NSƯT Chí Trung: Phố cười không lo “đụng” Đời cười!

22/04/2010 11:13 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Ngày 23/4 tới đây, chùm hài kịch Phố cười của Đoàn kịch 2 Nhà hát Tuổi trẻ sẽ chính thức ra mắt khán giả. TT&VH có cuộc trao đổi với trưởng đoàn, đạo diễn chương trình - NSƯT Chí Trung.

* Xin hỏi thật, cái tên Phố cười có chút gì... vay mượn từ thương hiệu Đời cười của kịch Tuổi trẻ không?

- Nói công bằng là có. Cả chục năm nay, Đời cười là thương hiệu được đạo diễn- NSND Lê Hùng tạo dựng tại Nhà hát Tuổi trẻ và đã có chỗ đứng trong lòng khán giả với 9 phiên bản của nó rồi. Chọn một cái tên như vậy, tôi tin người xem sẽ hào hứng tới rạp hơn. Ngoài ra, chữ Phố cười cũng gắn liền với vấn đề về văn hóa nơi thành thị. Chúng tôi chọn đề tài ấy cho 5 tiểu phẩm vì muốn chương trình có chút “thời sự”, gắn liền với chuyện Hà Nội đang kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội...

* Cách đây hơn 1 tháng, đoàn kịch 2 của anh cũng vừa ra mắt Đời cười 9. Và khá đông diễn viên của Đờì cười 9 sẽ tham gia diễn xuất trong Phố cười. 2 chương trình hài kịch được đưa ra dồn dập như vậy liệu có dẫn tới tình trạng... đụng hàng - cả về tổ chức biểu diễn và về thị phần khán giả?

Phố cười là chùm 5 tiểu phẩm hài (Nào ta cùng ném, Ghen ngược, Quán rượu ven đường, Bà già ra thành phố, Gia đình nhiều năm văn hóa) về “văn hóa chung cư” - nơi đô thị. Các nghệ sĩ hài tên tuổi sẽ tham gia như: NSƯT Chí Trung, NSƯT Ngọc Huyền, Vân Dung, Đức Khuê, Anh Tuấn, Tú Oanh...

- Tôi không nghĩ thế. Đời cười 9 hiện đã biểu diễn được gần 30 đêm, và nói thật là khán giả của nó cũng bắt đầu vãn bớt. Thực tế, chúng tôi đã có kế hoạch đưa Phố cười ra biểu diễn từ dịp Tết 2010 vừa qua. Nhưng vì một số thay đổi, Nhà hát Kịch Tuổi trẻ quyết định để Đời cười 9 ra mắt trước vào dịp 8/3. Còn bây giờ, kỳ nghỉ lễ 30/4 là dịp thích hợp để Phố cười lộ diện.


Khác với Đời cười 9, Phố cười là chương trình thực hiện theo mô hình xã hội hóa. Về các vấn đề tổ chức biểu diễn, tất nhiên chúng tôi sẽ có kế hoạch cụ thể để 2 chương trình này tồn tại song song với nhau. Và xin nói thêm, bên cạnh việc ra mắt những chùm hài kịch ngắn như vậy, Nhà hát Tuổi trẻ vẫn có kế hoạch dựng những vở chính kịch lớn - mà cụ thể là chúng tôi đang dựng vở kịch kinh điển Brand của Ibsen.


Phố cười – cười những chuyện ở phố
* Theo kinh nghiệm của anh, những chương trình ra mắt vào các dịp lễ Tết như 30/4 có thu hút được đông khán giả - khi mà gần đây, nhiều khán giả Hà Nội thường tranh thủ dịp này ra khỏi thành phố và đi nghỉ “xả hơi”?

- Điều này là có thật. Trên lý thuyết, chúng tôi trước mắt hướng tới đối tượng là những người không có điều kiện hoặc không hào hứng thực hiện những chuyến đi nghỉ như vậy. Và trong số những người ấy, thì trước mắt là nhắm tới những khán giả còn yêu mến Nhà hát Tuổi Trẻ và yêu mến Chí Trung (cười).

* Tại sao các anh lại chọn rạp Tuổi trẻ để ra mắt Phố cười, chứ không phải là rạp Thanh niên tại hồ Thiền Quang - nơi vẫn được dành cho các chương trình xã hội hóa của đoàn kịch 2?

- Chúng tôi muốn tận dụng không khí thành công của Đời cười 9 tại rạp Tuổi trẻ. Còn rạp Thanh niên, hiện chúng tôi vẫn đỏ đèn đều đặn 2 buổi diễn/ tuần. Lượng vé mỗi đêm khoảng 100 vé. Nhưng để có thể tạo dựng nơi đó thành một điểm diễn có thương hiệu của Hà Nội thì chúng tôi cần một khoảng thời gian dài hơi, ít ra là 2 năm. Điều này đã được tính tới từ khi khai trương rạp diễn này rồi, vì việc để một rạp diễn tồn tại được thì không đơn giản như mở một quán nước chè vỉa hè hay một tiệm ăn...

* Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện này.

Minh Châu (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm