Khi bà cụ tham gia giao thông…

23/12/2010 16:44 GMT+7

(TT&VH Cuối tuần) - Nghe nói người Anh cứ gặp nhau, mở đầu câu chuyện bằng nói chuyện thời tiết. Vậy thì tôi đoán chắc ở ta giờ này cứ ra khỏi nhà là nói chuyện…tham gia giao thông.

Đơn giản, bởi vì, bây giờ cứ ra khỏi nhà, tức là bạn đi đâu đó chứ gì. Ngày trước, đơn giản là “tôi đi”, “tôi đi làm”, “tôi đi bát phố”…, thay vì chào nhau kiểu người Anh, người Mỹ, lúc nào “Anh cũng khỏe không” thì người Việt chào nhau bằng “đi đâu đấy”. Qua đó chứng tỏ người Việt đi rất nhiều, có lẽ vào loại… nhất thế giới. Bạn không tin à? Cứ thử loanh quanh sang mấy nước Lào, Thái, Malaysia, Singapore mà xem: trước 10 giờ sáng (thậm chí ở Manila, thủ đô Philippines trước 11 giờ sáng) hầu như chả cửa hàng nào mở, đường phố loe ngoe người. Còn TP.HCM á, cứ là 5 giờ sáng phi xe ra đường là đã thấy cả dòng người đang tham gia giao thông, muộn hơn tí nữa thì đã chuẩn bị có kẹt xe rồi!

Thanh niên thành phố thời nay có trào lưu đi xa, đi bụi, gọi là “phượt”. Các cậu trai ấm cật rửng mỡ có trào lưu xách xe đi bát phố gọi là “lượn”. Dữ dội hơn, nhóm ham mê tốc độ gọi là “bão”. Còn người bình thường thì “tham gia giao thông”. Để thấy, cả một dân tộc mê đi như thế nên các chương trình phát thanh (và cả truyền hình nữa) giao thông phát triển là chuyện đương nhiên, mà chỉ cần nghe đến tên chương trình thôi, bạn đã biết được nó quan trọng như thế nào: Giao thông 24 giờ (thế là đi nguyên ngày trọn đêm còn gì), Giờ cao điểm (gọi thế cho sang chứ bây giờ, giờ cao điểm chỉ có một là tất cả các giờ trong ngày - nhại lại câu TP.HCM chỉ còn một điểm ngập duy nhất là toàn thành phố), Xe hỏng tìm ai (để chữa cho nhanh còn đi tiếp)… Phải công nhận sức hút của các chương trình này rất mạnh. Nghe nói thời gian gần đây thị trường băng đĩa nhạc tiêu thụ ỉu xìu, ai cũng bảo do nhạc dở, nhưng tôi chắc chắn có một nguyên do ít người nhắc tới chính là sự cạnh tranh của Giao thông 24 giờ. Thay vì bật một khúc nhạc du dương khi lên xe, tài xế giờ đây ai cũng lo bật kênh giao thông trong ngày để nghe các thông báo kịp thời về tình trạng đường sá thông thoáng hay tắc nghẽn, chưa phát hiện hay vừa phát hiện hố tử thần, khô ráo hay ngập nước, dây điện có đứt chăng ngang đường hay không.v.v..., để còn biết cách mà đi, mà tránh.

Ngoài ra, bật kênh radio này lên bạn còn có cơ hội giao lưu nữa, mà nhu cầu giao lưu thì ngày càng phát triển, hễ ở đâu muốn vui phải có giao lưu. Anh A. đang lái xe trên xa lộ Hà Nội đoạn ngã ba Cát Lái muốn nhắn gửi tới em gái hàng xóm bài hát Giữa người ấy và tôi em phải chọn. Em sinh viên ở Thủ Đức gửi lời chúc anh trai vững vàng tay lái đường xa. Nhân tiện giới thiệu tên tuổi, nghề nghiệp, địa chỉ kèm số điện thoại. Cũng có thể nhân tiện tìm bạn phương xa. Vì mệt mỏi căng thẳng với đường kẹt, xe đụng, nên người ta cần có tí nhạc. Vì ngồi lâu trên xe chờ đèn xanh đèn đỏ hoặc chờ thông đường, người ta cần tí giao lưu. Cho nó quên đỡ chuyện kẹt xe. Vì vậy kênh giao thông này còn có lợi ích xả xì trét nữa.

Nhưng cũng có những hôm, vừa nghe giao lưu vừa run, khi biết không ít tài xế vừa lái xe vừa gọi điện thoại tới chương trình để buôn chuyện hoặc yêu cầu gửi bài hát tặng ai đó. Có anh thật thà khai mình vừa lái xe vừa gọi điện thoại (!), khiến cô MC dễ thương phải vội vàng nhắc nhở anh tạt xe vào lề rồi hẵng yêu cầu tiếp! Chả biết anh có nghe lời nhắc nhở của cô không, nhưng vào những lúc như thế, nghĩ tới cảnh mấy xe tải mất thắng ở ngã tư đèn đỏ đông người… rùng cả mình! Tất nhiên ai cũng biết, nhờ điện thoại di động mà mọi người nghe đài khắp nơi cập nhật được tình hình giao thông thành phố. Song chắc không nhiều người biết điện thoại di động cũng là một trong “10 kẻ thù tiếp tay gây tai nạn xe hơi". “Nói chuyện trên điện thoại di động hoặc nhắn tin chắc chắn là điều tồi tệ nhất mà bạn làm khi bạn đang lái xe. Khi lái xe, nếu nghe điện thoại di động sẽ khiến cho bạn bị mất tập trung, thiếu quan sát và đó là nguyên nhân xảy ra tai nạn”!

Ấy vậy nhưng “nếu dùng điện thoại di động thuê bao Vinafone tham gia chương trình thì chẳng những miễn cước gọi đến mà còn có cơ hội trúng thưởng đặc biệt của chương trình…”, giọng cô MC mời chào hấp dẫn. Chỗ nào quảng cáo khuyến mại trúng quà nghe cũng đều hấp dẫn, có điều sự hấp dẫn của chương trình khuyến mãi này “ngẫm mà kinh”!

Riêng tôi, từ ngày có chương trình radio giao thông, đã thay đổi một thói quen: chuyển từ động từ “đi” đơn giản, ngắn gọn trước đây sang động từ “tham gia giao thông” nghe trang trọng và hoành tráng, theo gương các anh chị phát thanh viên. Kể ra nghe có hơi dài dòng văn tự một tí, nhưng hiện đại, văn minh hơn hẳn. “Các phương tiện giao thông ở ngã tư cần chú ý dừng lại khi bà cụ tham gia giao thông…”, rõ là nghe oai hẳn. Không chỉ oai, nó còn cho thấy trách nhiệm của mỗi cá nhân trong bối cảnh giao thông phải vì cộng đồng hiện nay. Anh đi, tôi đi, nó đi…, cái thời “đường ta ta cứ đi” qua rồi. Bây giờ, đi có nghĩa là anh tham gia giao thông đấy nhé. Mà tham gia vào một việc có nghĩa anh phải có trách nhiệm với việc mình tham gia và trách nhiệm cả với những người cùng tham gia với anh. Có gọi điện giao lưu hay báo kẹt đường thì cũng phải tấp xe vào lề an toàn chứ đừng để xe mất lái, đứt phanh chết bà con.

Tham gia giao thông là như thế. Hoan hô bà cụ tham gia giao thông!

Phan Ka

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm