22/11/2022 17:32 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Việc giải quyết công việc ngoài giờ, tăng ca diễn ra rất phổ biến và gần như nhân viên cũng không còn “lạ lẫm” khi nhận tin nhắn giao việc của sếp vào thời gian ăn uống, nghỉ ngơi thậm chí là nửa đêm.
Gen Z được biết đến là thế hệ linh hoạt, thích tự do, tôn trọng sự khác biệt và nói không với việc bị ràng buộc trong khuôn khổ. Họ sẽ không hoàn toàn nghe theo lời lãnh đạo, không chấp nhận mọi yêu cầu công việc nếu không cảm thấy hợp lý. Vậy trong trường hợp sếp yêu cầu tăng ca, giải quyết công việc ngoài giờ làm việc, các bạn trẻ gen Z sẽ phản ứng như thế nào?
Áp lực với việc phải làm ngoài giờ
Bạn T.N.T, sinh năm 2000, đang là nhân viên văn phòng ở Hà Nội cho biết bản thân rất áp lực với công việc hiện tại, nhất là với việc phải làm thêm giờ. T.N.T chia sẻ: “Nghe làm văn phòng mọi người thường nghĩ làm thời gian cố định sáng 9h đi chiều 5h nhưng thực tế thì khác, hợp đồng trả lương làm tới 17h nhưng chẳng có hôm nào mình về trước khi trời tối. Có những hôm mình gặp khách hàng tới 7-8h tối, sau đó lại họp tới hơn 10h”.
“Một tuần mình có 1 ngày nghỉ, nhưng mình vẫn “tự nguyện” tăng ca vào ngày nghỉ đó vì văn hóa công ty mọi người đều như vậy. Nếu mình không đi sẽ bị coi là lười nhác, và đặc biệt là tăng ca không lương. Cứ như vậy mình sống ở công ty mà chẳng có thời gian cho bất cứ chuyện gì khác ngoài công việc, cũng chẳng có thời gian gặp gỡ ai. Mình nghĩ cơ hội và thu nhập hấp dẫn rất quan trọng, nhưng nó có thực sự làm mình và những người xung quanh mình vui vẻ hơn không? Đó là điều mình cực kỳ áp lực và đôi lúc cảm thấy trống rỗng, mông lung nữa”, T.N.T nói thêm.
Giống với T.N.T, K.A (sinh năm 1999), hiện làm ở một công ty về truyền thông cũng thường xuyên rơi vào trạng thái áp lực, căng thẳng do tính chất công việc bận rộn, thường phải tăng ca, làm thêm giờ. K.A chia sẻ: “Khi mệt mỏi như vậy, mình lại có suy nghĩ nhảy việc. Tuy nhiên mình nghĩ không có công việc nào nhàn hạ cả, và đây cũng là công việc mà mình yêu thích nên mình sẽ cố gắng để vượt qua những cảm xúc yếu đuối lúc đó”.
Phản ứng khi sếp nhắn tin giao việc ngoài giờ
Việc làm ngoài giờ, tăng ca vốn rất phổ biến ở các công ty và gần như nhân viên cũng không thấy “lạ lẫm” mỗi khi nhận tin nhắn giao việc ngoài giờ của sếp, kể cả vào thời gian ăn uống, nghỉ ngơi thậm chí là nửa đêm. T.N.T cho biết điều này xảy ra thường xuyên với cô. T.N.T cảm thấy sếp làm vậy thường xuyên là không nên, điều này dễ làm cho nhân viên như cô cảm thấy áp lực và khó chịu. Trước mỗi lần nhận tin nhắn hay yêu cầu làm thêm việc ngoài giờ từ sếp, nếu công việc thật sự quan trọng.
“Có lúc mình cảm thấy quá mệt nên đã “mặc kệ” tin nhắn của sếp. Vì lúc ấy mình có ở lại làm thì công việc cũng không hiệu quả và cũng chưa cần gấp nên hết giờ là mình về sớm nghỉ ngơi”, T.N.T nói.
Còn với Khánh Linh (sinh năm 1996), đang làm Business Analyst tại một công ty công nghệ ở Hà Nội thì việc tăng ca hay làm thêm giờ không diễn ra quá nhiều. Trước mỗi lần sếp yêu cầu tăng ca hoặc nhắn tin giao việc ngoài giờ, Linh cho biết, phản ứng của cô còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: tính chất công việc, thái độ giao việc của sếp, môi trường làm việc, đồng nghiệp xung quanh…
“Mình nghĩ mỗi lần như vậy cứ chia sẻ thẳng thắn, rõ ràng và có đủ căn cứ với sếp. Vì một người sếp thông minh và nắm bắt tâm lý con người tốt, sẽ không để nhân viên như mình chịu thiệt thòi. Mình cũng rất thương và đồng cảm với sếp mình bởi sếp rất thương nhân viên. Nên nếu sếp mình yêu cầu làm thêm ngoài giờ, mình sẵn sàng tinh thần. Vì chắc lúc này là sếp cũng đang rất đau đầu để giải quyết công việc”, Khánh Linh nói.
Nguyễn Đức (sinh năm 2001) cũng đã quen với việc phải tăng ca hay hoàn thành những công việc sếp giao vào ngoài giờ làm việc. Đức nói: “Thông thường mình sẽ chấp nhận nếu đó là khoảng thời gian mình đang rảnh, có thể làm được. Thế nhưng, nếu là việc không thể thực hiện hoặc quá gấp thì mình sẽ xin gia hạn vào sáng hôm sau. Chuyện giao việc gấp là chuyện có thể hiểu được vì do tính chất công việc. Đôi lúc mình sẽ từ chối thẳng vì lý do không thể xoay kịp hoặc bảo thẳng vì sao mình không thể làm được giờ này”.
Còn K.A, cô thẳng thắng chia sẻ, cô không muốn làm ngoài giờ, bởi đây là thời gian dành cho gia đình, bản thân sau 8 tiếng chỉ xoay quanh công việc. Thế nhưng nếu sếp giao việc ngoài giờ làm, K.A sẽ nhận trong trường hợp đó là việc gấp, hợp lý và tiện để cô làm.
Không muốn làm việc ngoài giờ nhưng vẫn chấp nhận vì…
Phần lớn trong các hợp đồng lao động của nhân viên văn phòng đều quy định giờ làm việc là trong giờ hành chính. Nhưng trên thực tế, nhiều trường hợp nhân viên phải đứng trước áp lực thực hiện công việc mọi lúc, kể cả ngoài giờ làm việc. Trong nhiều trường hợp, làm thêm ngoài giờ là cần thiết. Tình huống như việc khẩn cấp, quan trọng… có thể khiến nhân viên phải làm thêm sau giờ làm việc.
Nhưng trước những yêu cầu làm việc ngoài giờ không mấy cần thiết, nhiều nhân viên không muốn làm nhưng vẫn phải chấp nhận bởi nhiều lý do. T.N.T chia sẻ: “Đôi khi những trường hợp làm thêm giờ vô lý nhưng nhân viên vẫn chấp nhận vì quý và muốn giúp đỡ sếp mình, đôi khi lại vì sợ mất điểm trong mắt sếp, bị cho là “lười” trong mắt đồng nghiệp”.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, K.A nói: “Mình nghĩ có một bộ phận người lao động “chấp nhận” vì họ không thể từ bỏ công việc với những yêu cầu làm ngoài giờ như thế vì không có lựa chọn nào khác, họ sợ sẽ không biết làm gì nếu nghỉ việc. Hoặc có thể những yêu cầu ấy chưa vượt quá giới hạn và họ vẫn có thể đáp ứng được”.
Còn Khánh Linh, cô cho rằng nhân viên không muốn làm nhưng vẫn chấp nhận vì: “Không thấy người khác đòi quyền lợi, mình cũng không dám đứng lên đòi quyền lợi cho bản thân. Chấp nhận vì mình còn quá non, chưa đủ tự tin, chưa đủ năng lực, sợ mình còn nhiều thiếu sót mà đã đòi hỏi”.
Để thoải mái cần có điều kiện kèm theo
Để việc sếp giao việc ngoài giờ làm hay làm thêm giờ, tăng ca của nhân viên cảm thấy thoải mái, vui vẻ hơn, một số điều kiện đi kèm, quyền lợi tương xứng dành cho nhân viên là điều cần thiết.
Khánh Linh cho rằng, môi trường làm việc vô cùng quan trọng. Các sếp cần ghi nhận nỗ lực của nhân viên với công việc nói chung và việc làm thêm giờ nói riêng, đồng nghiệp vui vẻ hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau tiến bộ vươn lên thì nhân viên cảm thấy thoải mái và đồng hành lâu dài. “Còn nếu OT trong nước mắt với các khách hàng khó tính, rồi sếp lại còn kêu cắt giảm hết chi phí OT, văn hóa công ty là phải hy sinh, cống hiến hết mình, cùng lúc đồng nghiệp hay tranh cãi, gắt gỏng với nhau thì nhân viên dễ dàng “nhảy việc” luôn”, Linh nói thêm.
Nguyễn Đức chia sẻ, việc làm ngoài giờ cần có những điều kiện kèm theo bởi điều này sẽ giúp tinh thần nhân viên cảm thấy thoải mái hơn. “Còn việc tăng chi phí mình nghĩ sẽ là tùy trường hợp, nhưng nếu tăng thì làm việc sẽ vui chứ”, Đức nói.
T.N.T chia sẻ: “Để nhân viên cảm thấy thoải mái và hoàn thành công việc hiệu quả hơn, ngoài hỗ trợ về lương thưởng, mình nghĩ công ty nên quan tâm nhiều hơn tới đời sống tinh thần của nhân viên. Có thể là sau những giờ làm việc căng thẳng, chúng mình sẽ được nghỉ bù hay có thêm 1 số hoạt động giải trí, thư giãn. Còn việc trả thêm chi phí cho tăng ca là cần phải có, nhân viên bỏ ra thời gian, công sức và được nhận thêm là hoàn toàn đúng đắn”.
“Công việc là quan trọng và cuộc sống cá nhân ai cũng có, sau giờ làm là khoảng thời gian cần thiết để nhân viên nghỉ ngơi và tái tạo năng lượng làm việc. Hai bên làm việc dựa trên sự thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau thì sẽ hiệu quả và bền lâu hơn”, T.N.T bày tỏ.
Gen Z có đáng bị chỉ trích khi đăng các video chia sẻ cảm xúc tiêu cực của mình lên mạng xã hội?Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất