NSƯT Việt Anh: Tiki-taka sẽ không chết!

28/06/2014 08:15 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Gặp NSƯT Việt Anh những ngày này không dễ khi lịch diễn và quay phim của anh khá dày đặc. Nhưng dù bận rộn, World Cup vẫn luôn được anh ưu tiên và cũng rất sẵn lòng chia sẻ tình yêu bóng đá của mình với báo chí.

Dưới đây là  cuộc trò chuyện giữa TT&VH với NSƯT Việt Anh về World Cup vào giờ nghỉ giữa các cảnh quay.

* Là một người yêu bóng đá đẹp chắc hẳn anh hài lòng với những gì đang diễn ra tại Brazil?

- Là nghệ sĩ, tôi yêu cái đẹp, những sự cống hiến cho khán giả và trong bóng đá cũng không ngoại lệ. Những diễn biến vừa qua ở Brazil thực sự để lại nhiều cảm xúc. Theo tôi, đây là một trong những kỳ World Cup đá vòng bảng hay nhất. Tuy nhiên, chưa có đội nào thể hiện sự vượt trội về lối chơi, tôi vẫn chưa thấy có lối đá nào thu hút, thể hiện rõ nét bản sắc của đội bóng như cách đá của những Brazil 1970, Hà Lan 1974, Argentina 1986 hay Tây Ban Nha 2010.

* Có lẽ là do trong bóng đá hiện đại, các nền bóng đá đang xích lại gần nhau?

- Bóng đá hôm nay chỉ còn sự rạch ròi ở hai xu hướng: tấn công hoặc phòng thủ - phản công. May là World Cup này xu hướng phòng ngự ít, nếu không coi chán chết. Bóng đá là phải đẹp mắt, phải tấn công mới hấp dẫn. Tôi rất ghét lối đá phòng thủ, xem không đẹp mắt, không hào hoa chút nào. Khán giả đã bỏ tiền mua vé vào sân là họ muốn tận hưởng những sự biến ảo của trái bóng làm người ta thực sự hồi hộp, trên sân có những cá nhân xuất sắc có khả năng thay đổi cục diện trận đấu. Chứ cứ xài xe bus 2 tầng như ông Mourinho thì còn gì là bóng đá.

Hiện nay, các đội chủ yếu đá theo chiến thuật, triệt hạ lối chơi là nhiều chứ không còn giữ được những cảm xúc nhiều như xưa. Hồi đó, các trường phái bóng đá rất rạch ròi, như: châu Âu nổi tiếng với lối đá có tổ chức, thiên về chiến thuật, chủ yếu đá bằng “cái đầu”; Nam Mỹ lại thiên về phô diễn kỹ thuật cá nhân; châu Phi lối đá thiên về thể lực và sự hồn nhiên. Các trường phái này va đập lẫn nhau tạo nên sự hấp dẫn. Nay cả Brazil hay Argentina cũng áp dụng chiến thuật kiểu châu Âu mà mất đi sự ngẫu hứng. Chỉ có châu Á mà tiêu biểu là Nhật Bản và Hàn Quốc là tôi thấy có nhiều tiến bộ trong lối chơi. Họ cải thiện được thể lực, kỹ thuật cá nhân, chiến thuật thi đấu cũng hoàn thiện hơn. Nhất là Nhật Bản với kỹ thuật khéo léo và thể hình nhỏ con của người châu Á áp dụng lối đá tiki-taka rất hay chỉ là vẫn chưa đủ thể lực cũng như đạt đẳng cấp như các cầu thủ Tây Ban Nha. Theo tôi, bóng đá châu Á thì Nhật Bản là đang tiệm cận với thế giới nhất.

* Anh không nghĩ là tiki-taka sẽ… chết cùng với sự thảm bại của Tây Ban Nha hay sao?

- Tiki-taka là lối chơi do Johan Cruyff phát triển từ bóng đá tổng lực của Hà Lan áp dụng cho các cầu thủ ở Barcelona. Lối chơi này đòi hỏi kỹ thuật cực kỳ điêu luyện, một nền tảng thể lực dẻo dai, sự ăn ý tuyệt đối giữa các đồng đội và đặc biệt rất phù hợp với mẫu cầu thủ nhỏ con (mà các cầu thủ của lò La Masia: Xavi, Iniesta, Messi… đều rất nhỏ con). Đội tuyển Tây Ban Nha đến World Cup lần này với những cầu thủ già nua, sức lực bị hạn chế bởi tuổi tác chưa kể mật độ thi đấu quá dày của mùa giải qua lại thêm thiếu khát vọng chiến thắng vì đã quá no nê danh hiệu.

Thất bại của Tây Ban Nha vừa qua chỉ là thất bại của một đội hình, của bản thân các cầu thủ chứ lối đá, triết lý chơi bóng tiki-taka thì không chết. Tôi nghĩ lối đá tiki-taka này rất phù hợp với tuyển Việt Nam với những cầu thủ nhỏ người và giàu kỹ thuật.

* Vậy anh ủng hộ ai trong mùa World Cup này?

- Thực sự thì tôi yêu mến Tây Ban Nha với lối đá tiki-taka. Nay Tây Ban Nha bị loại rồi thì tôi chủ yếu xem để tận hưởng và rút ra những cái hay từ lối chơi của các đội. Tôi hy vọng vào sâu sẽ là các đội đã để lại dấu ấn như: Đức với lối đá hiện đại kết hợp nhuần nhuyễn giữa trình độ kỹ thuật cao và chiến thuật chặt chẽ; Hà Lan với lối chơi tốc độ, kỹ thuật; Pháp có đường nét bay bướm; Italy với một Pirlo tuy lớn tuổi mà lại quá hay; Argentina và Brazil thì lại có những siêu sao như Messi và Neymar tức những cá nhân có khả năng gây đột biến đem đến cảm hứng cho người xem.

Tôi rất ái mộ văn hóa, đất nước cũng như con người Nhật Bản, một xã hội văn minh với cách giáo dục con người quá hay, luôn hướng con người đến cái chung, đến cộng đồng vì vậy tôi cũng yêu luôn bóng đá Nhật Bản nhưng rất tiếc Nhật Bản không thể tiến xa ở World Cup này.

* Cám ơn những chia sẻ của anh!

Ngọc Tuyết (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm