Chuyện các đội bóng & Thể Công: Xóa đi, rồi thất bại

07/10/2009 13:54 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Công an Hà Nội sau khi chuyển giao thành Hàng không Việt Nam, rồi HNACB, từ một đội mạnh ở V-League trở thành một CLB thường thường ở hạng Nhất. Bây giờ, ngành công an muốn làm lại bóng đá, muốn có một CLB tham dự V-League nhưng chưa đủ lực.

Công an TP HCM đã chuyển giao thành Ngân hàng Đông Á và nay đội bóng ấy cũng bị xóa sổ. Lực lượng còn sót lại của nó đã trở thành một đội bóng khác, không có chất lực lượng vũ trang mà cũng chẳng đại diện cho bóng đá Sài thành, nó là niềm tự hào của người Ninh Bình.

Công an Hải Phòng sau khi chuyển giao mất mấy năm vật lộn để tồn tại, và trong 2 năm gần đây, thành công lớn nhất của đội bóng “hậu duệ” nằm ở khía cạnh thương hiệu.
 
Việc Thể Công chỉ đứng ở vị trí thứ 9 ở V-League 2009 là một thất bại

Chừng đó có lẽ cũng khá đủ để kết luận rằng với những đội bóng thuộc lực lượng vũ trang thì giải tán không phải là một lối thoát.

Bóng đá chuyên nghiệp không có chỗ cho những đội bóng bao cấp. Đó là một thực tế. Nhưng mô hình và cơ chế mà Thể Công đã đạt được dưới thời của Viettel là một sự tiến bộ rất lớn.

Nếu nhìn nhận ở khía cạnh thành tích thì coi việc Thể Công chỉ đứng ở vị trí thứ 9 là một thất bại, cũng chính xác. Nhưng nếu vì thất bại chuyên môn mà giải tán đội bóng, xóa sổ CLB thì hàng năm trên thế giới sẽ có rất nhiều CLB nổi tiếng bị xóa tên.

Tư duy đó cũng không phổ biến ở V-League, nếu không người ta cũng sẽ phải xóa sổ cả những đội bóng như ĐTLA, HAGL. Bởi xét về thành tích thì rõ ràng việc đứng thứ 10 với “Gạch” là một thảm bại, và việc đứng ngoài tốp 5 với đội bóng “98% vô địch” và đã 5 mùa rồi không thể trở lại ngôi vị số 1 như “Gỗ”, là điều không thể chấp nhận.

Bóng đá thế giới, trong đó có khá nhiều nền bóng đá thuộc Đông Âu, đạt tới trình độ phát triển như ngày nay thì cũng đã trải qua các giai đoạn và cấp độ khác nhau, nhưng tiến trình đó không đặt ra yêu cầu phải giải tán, phải xóa tên các đội bóng truyền thống như một điều kiện để vươn lên.
 

Nhớ về lịch sử hào hùng

Trong cuốn sách mà những người lãnh đạo của Thể Công đang chấp bút viết về lịch sử 55 năm tự hào và vinh quang của Đoàn Thể Công (gồm nhiều môn thể thao, đi đầu là bóng đá), có hẳn một chương riêng,viết về sự quan tâm và chăm sóc của các vị lãnh đạo của Bộ Quốc phòng trước kia đối với đĐàn.

Một trong những người chấp bút, ông Nguyễn Sỹ Hiển, cựu cầu thủ, cựu HLV, cựu Trưởng đoàn Thể Công, tự hào khoe với phóng viên bản copy lá thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi tới Đoàn Thể Công. Lá thư viết nhân dịp Đoàn Thể Công kỷ niệm 54 năm thành lập (năm 2008), đánh giá cao những đóng góp làm sáng ngời nền thể thao quân đội.

Khi còn trực tiếp chỉ huy Quân đội Nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới đội bóng Thể Công với những lời động viên kịp thời, chúng trở thành động lực cho từng chiến sĩ cầu thủ phấn đấu.

Cựu thủ môn huyền thoại Thể Công Trần Văn Khánh cũng tự hào kể về những ký ức sống mãi trong ông, trong đó có lần ông được chụp ảnh cùng với Tướng Vương Thừa Vũ. Ông Khánh nhớ rất rõ sự quan tâm đặc biệt của các vị lãnh đạo Bộ Quốc phòng đối với Thể Công chẳng hạn khi ông bị chấn thương, vỡ xương gò má và nằm điều trị ở Viện Quân y 108 thì ông thường xuyên được các vị lãnh đạo ân cần động viên.

Ở góc độ nào đó, có thể nói rằng những vinh quang mà các cựu HLV và cầu thủ Thể Công làm được cho toàn quân và cả đất nước đã được tưởng thưởng bằng sự động viên mà “chỉ nghĩ lại cũng bồi hồi xúc động”. Đồng thời, sự động viên của các vị lãnh đạo cũng chính là động lực giúp Thể Công vươn lên mạnh mẽ và từng là niềm tự hào của quân đội Việt Nam.

Phạm Tấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm