Ở Việt Nam, bóng đá không chỉ là thành tích

09/06/2016 05:57 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Đội trưởng ĐT Việt Nam Lê Công Vinh từng chia sẻ với Thể thao & Văn hoá: “Đến các đội bóng hàng đầu thế giới cũng không thể muốn thắng ai thì thắng, không thể vừa đá đẹp, vừa có chức vô địch. Chúng ta cần phải biết mình là ai và đang ở đâu. Nên nhớ, bóng đá Việt Nam thuộc vùng trũng bậc nhất của bóng đá thế giới”.

“Đá đẹp mà thua thì cũng vứt. Bóng đá đơn thuần là thành tích”, đấy là suy nghĩ chung của đại bộ phận chúng ta. Nhưng, bóng đá về bản chất đã là môn thể thao giải trí, và quả thật bóng đá không đơn thuần chỉ là thành tích.

1. Cách đây 8 năm, khi ĐT Việt Nam dưới thời HLV Calisto trải qua chuỗi 12 trận liên tiếp không nếm mùi chiến thắng, ông thầy người Bồ phải đối diện với rất nhiều sức ép và đã tính tới khả năng từ chức, dù các ông chủ VFF chưa đưa ra bất cứ thông điệp nào. Chỉ nhờ sự ủng hộ của học trò và niềm tin cuối cùng còn sót lại, HLV Calisto chấp nhận ở lại, trước khi đem về chức vô địch AFF Cup 2008 lần đầu tiên trong lịch sử nền bóng đá.

Sự ủng hộ của cầu thủ là chi tiết quan trọng bậc nhất với HLV. Khi tất cả đều nhìn về một hướng, đội bóng có thể đánh bại những đối thủ lớn hơn. Có thể cảm nhận, HLV Nguyễn Hữu Thắng đã và đang được thừa hưởng đặc ân này. Tuy nhiên, nếu lịch sử vẫn còn nguyên giá trị, thi thoảng sự ủng hộ của học trò còn là con dao 2 lưỡi. Đấy là các ĐT U22 và U23 Việt Nam dưới thời HLV Hoàng Văn Phúc, từng 2 lần liên tiếp lọt tới chung kết BTV Cup các năm 2012 và 2013.

Cuối tháng 10/2013, HLV Hoàng Văn Phúc bị VFF “treo ghế” sau trận hoà 3-3 bất thường của U23 Việt Nam trước CLB Bangu Athletico (Brazil) ở lượt trận cuối bảng B của BTV Cup, dù đã dẫn trước 3-1 và được chơi hơn người. Tất nhiên, U23 Việt Nam vẫn chắc suất đi tiếp và tất cả chúng ta đều đã được chứng kiến một cảnh tượng xưa nay hiếm: Các học trò ông Phúc chạy lên tận khán đài để chia vui với thầy, sau chiến thắng ở bán kết năm thứ 2 liên tiếp.

Ông Phúc đã khóc và gần như không ngủ suốt mấy ngày liền. Có điều, phúc từ họa mà ra, họa từ phúc mà có. Ít ai nghĩ việc chấp nhận ngồi lại chiếc ghế nóng sau khi đã bị phụ bạc của HLV Hoàng Văn Phúc lại là sự bắt đầu cho một cuộc chia ly sau đó không lâu. ĐT U23 Việt Nam vào thời điểm đó tập hợp những người trẻ hay nhất nền bóng đá đang hướng tới SEA Games 27 năm 2013 trên đất Myanmar. Nhưng SEA Games 27 cũng là giải đấu cuối cùng của ông Phúc.

Trong bóng đá, thắng thua là chuyện bình thường. Mặc dù vậy, người ta phải đặt ngược lại câu hỏi: Ngày đó, ở Bình Dương, các học trò của HLV Hoàng Văn Phúc bày tỏ sự ủng hộ ông thầy hay là đang bảo vệ chính họ, sau nghi án tiêu cực với Bangu Athletico?! Thật thật, giả giả, chẳng biết đâu mà lần. Thời thế đã khác đi nhiều và sau ông Phúc, đã có thêm 2 HLV khác ngồi ghế HLV trưởng. Rất nhiều trong số các cầu thủ ở BTV Cup năm nào hiện là trụ cột ĐTQG và CLB của họ.

2. Trở lại với các vấn đề mà chúng ta đặt ra ở đầu bài viết, rằng bóng đá còn là sự tận hiến, đá đẹp để phục vụ, ngoài yếu tố thành tích. Khi ĐT Việt Nam giành các chiến thắng ấn tượng trước Syria, Đài Bắc, Hong Kong (Trung Quốc) và mới đây nhất là trận chung kết AYA Bank Cup 2016 được tổ chức ở Myanmar, không ít người cho rằng, hoặc đối thủ không chơi hết mình (Syria), hoặc vừa miếng (số còn lại). Chúng ta đợi trận thua 0-1 trước Iraq để làm phép đối chiếu.

HLV Hoàng Văn Phúc: 'Tinh thần của đội tuyển Việt Nam mới quan trọng'

HLV Hoàng Văn Phúc: 'Tinh thần của đội tuyển Việt Nam mới quan trọng'

Thắng lợi trước Singapore giúp HLV Hữu Thắng có chức vô địch đầu tiên khi nắm quyền HLV trưởng ĐTQG. Theo cựu HLV trưởng Hoàng Văn Phúc, ngoài kết quả thì giá trị lớn nhất là ĐT Việt Nam thu lượm được chính là tinh thần.


Tức là, thay vì ghi nhận sự tiến bộ, động viên – sát cánh cùng đội bóng, một số chỉ biết đòi hỏi, ngay cả khi ĐT Việt Nam dưới thời HLV Nguyễn Hữu Thắng đã và đang thay da đổi thịt, với một diện mạo mới, luồng sinh khí mới và cũng đang chơi hiệu quả. Vẫn cần thêm thời gian để gây dựng niềm tin, nhưng ai bảo thắng cái “giải cỏ” hay vài trận giao hữu với đối thủ vừa miếng, không nói lên điều gì?! Lại nói, bóng đá chiến thắng ở giải làng hay khu phố vẫn cứ vinh.

Mục tiêu vào đến chung kết các giải AFF Cup 2016 và SEA Games 2017 mà VFF giao cho HLV Nguyễn Hữu Thắng được cho là rất vừa phải. Chưa qua 'ao làng', sao có thể mơ bơi ra biển lớn?! Và nếu trong 2 năm tới đây, Hữu Thắng đảm bảo yếu tố thành tích, cùng lối chơi khá bắt mắt của các ĐTQG như hiện tại, tại sao không mở ra cơ hội khác để cựu trung vệ thép xứ Nghệ tiếp tục dấn thân cùng nền bóng đá?!

Bóng đá Việt Nam chưa và có lẽ không bao giờ đủ tầm để “đá theo cách của mình” trước mọi đối thủ, chứ đừng vơ khái niệm tiki-taka vào dễ làm thiên hạ cười nụ. Đội bóng với từng bộ phận chỉ cần làm tốt chức năng của mình là được. Và quan trọng hơn, người đứng đầu đội bóng ấy, HLV Nguyễn Hữu Thắng, phải luôn giữ được sự tỉnh táo, để sự ủng hộ - bảo vệ của cả thầy lẫn trò không là sự dung túng. “Sân khấu 4 mặt”, nói theo cách của bầu Kiên, tất cả đều được phơi ra đấy.

Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm