Quan điểm của tôi: Chuyện cũ của Thể Công

20/03/2015 06:00 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Tháng 8 năm 2008, Quốc Vượng, tiền vệ nổi tiếng và tai tiếng của bóng đá Việt Nam, vừa ra tù đã được đón thẳng từ trong trại giam về Thể Công. Những người làm bóng đá Thể Công khi ấy coi nó như một thắng lợi về quan hệ, về triết lý làm bóng đá đầy tính nhân văn.

Vượng "dứt điểm" cái án bán độ đó sớm hơn "hẹn" của tòa mà một phần nhờ sự bảo lãnh. Cũng phải nói là Thể Công khi ấy chỉ là một trong số một vài CLB chủ động dang tay đón Vượng, thế nên việc cựu tiền vệ trụ của U23 Việt Nam chọn Thể Công làm người trong đội bóng lúc đó phấn khích.

Nhưng xét về mặt bóng đá thuần túy lẫn ảnh hưởng thì Quốc Vượng về đội đặt ra nhiều bài toán khó cho Thể Công. Anh chỉ chơi 1, 2 trận ở mức độ vừa phải vì chấn thương, mục tiêu thể thao vậy thất bại.

Nhiều cầu thủ Thể Công sau đấy bị dao động và có những nếp sinh hoạt khác đi nếu không muốn nói là bất thường khiến cho mục đích nêu cao sự nhân văn chìm nghỉm trong những phát sinh về sinh hoạt, kỷ luật đội bóng.

Một đội bóng nổi tiếng với khẩu hiệu "kỷ luật là sức mạnh" như Thể Công ở mùa ấy đi từ chỗ là ứng viên vô địch (như họ kỳ vọng) trở thành một trong những nỗi thất vọng khá lớn của mùa giải.

Khi đó, họ còn đặt mục tiêu phải đưa được những tuyển thủ xuất sắc nhất của bóng đá Việt Nam về đội, nhưng Công Vinh, Minh Đức (cùng từ SLNA) lại chọn những bến đỗ khác. Những diễn biến này bộc lộ ra một hạn chế khác nữa, là những người làm bóng đá Thể Công khi đó cứ tưởng thương hiệu của một đội bóng hơn 50 tuổi khiến cho họ có quyền trả tiền chuyển nhượng rẻ hơn những nơi khác, nhưng nhiều cầu thủ suy nghĩ rất giản đơn, là cứ nơi nào mang lại nhiều lợi ích trước mắt nhất thì họ theo.

Và đáng tiếc nhất là Thể Công khi đó có một thế hệ cầu thủ sinh năm 1987 đầy tài năng và hầu hết đều khá chuẩn mực về tư tưởng cuối cùng mỗi người đi về một hướng mà nhiều người lụi tàn không hẳn là vì chuyên môn.

Thể Công nay không còn. Và có thể sẽ không bao giờ trở lại. Vấn đề không phải là vì Viettel muốn gắn tên doanh nghiệp để làm thương hiệu (trái lại), mà chính đơn vị ở cấp cao hơn quản lý thể thao trong quân đội chỉ muốn cái tên đó được giữ gìn trong bảo tàng như một sự tôn vinh và bảo tồn những năm tháng rực rỡ trong quá khứ.

Cuộc phỏng vấn của người viết với lãnh đạo cao nhất của Trung tâm thể thao Viettel mới đây ghi nhận những thay căn bản trong triết lý và cách làm.

Tháng 4 này, đại diện của Dortmund sang Hà Nội để ký với Viettel có thể là một chương hoàn toàn mới.

Phạm Tấn
Thể thao & Văn hóa

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm