đến đạo Phật và xem đạo Phật là Quốc giáo. Do vậy, Ninh Bình có rất nhiều chùa cổ, trong đó có chùa Bái Đính trên dãy núi Tràng An. Tuy nhiên, chùa nằm trên núi cao, giao thông không thuận lợi nên ít người biết đến. Năm 2003, Quần thể chùa Bái Đính gồm khu chùa cổ và khu chùa mới được đầu tư xây dựng trên diện tích gần 550 ha. Chùa Bái Đính có nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam, cơ sở hạ tầng xung quanh phát triển nên quanh năm đón du khách và Phật tử trong và ngoài nước tới tham quan, chiêm bái. Vào mùa lễ hội, hàng vạn du khách đổ về lễ Phật tại chùa mỗi ngày. Ngoài ra, chùa Bái Đính còn là nơi tổ chức các đại lễ của GHPGVN và đăng cai một số sự kiện Phật giáo quốc tế, như đại lễ Phật đản thế giới 2008, Đại lễ cung nghinh xá lợi Phật đầu tiên từ Ấn độ về Việt Nam năm 2010, và Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc - Vesak 2014.

Hoạt động Phật sự và du lịch tại chùa Bái Đính đã góp phần tạo công ăn việc làm, cải thiện điều kiện sống cho người dân địa phương. Người dân quanh vùng tham gia vào các hoạt động kinh doanh và dịch vụ, như bán đồ thờ cúng, hàng lưu niệm, đặc sản địa phương, dịch vụ ăn uống, dịch vụ vận chuyển.

Tăng cường vai trò của địa phương

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL) Ngô Hoài Chung cho biết, các địa phương ngày càng được tăng cường vai trò tự chủ trong phát triển du lịch. Tự chủ là cách hiệu quả nhất để các địa phương đảm bảo một môi trường du lịch lành mạnh và an toàn. Hơn nữa, do biết rõ thế mạnh đặc thù của mình, địa phương có thể chủ động tìm tòi, điều chỉnh, và tìm ra hướng phát triển du lịch hiệu quả, bền vững nhất.

Đại diện doanh nghiệp lữ hành Saigontourist cho biết, du khách nói chung và du khách tâm linh nói riêng bây giờ không chỉ dừng lại ở mong muốn thỏa mãn nhu cầu thư giãn, ngắm cảnh và thưởng thức đặc sản. Đa số họ còn thích khoe trải nghiệm của mình trên mạng xã hội. Do vậy, để hấp dẫn du khách, bên cạnh các chương trình khuyến mại, tăng chất lượng dịch vụ, địa phương và các hãng lữ hành phải kết nối để làm sao mỗi tour du lịch tâm linh kể một câu chuyện văn hóa đặc sắc. Đôi khi, điều làm nên một câu chuyện thú vị lại nằm ở những thứ giản dị nhất.

Du khách đến với chùa Hương không chỉ nhằm mục đích lễ Phật ở động Hương Tích, mà còn vì cảm giác thư giãn, lãng mạn trên hành trình đi đò dọc suối Yến. Nắm bắt được tâm lý này, Ban quản lý khu di tích – thắng cảnh Hương Sơn đã tổ chức một thuyền văn nghệ trên suối Yến. Các nghệ sĩ trên thuyền mặc áo tứ thân, đeo khăn mỏ quạ, hát dân ca, hát chèo, đôi khi hò đối với du khách. Ngoài hát, đoàn còn kết hợp giới thiệu các điểm tham quan tại khu di tích và kêu gọi du khách bảo vệ môi trường và tham gia lễ hội một cách văn minh, lành mạnh.

Ông Lê Văn Duyên, Trưởng ban văn hóa xã Hùng Tiến, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, là trưởng đoàn nói: “Thuyền văn hóa hoạt động được hơn chục năm nay. Đoàn biểu diễn dọc suối Yến vào cuối tuần trong suốt mùa lễ hội. Du khách rất vui khi gặp đoàn. Họ vẫy tay chào hỏi, chụp ảnh, thậm chí có người lên cả thuyền hát cùng chúng tôi một đoạn đò. Chúng tôi rất vui được mang tiếng hát câu hò của mình phục vụ du khách đến với chùa Hương.”


Thuyền văn hóa trên suối Yến, khu du lịch chùa Hương (Ảnh: TTXVN)

Huy động tổng lực xã hội

Du lịch tâm linh ngày càng được nhìn nhận theo hướng tích cực về khía cạnh kinh tế và xã hội. Hoạt động du lịch tâm linh tạo ra hiệu ứng chi tiêu lớn thông qua các dịch vụ lữ hành, tham quan, lưu trú, ăn uống, mua sắm, cúng tế, dịch vụ vận chuyển bằng xe điện, cáp treo, lái đò, dịch vụ thuyết minh, chụp ảnh, thưởng thức nghệ thuật dân gian.

Tiền công đức và cúng Dường cũng là nguồn thu lớn cho công tác trùng tu, quản lý và vận hành các điểm du lịch. Cụ Nghiêm Văn Trình ghi công đức ở đền Thanh Sơn thuộc cụm di tích Chùa Hương nói, vào mùa lễ hội, riêng sổ của cụ mỗi ngày trung bình ghi được khoảng 15 triệu. Ở đền có hơn chục bàn ghi công đức. Những khoản tiền này được dùng để trùng tu di tích, phát triển hạ tầng xung quanh, bảo vệ môi trường và đóng góp cho địa phương.


Du khách đi cáp treo lên động Hương Tích (Ảnh: TTXVN)

Một số tuyến du lịch tâm linh chính đã được hình thành và khai thác hiệu quả như tuyến tìm hiểu về nhà Trần từ Quảng Ninh – Thái Bình – Nam Định; tuyến tham quan di sản và trải nghiệm tín ngưỡng Hà Nội – Ninh Bình – Hà Nam – Nam Định; tuyến di sản văn hóa Tây Nguyên, và tuyến di sản miền Trung Đà Nẵng – Hội An – Huế - Quảng Bình.

Theo ông Ngô Hoài Chung, ngành du lịch xác định phát triển du lịch tâm linh là một trong những nhiệm vụ chiến lược trong giai đoạn mới. Ưu tiên chú trọng phát triển các chùm du lịch tâm linh dựa trên khoảng cách địa lý, các điểm nhấn di tích, lễ hội văn hóa từng địa phương nhằm tạo trải nghiệm thống nhất đồng thời kéo dài thời gian lưu trú của du khách.

Ông Chung khẳng định, chỉ thông qua du lịch mới đưa du khách tới tham quan để quảng bá và phát huy giá trị của di sản. Chỉ có thông qua du lịch mới có thể kêu gọi được nguồn lực xã hội lớn và tạo ra nguồn kinh phí để đầu tư trở lại cho việc bảo tồn và phát huy di sản. Và cũng chỉ có bảo vệ, bảo tồn các di sản, di tích thật tốt mới có các sản phẩm du lịch tâm linh có chất lượng và hấp dẫn du khách, nhất là du khách nội địa.


Đại nội Huế về đêm (Ảnh: TTXVN)

Chẳng hạn cố đô Huế thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Đây là nguồn tài chính quan trọng để phát triển sản phẩm du lịch tâm linh đặc thù như lễ hội Nam Giao, lễ tế Xã Tắc, đồng thời giảm chi phí từ ngân sách Nhà nước cho công tác phục dựng nghi lễ truyền thống và trùng tu di tích.  Chùa Bái Đính cổ vốn có từ nhiều trăm năm trước ở cố đô Hoa Lư. Nhưng phải tới khi nhà đầu tư mạnh tay rót hàng nghìn tỷ đồng vào phát triển cơ sở hạ tầng và quảng bá xúc tiến mới thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước như bây giờ. Có thể nói quần thể danh thắng Bái Đính – Tràng An là một điểm sáng về du lịch sinh thái – tâm linh. Mô hình du lịch sinh thái - tâm linh kết hợp này được kỳ vọng sẽ tạo ra đòn bẩy cho sự phát triển du lịch toàn vùng, với lượng khách đều đặn trong cả năm, ông Chung nói.

Điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch tâm linh

Theo ông Chung, năm 2017 đánh dấu sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và sức mạnh tổng hợp lớn chưa từng có cho ngành du lịch, đặc biệt là du lịch tâm linh. Tháng Ba, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch (VH,TT&DL) phối hợp với Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia tổ chức Hội thảo khoa học “Di sản văn hóa với chiến lược phát triển bền vững” nhằm đánh giá một cách toàn diện vai trò của di sản văn hóa trong phát triển kinh tế xã hội, mà du lịch tâm linh là nòng cốt.

Đầu năm 2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 là kim chỉ Nam định hướng cho các ngành, các cấp, các thành phần kinh tế - xã hội tham gia phát triển du lịch, trong đó ngành du lịch là hạt nhân.

Trước đó, năm 2013, Bộ VH,TT&DL phối hợp với Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) tổ chức Hội nghị quốc tế về Du lịch tâm linh vì sự phát triền bền vững tại chùa Bái Đính. Ông Chung đánh giá đây có thể xem là một “Hội nghị Diên Hồng”, thể hiện quyết tâm và chiến lược phát triển du lịch tâm linh của Việt Nam.

“Việt Nam coi du lịch tâm linh là nhân tố quan trọng không chỉ mang lại sự tăng trưởng của nền kinh tế mà còn phát huy giá trị tinh thần, lòng yêu nước, niềm tin, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước.” Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nói tại Hội nghị ở Ninh Bình.


Phương Vũ (Ban BTTĐN)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm