NSƯT Chí Trung: Không hiểu sao khán giả lại thờ ơ thế!

02/03/2010 14:45 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Là trưởng đoàn kịch 2, Nhà hát Tuổi trẻ, có trong tay nhiều nghệ sĩ hài nổi tiếng, nhưng trong vai trò quản lý, Chí Trung có vẻ rất vất vả vì phải lăn lộn tìm cách thu hút khán giả đến với rạp của mình. Năm qua, anh cùng đoàn kịch tự vận động dựng vở, rồi ra diễn riêng tại rạp Thanh Niên (37B, Trần Bình Trọng, HN) đến nay cũng đã thường xuyên sáng đèn được 5 tháng, với cách làm 100% xã hội hóa, tự tổ chức quảng cáo và bán vé... Tuy nhiên, dù đã dốc hết lòng, hết sức, khán giả vẫn quay lưng, thờ ơ...

Chương trình “hổ lốn” lại đông khách…

* Lý do là vì sao vậy, thưa “Táo giao thông” Chí Trung?

- Tôi không biết! Không phải câu “vì sao” nào cũng được trả lời. Có nhiều chương trình rất đông mà không hiểu vì sao đông. Tôi từng được mời đi diễn tại các bãi, sân vận động ngoài trời ở các tỉnh nhỏ lẻ. Tôi chỉ là một cá nhân diễn trong tập thể ấy, thấy chương trình như một mớ hổ lốn, nhiều ca sĩ, nhiều tiểu phẩm hài rất ba lăng nhăng, nhưng lại rất đông khách.

Trong khi đó, những chương trình hoàn chỉnh, tập luyện tốt, hài kịch cười sằng sặc như của chúng tôi thì lại rất vắng khách. Mà không riêng gì rạp Thanh Niên, cả rạp Tuổi Trẻ giờ cũng vậy...

* Phải chăng do chương trình của các anh tham gia không hay nữa, như chương trình Táo quân năm nay chẳng hạn. Khán giả chê rất nhiều. Trong vai “Táo giao thông”, anh cảm thấy thế nào về những ý kiến này?

- Tôi xin phép không trả lời về Táo quân vì đây không phải là lĩnh vực của tôi. Tất cả cái hay dở, thích hay không thích đều nằm trong ý muốn của khán giả. Còn về vai Táo giao thông, tôi đã làm tốt, được khán giả khen ngợi. Một tác phẩm hay hoặc không hay nó có nhiều yếu tố, không thể lường hết được. Kể cả năm nay làm hay chăng nữa thì vẫn có thể bị coi là không hay, vì chương trình năm ngoái đã làm hay hơn và khán giả đã đạt đến “điểm G của khoái cảm thẩm mỹ” rồi.

* Vậy thì theo anh, vắng khách là vì...?

- Dịp Tết vừa rồi, cả Hà Nội, hầu như chỉ có 2 sân khấu kịch sáng đèn là rạp Tuổi Trẻ và Thanh Niên của chúng tôi. Nhưng cả 2 rạp đều vắng khách. Tôi không muốn thanh minh là chúng tôi thế này, thế nọ và kết tội khán giả. Nhưng đây rõ ràng là một thực tế và không hiểu sao khán giả miền Bắc lại thờ ơ với chúng tôi thế. Ở miền Nam các bạn ấy diễn ầm ầm từ mùng 1 Tết, trong khi, chúng tôi mùng 6 Tết mới mở hàng mà khán giả vẫn không thấy đến rạp!

* Anh có tính đến mức giá vé so với thu nhập của người dân không?

- Giá vé ở miền Nam là 100 ngàn/1 vé. Chúng tôi vừa đi diễn tại các tỉnh: Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng... giá vé 60 ngàn vẫn rất đông khách. Nhưng ở Hà Nội thì giá vé 60 ngàn vẫn bị cho là cao. Có lẽ khi mà người ta đã không có sự quan tâm đến sân khấu kịch thì chẳng phải 60 ngàn mà 30 ngàn 1 vé có khi vẫn bị cho là đắt. Nhiều người chỉ muốn “đi không” (xem miễn phí) thôi.

Như chuyện “anh” với “ả”

* Thời buổi kinh tế thị trường, làm tốt thì khán giả đến xem, không tốt sẽ bị chê. Nhưng rõ ràng văn hóa thưởng thức chưa trở thành món ăn thường xuyên trong lòng mỗi khán giả?

- Sân khấu và khán giả hiện nay như chuyện “anh” với “ả”. Sẽ rất tuyệt vời khi “anh” với “ả” cả tuần không gặp nhau và chỉ gặp nhau vào cuối tuần, rồi lao vào nhau. Mọi hành động cử chỉ của “anh” và “ả” có hơi vô duyên một tí nhưng vẫn đáng yêu. Nhưng khi 2 bên đã có những cái vướng mắc nào đó, đến với nhau phải làm quen từ đầu, ngồi uống nước, nói năng, và chỉ cần 1 trong 2 bên có những cử chỉ nào đó chưa đẹp lòng, thì tự nhiên bỗng trở nên... xa cách!

Hiện nay chúng tôi đang trong tình trạng như thế. Nhưng chúng tôi không thể nào quay lưng với khán giả được, vẫn phải hết lòng, dù khán giả có quay lưng lại. Tôi vẫn đợi chờ, vẫn rèn luyện đội ngũ diễn viên, vẫn nhận thêm rất nhiều em trẻ, có thể sang năm sẽ không làm hài kịch ngắn nữa, chuyển sang làm hài kịch dài, hoặc chuyển sang làm chính kịch mang luận đề sâu sắc, phê phán hiện thực...

* Sao anh không dựng chính kịch đi, như kịch của Lưu Quang Vũ ngày xưa ấy?

- Xin thưa luôn là không thể có những tác phẩm ấy trong thời buổi hiện nay. Nhưng tác giả tâm huyết, có tầm nhìn về vấn đề này thì thường đã già, không nắm bắt được thời đại hiện nay. Kịch của những ông già bao giờ cũng có sự hồi tưởng về một tí ngày xưa, rất khó có khán giả. Còn những nhà viết kịch trẻ thì đi viết kịch bản phim truyền hình, phim ngắn... nhiều tiền hơn viết kịch bản sân khấu!

* Tuy nhiên, trong năm qua, anh vẫn chạy sô nhiều?

- Diễn cũng nhiều nhưng khách không nhiều. Không phải rạp vắng khách mà buông xuôi. Công việc thì vẫn phải làm, phải diễn, phải hớn hở vì đó là đặc thù của mình!


Đời cười 9 chuẩn bị ra mắt
* Các chương trình Đời cười ra mắt đầu năm mới đã trở thành thương hiệu của Nhà hát Tuổi trẻ. Năm nay, có gì mới không?

- Năm nay, Đời cười đã sang năm thứ 9 và vẫn thành thương hiệu trong lòng khán giả yêu mến. Năm nay, NSND Lê Hùng sẽ dựng về Nỗi sợ, trong gia đình sợ ghen tuông, sợ mất chức, chúng tôi thì sợ không có khán giả, khán giả thì sợ kịch không hay... Nói chung về các trạng thái sợ của con người. Ngoài ra, còn chùm tiểu phẩm Siêu thị vui do nhiều nhóm hài khác nhau thực hiện. Riêng đoàn tôi đang làm chương tình mang tên: Phố cười (5 tiểu phẩm) về những ngôi nhà cao mọc lên, nhưng văn hóa lại đi xuống, do sự hội nhập văn hóa của nhiều vùng miền khác nhau, dẫn đến xảy ra những chuyện trớ trêu.

* Xin cảm ơn anh!

Hoa Chanh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm