Phát hiện mới về bức tượng gỗ cổ nhất thế giới

06/04/2021 12:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Những phát hiện mới về Shigir, bức tượng gỗ lâu đời nhất thế giới đang nằm tại Nga, đã mở ra hàng loạt câu chuyện về thời tiền sử.

Ngắm những bức tượng quý của Mỹ thuật cổ Phật giáo và Hindu giáo

Ngắm những bức tượng quý của Mỹ thuật cổ Phật giáo và Hindu giáo

76 hiện vật được trưng bày ở Chuyên đề “Mỹ thuật cổ Phật giáo và Hindu giáo khu vực phía Nam” đem đến những ấn tượng cho người xem.

Trước đó, các nhà khảo sát lần đầu tiên phát hiện bức tượng Shigir ở bên dưới của một vũng lầy than bùn gần Kirovgrad thuộc dãy núi Ural của Nga vào năm 1890.

Phát hiện thế kỷ

Vật thể độc nhất vô nhị này là một cột gỗ cao 2,8m bao gồm 10 mảnh gỗ được chạm khắc hình khuôn mặt, mắt và chân tay đầy biểu cảm và được trang trí bằng các hoa văn hình học. Đến giờ, nó vẫn được coi là tác phẩm nghệ thuật có tính nghi lễ bằng gỗ lâu đời nhất được biết đến trên thế giới.

Bức tượng Shigir, đặt tên theo vũng lầy nơi nó được tìm thấy, được cho là đã nằm yên trên một tảng đá trong khoảng 2-3 thập kỷ trước khi đổ nhào xuống một hồ cổ sinh, nơi các đặc tính kháng khuẩn của than bùn vô tình đã bảo vệ nó. Vào giữa thế kỷ 19, vàng được phát hiện dưới bãi lầy và chủ đất, bá tước Alexey Stenbok-Fermor, đã thuê nhân công khai thác quặng ngoài trời. Ông yêu cầu họ giữ bất kỳ đồ vật nào khác mà họ khai quật được.

Chú thích ảnh
Bức tượng gỗ đang được trưng bày trong Bảo tàng Địa phương Lore khu vực Sverdlovsk (Nga)

Sau khi phát hiện, những mảnh gỗ này được chở bằng xe bò qua 60 dặm đến Yekaterinburg. Tiếp đó, bá tước Alexey Stenbok-Fermor đã tặng lại chúng cho Hiệp hội Khoa học Tự nhiên Ural (ngày nay là Bảo tàng Địa phương Lore khu vực Sverdlovsk) kèm theo các hiện vật cổ khác như đầu mũi tên bằng xương, dao găm bằng xương có rãnh, một chiếc gạc nai sừng tấm được đánh bóng...

Giám đốc của bảo tàng khi ấy đã cho phép Dmitry Lobanov, một nhà khảo cổ học đầy tham vọng, lắp ráp các mảnh gỗ chính thành một hình người cao 2,8m với 2 chân bắt chéo. Tác phẩm điêu khắc đã đứng trong viện bảo tàng hơn 100 năm và trong một thời gian dài, không ai biết chính xác tuổi của nó. Suốt hơn 1 thế kỷ ấy, Shigir luôn gợi sự tò mò với những phỏng đoán về độ tuổi khoảng vài ngàn năm.

Nhưng hơn 1 thế kỷ sau khi được phát hiện, các nhà khảo cổ tiếp tục khám phá ra những điều bất ngờ về hiện vật đáng kinh ngạc này. Cụ thể, vài tháng trước, Thomas Terberger - học giả về thời tiền sử tại Đại học Gottingen ở Đức - và các đồng nghiệp của ông đã viết trên tạp chí Quaternary International hồi tháng 1, rằng nghiên cứu mới cho thấy tác phẩm điêu khắc này có tuổi thọ lâu hơn khá nhiều so với những phỏng đoán trước đây.

Cụ thể, dựa trên phân tích sâu rộng, nhóm của Terberger ước tính rằng vật thể này có khả năng được làm ra cách đây khoảng 12.500 năm, vào cuối kỷ Băng hà. Các nhà sáng tạo cổ đại của nó đã chạm khắc tác phẩm từ 1 cây thông rụng lá với 159 vòng sinh trưởng, nghĩa là cây thông đó có niên đại ít nhất là 159 năm khi những người thợ mộc cổ đại bắt đầu tạo hình.

“Bức tượng được tạc trong thời kỳ biến đổi khí hậu lớn, khi những khu rừng sơ khai trải dài đã trở nên ấm áp hơn trong thời kỳ băng giá” - Terberger nói với New York Times - “Cảnh quan đã thay đổi và nghệ thuật thiết kế tượng hình với những con vật tự nhiên được vẽ trong hang động hoặc chạm khắc trên đá xuất hiện. Có lẽ, bức tượng này được sáng tạo với mục đích nói về những khó khăn trong môi trường sống khi ấy”.

Chú thích ảnh
Những mảnh gỗ này đã bị chôn vùi trong đầm lầy than bùng hàng nghìn năm

Theo Sarah Cascone của Artnet News, những phát hiện mới cho thấy tác phẩm nghệ thuật hiếm này hình thành trước Stonehenge - các cột đá nổi tiếng được dựng lên ở Anh cách đây khoảng 5.000 năm trước - tới hơn 7.000 năm. Nó cũng nhiều tuổi gấp đôi các kim tự tháp Ai Cập - vốn có niên đại khoảng 4.500 năm trước.

Như tờ Times đưa tin, các nhà nghiên cứu đã tranh cãi về tuổi của tác phẩm điêu khắc Shigir trong nhiều thập kỷ. Vào năm 1997, các nhà khoa học Nga đã xác định niên đại của tác phẩm điêu khắc gỗ này là vào khoảng 9.500 năm trước. Tuy nhiên, phân tích carbon phóng xạ của họ đã bị một số nhà khoa học chế nhạo. Một số người thậm chí còn cho rằng bức tượng là đồ giả mạo.

Vào năm 2018, các nhà khoa học bao gồm Terberger đã sử dụng công nghệ phổ khối gia tốc (thực hiện phân tích các phần tử vật chất theo khối lượng và điện tích hạt) để lập luận rằng vật thể bằng gỗ này khoảng 11.600 năm tuổi. Giờ đây, kết quả nghiên cứu mới nhất của nhóm đã đẩy niên đại của nó xa hơn nữa.

Định hình lại thời tiền sử

Trước đó, nhà nghiên cứu Terbergerđã bay đến Moskva (Nga) để cùng đồng nghiệp của mình - nhà khảo cổ học người Nga Mikhail Zhilin -xúc tiến hành trình đến Bảo tàng Bảo tàng Địa phương Lore trên dãy núi Ural - nơi bức tượng Shigir đang được lưu giữ.

Theo Terberger, các biểu tượng phức tạp được chạm khắc trên bề mặt gỗ của vật thể cho thấy rằng người ta tạo ra nó như một tác phẩm “nghệ thuật di động” gắn vớiý nghĩa nghi lễ. Còn Svetlana Savchenko, người phụ trách hiện vật tại Bảo tàng Địa phương Lore khu vực Sverdlovsk, nói với tờ Times rằng, 8 khuôn mặt có thể chứa các ý tưởng được mã hóa về một huyền thoại nào đó, hoặc ranh giới giữa trái đất và bầu trời.

Chú thích ảnh
10 mảnh gỗ chạm khắc được tìm thấy cùng cột gỗ

“Việc chế tác gỗ có lẽ đã phổ biến trong cuối thời kỳ Băng hà” - các tác giả viết trong bài báo năm 2018 - “Chúng tôi xem tác phẩm điêu khắc Shigir là tài liệu về một hành vi tín ngưỡng phức tạp và về thế giới tâm linh trong thời gian từ kỷ Băng hà đến đầu thời kỳ đồ đá cũ ở Ural. Và tác phẩm này cho thấy các hình thức thể hiện ý tưởng và tương tác xã hội đã xuất hiện thông qua việc sử dụng những chất liệu gỗ.

Tờ Science Alert nhận định, việc tác phẩm này tồn tại cho đến thời hiện đại là một điều kỳ diệu. Điều này bắt nguồn từ môi trường axit, kháng khuẩn của đầm lầy than bùn của Nga đã bảo tồn cấu trúc bằng gỗ trong nhiều thiên niên kỷ.

Joao Zilhao, một học giả tại Đại học Barcelona, nói với Times rằng sự tồn tại của tác phẩm bằng gỗ này nhắc nhở các nhà khoa học về một sự thật quan trọng: Việc thiếu vắng bằng chứng về nghệ thuật cổ đại không có nghĩa là nó chưa từng tồn tại. Thay vào đó, nhiều người cổ đại đã tạo ra các đồ vật nghệ thuật từ những vật liệu dễ hư hỏng, không thể chịu được thử thách của thời gian và do đó đã bị giới khảo cổ... bỏ quên.

Còn giờ đây, khi tác phẩm điêu khắc Shigir đã được xác định lại niên đại, người ta đã có nền móng để tin rằng nghệ thuật và văn hóa không chỉ xuất hiện trong những thời điểm nổi bật của quá trình tiến hóa của loài người. Thay vào đó, những khái niệm trừu tượng như nghệ thuật đã tồn tại xuyên suốt mọi thời điểm, khi con người tồn tại.

Việt Lâm (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm