14/12/2014 06:02 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 13/12, Sở VH,TT&DL tỉnh Lào Cai phối hợp với Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (ISEE) tổ chức hội thảo khoa học “Chữ Mông ở Việt Nam: Thực trạng sử dụng, phổ biến và vai trò trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”.
Tiếng Mông là tiếng nói của 12 triệu người Mông đang sinh sống khắp nơi trên thế giới. Hiện nay đang tồn tại nhiều loại chữ Mông khác nhau nên vấn đề đặt ra là cần có một tiếng nói và chữ viết chung thống nhất cho người Mông.
Từ khi có Chỉ thị 38/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc, miền núi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành chương trình dạy tiếng Mông cho cán bộ công chức. Tuy nhiên trên thực tế tại các địa phương, việc dạy và học chữ Mông có những bất cập, không thống nhất giữa việc biên soạn và sử dụng các bộ giáo trình giảng dạy tiếng Mông, không thống nhất giữa việc sử dụng và phổ biến chữ Mông Việt Nam hay chữ Mông Latin (chữ Mông quốc tế).
Kết quả điều tra của Ủy ban Dân tộc thực hiện năm 2014 về thực trạng sử dụng chữ Mông tại các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Điện Biên, Hà Giang và Cao Bằng cho thấy thực trạng và nhu cầu sử dụng chữ Mông quốc tế cao hơn nhiều so với chữ Mông Việt Nam.
Vì vậy, hầu hết các ý kiến đưa ra tại hội thảo đều cho rằng Nhà nước cần sớm chính thức công nhận và đưa vào sử dụng chữ viết chung cho người Mông ở Việt Nam, tất cả vì mục tiêu hướng tới sự phát triển và khám phá, bảo tồn những giá trị văn hóa đặc sắc và độc đáo của cộng đồng người Mông cũng như việc xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Hương Thu - TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất