Phát huy giá trị văn hóa dân gian trong nhạc nhẹ: Cơ hội và thử thách cho nghệ sĩ đương đại

11/04/2025 11:00 GMT+7 | Giải trí

Thời gian gần đây, nhiều dự án âm nhạc được làm mới từ chất liệu dân gian Việt Nam như album Hoàng, Link, Vietnamese của Hoàng Thùy Linh, ca khúc Thị Màu, Bắc Bling của Hòa Minzy, hay những màn trình diễn Trống Cơm, Mẹ yêu con… tại concert "Anh trai vượt ngàn chông gai" đã khiến thị trường âm nhạc như được thổi một làn gió đầy hứng khởi.

Cảm hứng sáng tạo dựa trên chất liệu văn hóa từ kho tàng dân gian đã tạo nên một sức hút mạnh mẽ tới công chúng đương đại, không chỉ trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam mà còn vươn ra thị trường âm nhạc quốc tế.

Bản sắc dân tộc - "chìa khóa" để mở cánh cửa hội nhập

Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, khi sự hội nhập đạt đến đỉnh cao, thì sự đồng nhất hóa văn hóa đang dần trở thành mối lo ngại. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và trí tuệ nhân tạo, việc các sản phẩm sáng tạo trở nên "na ná" nhau hoặc bị bắt chước nhanh chóng trở thành một thách thức không nhỏ với người làm sáng tạo.

Phát huy giá trị văn hóa dân gian trong nhạc nhẹ: Cơ hội và thử thách cho nghệ sĩ đương đại - Ảnh 1.

Các nghệ sĩ trình diễn "Mẹ yêu con" trên sân khấu live concert "Anh trai vượt ngàn chông gai" Day 2

Trước bối cảnh đầy cạnh tranh đó, nhiều nghệ sĩ Việt đã tìm ra lối đi riêng với việc khai thác và làm mới kho tàng văn hóa dân gian. Đây không chỉ là một xu hướng mà có thể coi là một chiến lược thông minh khi muốn định hình bản sắc trên thị trường quốc tế. Với kho tàng âm nhạc dân gian hàng nghìn năm lịch sử, Việt Nam sở hữu một nguồn tài nguyên nghệ thuật đồ sộ, một 'vũ khí mềm' độc đáo, giúp nghệ sĩ trẻ tạo ra những sản phẩm âm nhạc mang bản sắc riêng, có tính cạnh tranh cao và dễ dàng chinh phục thị trường quốc tế.

Việc đưa văn hóa dân gian vào nhạc nhẹ không chỉ tạo ra một dòng chảy âm nhạc khác biệt, không bị hòa lẫn giữa muôn vàn những sản phẩm âm nhạc na ná nhau giữa thời đại Công nghệ số và trí tuệ nhân tạo, mà còn là một cách để nghệ sĩ Việt khẳng định vị thế văn hóa của mình trên bản đồ âm nhạc thế giới.

Chị Hằng biên tập - Phát huy giá trị văn hóa dân gian trong nhạc nhẹ: Cơ hội và thử thách cho nghệ sĩ đương đại - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, người có nhiều năm nghiên cứu về âm nhạc truyền thống, từng nhận định: "Âm nhạc dân gian là một nguồn tài nguyên vô giá, nếu khai thác và sử dụng một cách sáng tạo, nó sẽ tạo ra những tác phẩm độc đáo, mang đậm dấu ấn Việt Nam".

Âm nhạc mang đậm bản sắc dân tộc không chỉ là một sản phẩm giải trí thông thường, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị văn hóa sâu sắc, một "sứ giả văn hóa" đầy tiềm năng. Nó giúp giới thiệu và quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, độc đáo của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế.

Phát huy giá trị văn hóa dân gian trong nhạc nhẹ: Cơ hội và thử thách cho nghệ sĩ đương đại - Ảnh 3.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long (bìa phải) luôn bền bỉ trong các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc của dân tộc

Còn nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cũng cho rằng: "Âm nhạc dân gian không chỉ phản ánh đời sống văn hóa tinh thần của người Việt, mà còn là một "bảo tàng sống" về lịch sử, phong tục, tập quán của dân tộc. Việc phát huy giá trị này trong âm nhạc đương đại có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn và lan tỏa văn hóa dân tộc".

Những thách thức của các nghệ sĩ trong thời đại 4.0

Tuy vậy, việc phát huy giá trị văn hóa dân gian trong nhạc nhẹ không đơn thuần chỉ là tạo ra một bản phối khí mới, một cách trình diễn khác lạ là có thể "cầm chắc phần thắng". Mà đó là một thử thách thực sự với các nghệ sỹ trẻ.

Chị Hằng biên tập - Phát huy giá trị văn hóa dân gian trong nhạc nhẹ: Cơ hội và thử thách cho nghệ sĩ đương đại - Ảnh 3.

"Bắc Bling" là một hiện tượng âm nhạc giải trí

Dù được nhiều những sự ủng hộ, hậu thuẫn, tạo điều kiện từ nhà nước, các cơ quan truyền thông, và cả khán giả… tuy nhiên, con đường "hồi sinh" bản sắc dân tộc trong âm nhạc đương đại không hề dễ dàng. Các nghệ sĩ phải đối mặt với nhiều thách thức cam go, từ việc phải thực sự lao động và dày công nghiên cứu sâu sắc về văn hóa dân gian, lịch sử, văn hóa Việt Nam vốn vô cùng sâu rộng và phức tạp nhiều thể loại

Bên cạnh đó, để "thay áo mới" cho âm nhạc dân gian, việc "sống còn" là sáng tạo ra những bản phối khí độc đáo, phù hợp với thị hiếu âm nhạc hiện đại, nhưng vẫn giữ được "hồn cốt" văn hóa dân tộc, đây gần như là một "thử thách" với tất cả các nhạc sỹ - producer nào.

Chị Hằng biên tập - Phát huy giá trị văn hóa dân gian trong nhạc nhẹ: Cơ hội và thử thách cho nghệ sĩ đương đại - Ảnh 2.

Nhạc sĩ Quốc Trung

Như nhạc sĩ Quốc Trung, trong một buổi tọa đàm về âm nhạc truyền thống, nhấn mạnh: "Việc kết hợp âm nhạc truyền thống và hiện đại cần có sự am hiểu sâu sắc về cả hai yếu tố, tránh việc lai tạp một cách hời hợt". Điều này đặt ra câu hỏi then chốt: làm thế nào để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mà vẫn tạo ra những sản phẩm âm nhạc có tính nghệ thuật cao, đáp ứng thị hiếu công chúng, đặc biệt là giới trẻ?

Những thành công như ca khúc Bắc Bling của Hòa Minzy, album Hoàng, Link, Vietnamese của Hoàng Thùy Linh, hay sự kết hợp táo bạo giữa xẩm và nhạc điện tử, rock của nghệ sĩ Kiều Anh cho thấy sức hút mạnh mẽ của âm nhạc dân gian Việt Nam khi được khoác lên màu sắc đương đại. Hay như các tác phẩm Trống Cơm, Mẹ yêu con được các "anh tài" remix đã làm bùng nổ sân khấu và viral mạnh mẽ trên các nền tảng.

Hòa Minzy biểu diễn trực tiếp "Bắc Bling" trên sân khấu Lễ trao giải Cống hiến 2025 của báo Thể thao và Văn hóa/TTXVN

Tuy nhiên, bên cạnh đó, thực tế có thể thấy là không phải dự án nào cũng đạt được thành công như mong đợi. Nhiều dự án đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ công chúng, cùng nhiều những tác phẩm dù được hậu thuẫn lớn nhưng vẫn chỉ "lọt thỏm" giữa thị trường cho thấy sự phức tạp và đầy thử thách trên con đường tưởng như đầy cơ hội này. Ngoài ra, một số dự án sử dụng chất liệu dân gian một cách hời hợt, làm mất đi giá trị gốc của văn hóa truyền thống, hoặc làm người nghe có cái nhìn sai lệch về văn hoá.

Phát huy giá trị văn hóa dân gian trong nhạc nhẹ: Cơ hội và thử thách cho nghệ sĩ đương đại - Ảnh 7.

Tiết mục "Trống cơm" trên sân khấu "Anh trai vượt ngàn chông gai" Day 2

"Cuộc chơi khó" nhưng giá trị to lớn và lâu dài

Việc khai phá và kiến tạo bản sắc dân tộc trong dòng chảy âm nhạc đương đại là một hành trình đầy thách thức. Nó đòi hỏi người nghệ sĩ không chỉ sở hữu tài năng thiên bẩm, mà còn phải là một nhà nghiên cứu văn hóa, một nhà sáng tạo không ngừng nghỉ. Cuộc chơi này không dành cho những người hời hợt, mà chỉ dành cho những người có đủ tâm huyết và sự kiên trì để đào sâu vào kho tàng di sản văn hóa dân tộc.

Tuy nhiên, những giá trị mà "cuộc viễn chinh" này mang lại là vô cùng to lớn và mang tính chiến lược lâu dài. Thứ nhất, nó kiến tạo nên một dòng chảy âm nhạc độc bản, một "đại lộ văn hóa" riêng biệt của Việt Nam trên bản đồ âm nhạc thế giới.

MV "Bắc Bling" với phần trình diễn của NSƯT Xuân Hinh - ca sĩ Hòa Minzy và Tuấn Cry:

Trong một thế giới phẳng, nơi các nền văn hóa có nguy cơ xói mòn và đồng nhất, việc khẳng định bản sắc dân tộc là một yếu tố sống còn. Thứ hai, nó khơi dậy niềm tự hào và tình yêu văn hóa trong lòng thế hệ trẻ, những người đang đứng trước ngưỡng cửa của hội nhập. Đây là cách thức hữu hiệu để họ "cắm neo" bản sắc, để họ hiểu rằng hội nhập không đồng nghĩa với hòa tan.

Cuối cùng, việc phát huy văn hóa dân gian trong nhạc nhẹ là một sự đầu tư cho tương lai. Đó là một sự đầu tư vào sức mạnh mềm của quốc gia, vào khả năng lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới. Một bản sắc văn hóa vững mạnh chính là một "vốn liếng" quý giá, là nền tảng để Việt Nam tự tin sánh bước cùng bạn bè quốc tế.

Trung tá - Giảng viên Bùi Thị Thu Huyền (Ca sĩ Nhật Huyền)

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm