Số phận Thể Công sau khi bị xóa tên: Nếu bán, cũng là một nỗi đau!

18/10/2009 10:16 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Sau khi đội bóng Công an Hà Nội bị xóa khỏi bản đồ BĐVN, người ta vẫn nhớ rằng, HNACB đã thâu tóm đội bóng truyền thống mà một thời là niềm tự hào của người Thủ đô. Nếu Thể Công (giờ mang tên Viettel) cũng được HNACB mua lại, sau này ai dám chắc, người ta sẽ quên đội bóng 55 tuổi này chính là HNACB?

Đó có thể là một niềm tự hào, nhưng cũng có thể là sự hổ thẹn. Giữa sự mong manh và chấp chới ấy, cũng không phải không có giải pháp.

Khi lãnh đạo Bộ Tổng tham mưu quyết định xóa tên Thể Công, một trong những mục tiêu của nó là lưu giữ sự tôn trọng một cái tên với bề dày truyền thống và trong suốt nhiều giai đoạn đã là niềm tự hào của thể thao quân đội.

Số phận của Thể Công (trái) vẫn chưa rõ ràng và tất cả vẫn chỉ là một từ “chờ đợi”. Ảnh: VSI

Thế thì những động thái tiếp theo thời hậu đổi tên xem ra cũng phải được dựa trên tinh thần ấy, chứ không thể là sự đối xử như những đội bóng bình thường khác.

Thương hiệu Thể Công không phải để bán. Thương hiệu bóng đá Viettel nếu đem ra đổi chác có lẽ cũng không hẳn là một sự lựa chọn khôn ngoan nếu xét về tầm mức của nó.

Còn bán để lấy tiền, vớt vát lại chút ít sau những khoản đầu tư đã đổ vào bóng đá trong khoảng 5 năm qua ư? Càng không cần thiết. Đúng là năm qua Thể Công đã được Viettel rót hơn 75 tỉ đồng, nhưng nó chỉ là con số rất nhỏ so với tiềm lực tài chính của họ (người ta ước tính nuôi bóng đá cũng chỉ ngang bằng với chi phí Viettel tham gia tổ chức chương trình Chúng tôi là chiến sĩ). Mà tiền đầu tư vào bóng đá đồng nào, Bộ Quốc phòng đã giảm cho Viettel đồng ấy tiền nộp ngân sách.

Vụ mua bán CLB gần đây nhất của BĐVN là Quân khu 7 bán suất của họ cho đội bóng Bộ Công an. Nhưng vụ mua bán mà người ta nhớ nhất là Đồng Tâm Long An bán đội Sơn ĐTLA cho Ninh Bình. Đó là một thương vụ thành công của người bán, khi họ thu về tới 17 tỉ. Nhưng sự đánh giá cao ấy là bởi ĐTLA làm bóng đá để kinh doanh.

Có ý kiến tham mưu từ những người liên quan, rằng nếu đã cất cái tên Thể Công vào tủ kính, thì Viettel cũng nên cất luôn, chôn chặt phần xác của đội bóng ấy. Như thế nó sẽ làm bớt đi những băn khoăn giữa công và tội của một doanh nghiệp đã làm hồi sinh Thể Công những cũng mang cái tiếng là khi quản lý nó thì nó đã bị xóa sổ.

Khi nói về niềm đam mê bóng đá, Tổng Giám đốc Viettel Hoàng Anh Xuân tuyên bố ông muốn đóng góp cho nền bóng đá Việt, nhưng sau 5 năm, ông thừa nhận mình chưa làm được nhiều.

Sự đóng góp trong bóng đá đôi khi là tiền bạc nhưng quan trọng hơn là tạo nền tảng cho sự phát triển sau này.

Ở đây, việc không bán và cũng không tặng cho ai suất tham dự V-League có thể được nhin nhận ở góc độ đó. Người ta sẽ nhìn lại về một thời quá độ của BĐVN từ bao cấp sang doanh nghiệp, nơi mà các đội bóng được chuyển nhượng qua lại dễ như việc mua bán những chiếc xe ô tô cũ.

Nếu Viettel không bán, nghĩa là họ đã đóng góp một ý tưởng và một hành động để BĐVN không trở nên hỗn loạn và những giá trị truyền thống sẽ không dễ dàng được đem ra mặc cả với vài tỉ đồng.

Ai sẽ thế chỗ Thể Công?

Đã có những ý kiến từ phía Cục quân huấn liên quan tới số phận của Thể Công sau khi nó tan rã, rằng suất chơi ở V-League mùa 2010 cần được bỏ lại. Quyết định trao cho đội bóng nào vinh dự ấy, hoàn toàn thuộc về VFF, và tiêu chí xem xét dựa trên yếu tố chuyên môn đơn thuần.

Ở đây, nếu xét về tiêu chí chuyên môn, có những khả năng đặt ra, suất của Thể Công sẽ được trao cho đội bóng đứng thứ 13 ở mùa 2009 (là TP HCM). Hoặc nó có thể dành cho đội bóng đã đứng thứ 3 ở giải hạng Nhất và thua trong trận play-off là Cần Thơ.

Như vậy, ở giải hạng Nhất sẽ chỉ có 13 đội và nó cũng có thể là cơ hội để người ta xem xét tới trường hợp của Sài Gòn Utd. Đội bóng này đã rớt hạng và chuyện liên quan cho tới thời điểm này vẫn chưa được giải quyết xong.

Tuy nhiên, không thể nhìn nhận nó là sự bù trừ cho việc Sài Gòn Utd là đội bị thiệt thòi nhất (mất 6 điểm) sau vụ Thành Nghĩa bỏ cuộc và hủy bỏ kết quả thi đấu, mà nó đơn thuần là chuyện chuyên môn khi ở giải hạng Nhì có tới 2 đội thua trong trận play-off trước 2 đội lên hạng là TDC Bình Dương và Trung tâm Bóng đá Viettel.

Có thể, trong thời gian không dài, Viettel sẽ nhận được những chỉ đạo để quyết định về việc bán đội V-League, hoặc phải bỏ luôn. Sau đó, sẽ là tới phần việc của VFF.

Phạm Tấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm