(TT&VH) - Đó là lời khẳng định của Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL Trần Chiến Thắng trong buổi họp thông báo kết quả kiểm tra việc thực hiện Luật Di sản Văn hóa tại một số di tích văn hóa lịch sử phía Bắc. Có đầy đủ đại diện của Bộ VH,TT&DL, Cục Di sản Văn hóa và Đoàn thanh tra, cuộc họp diễn ra trong bối cảnh dư luận thời gian qua đã lên tiếng khá nhiều về những sự cố trong quá trình trùng tu, tôn tạo di tích.
Sai sót có nhiều, nhưng chỉ là... chi tiết?
Quá trình kiểm tra trên được triển khai từ giữa tháng Tư, tại 15 di tích thuộc những tỉnh phía Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Hà Nội... Bản đánh giá sơ bộ của Đoàn kiểm tra đưa ra những nhận xét tích cực về các di tích tại tỉnh Nam Định (đình Sùng Văn, chùa Keo, đền thờ Trạng Nguyên Nguyễn Hiền). Theo đó, việc trùng tu các di tích tại địa phương này được cho là thực hiện tốt các quy định của Luật Di sản, từ việc lập hội đồng thẩm định, làm tư liệu, bảo vệ di tích trong quá trình trùng tu, tận dụng tối đa các cấu kiện còn dùng được, tích cực xin ý kiến của Cục Di sản... Ngoài ra, ở các tỉnh còn lại, Đoàn kiểm tra đều phát hiện nhiều sai sót. Điển hình, tại Bắc Ninh, đơn vị trùng tu đền Đô đã tự ý để hai con sư tử đá trước cửa đền, đồng thời bắc đèn trùm trong nội tự. Tại chùa Dâu, mái ngói nhà tiền thất đã bị xô, dẫn đến dột cục bộ, đồng thời nhiều hộ dân trong dự án chưa được giải tỏa. Tại Bắc Giang, ở chùa Bổ Đà, máng nước được xây xối vào tường di tích, nhà vệ sinh không đặt đúng thiết kế và dự án, mộ được xây thành lăng trong vườn tháp của Chùa...
Chùa Trăm gian
Cũng theo bản đánh giá sơ bộ này, về những di tích được dư luận đặc biệt “mổ xẻ” mạnh trong thời gian qua như chùa Trăm Gian, đình Mông Phụ, đền Và, chỉ có việc tu bổ tại chùa Trăm Gian là sai phạm nghiêm trọng nhất. Theo kết quả kiểm tra, trong quá trình thi công tại đây, chủ đầu tư đã không lập hồ sơ thiết kế chi tiết gửi lên Cục Di sản Văn hóa. Bởi vậy, sau khi thi công, kỹ thuật, kiến trúc nghệ thuật của một số hạng mục đã không được gìn giữ đúng với nguyên gốc, đặc biệt các gian tả vu, hữu vu, nhà ngự, kè hồ... tuy xây mới nhưng không hề được báo cáo. Còn lại, trường hợp của đền Và chỉ là: “Việc tổ chức thi công chưa khoa học, tự động tháo dỡ tường, đưa 2 con sư tử đá vào đền không phù hợp với kiến trúc, gây phản cảm”. Bức tường mới tinh bao quanh đình Mông Phụ cũng được kết luận: “Việc sử dụng mạch vữa trên tường đá ong không đúng kỹ thuật”...
Theo kết luận chung của đoàn kiểm tra, các dự án trùng tu, tôn tạo bằng nguồn vốn công đức, thậm chí bằng nguồn vốn của địa phương thường không thực hiện đúng quy trình tu bổ di tích, kỹ thuật không đảm bảo, yếu tố nguyên gốc của di tích ít được coi trọng như chùa Trăm Gian, chùa Tiêu, đình Xuân Tảo.. Còn lại, các dự án được tu bổ bằng nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa thường được thực hiện tốt, đảm bảo tính nguyên gốc và nâng cao hiệu quả về nghệ thuật kiến trúc. “Sai sót tại những công trình này cũng có, nhưng chỉ là chi tiết nhỏ và cơ bản đã được khắc phục” - ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ VH, TT&DL, cho biết.
Sẽ có quy định về quy trình tu bổ các kiến trúc bằng gỗ
Nói về nguyên nhân của những sai sót này, Thứ trưởng Trần Chiến Thắng cho biết: đa phần, đó là do việc thiếu kinh nghiệm và chuyên môn khi trùng tu di tích. Cơ chế tu bổ di tích hiện nay vốn rất hạn chế trong việc chỉ định thầu, mà thường thiên về đấu thầu. Do vậy, tại những địa phương tự tổ chức trùng tu, gói thầu thường thuộc về những đơn vị đưa ra mức giá phù hợp với điều kiện kinh phí, nhưng lại chưa có kinh nghiệm về tu bổ di tích.
Sắp tới, Bộ VH, TT&DL sẽ chú ý hơn tới vấn đề này. Một mặt, việc chỉ định thầu khi tôn tạo di tích có thể sẽ được khuyến khích hơn. Mặt khác, Bộ cũng sẽ xem xét việc xây dựng quy trình chuẩn về việc tu bổ các kiến trúc gỗ. Ngoài việc tuân thủ hợp lý quy trình, người thực hiện công việc này nhất thiết phải có chuyên môn vững, thậm chí là có chứng chỉ hành nghề của Bộ - ông Thắng cho biết.
Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, cho biết: chúng tôi và Viện Bảo tồn di tích đang phối hợp xây dựng bản góp ý sửa đổi Luật Di sản. Chẳng hạn, theo luật xây dựng cơ bản, việc tu bổ sửa chữa các công trình phải tuân thủ thời gian tối đa là 2 năm. Trong khi đó, tại Nhật Bản và phương Tây, nhiều di tích có thể được triển khai tu bổ trong thời gian vài chục năm theo mô hình vừa nghiên cứu vừa tôn tạo. Ngoài ra, việc tôn tạo di tích cũng cần cho phép điều chỉnh dự toán ban đầu ( Luật xây dựng cơ bản hiện không cho phép). Bởi, thực tế cho thấy, nhiều công trình sau khi hạ giải toàn bộ mới có thể đánh giá cụ thể về mức độ hư hỏng cần được tu bổ.
Hoàng Nguyên