NSƯT Bằng Thái: 2 tháng ra 2 tuyển tập kịch!

16/06/2009 15:42 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Một sự kiện của giới sân khấu và với chính cuộc đời làm nghệ thuật 40 năm của NSƯT Bằng Thái (Trưởng đoàn kịch Quảng Ninh). Hai tuyển tập kịch ra liên tục tháng 5 - 6 (NXB Sân khấu): Người tôi yêu Tuyển tập kịch cực ngắn. NSƯT Bằng Thái có cuộc trò chuyện thú vị với TT&VH, trước khi đưa đoàn đi lưu diễn xuyên Việt. Ông hồ hởi nói nhanh với tốc độ “con dao pha”, như tần suất liên tục của đoàn.

* Chúc mừng NSƯT Bằng Thái, ông có thể giới thiệu về 2 cuốn sách mới với vai trò tác giả?

- Tôi là con nhà nòi diễn viên đời thứ ba, được đào tạo bài bản về diễn xuất, nhưng rất mê viết. Lúc 13 tuổi (1965) tôi đã viết vở đầu tiên Nguyễn Văn Trỗi và 1975 là vở kịch dài Người tù không số. Tuyển tập kịch Người tôi yêu gồm 6 vở chọn từ 29 vở đã dựng, còn Tuyển tập kịch cực ngắn gồm 15 vở chọn (10 phút/vở) từ 50 vở đã viết.

* Các kịch bản trong Người tôi yêu khi dựng hình như đều được giải lớn nhỏ toàn quốc, nhiều đến nỗi mà người xem không nhớ hết được...

- Vâng, giải cho KB, giải cho vở diễn, vai diễn khá nhiều. Nhắc về giải thưởng đầu tiên, lại nhớ đến cha tôi, nghệ sĩ Lê Tốn (1929 - 1963) đã dựng vở Lòng dân, tôi đóng vai bé An được HCV Hội diễn không chuyên thủ đô 1962. Chính cha đã truyền cho tôi tình yêu văn học, sân khấu. Giờ cầm cuốn sách trên tay, tôi nhớ về 45 năm trước. Hồi đó, tôi đòi cha mua bằng được 4 tập Những người khốn khổ, cha đã mua bộ sách mới tinh. Phút lâm chung, cha mới nói: “Con ơi, cố mà theo nghề viết, cái lần mua Những người khốn khổ cho con, cha đã bán máu đấy con ạ!”. Trong những dòng chữ của tôi, không chỉ có mồ hôi nước mắt tôi mà cả máu của cha tôi nữa.

* Đọc tuyển tập kịch của ông, thấy sinh động, chân thực, có sự phóng khoáng, ăn sóng nói gió thô tháp của người miền biển. Vì ông gắn với Quảng Ninh 38 năm nên ông viết về quê hương thứ hai, để dễ “thu phục” khán giả ở đây, hay ông chọn đề tài về người lao động vì thấu hiểu họ?

- Tuy anh em chúng tôi sinh trưởng Hà Nội, nhưng nhà đông con, nghèo, tư tưởng, triết lý, cuộc đời tôi hướng về giới cần lao. Riêng một chuyện ăn mặc, tôi rất “bộ đội”, giản dị, chỉ áo phông có túi, quần thụng. Tôi được con gái, em trai trang bị nhiều đồ hiệu, chỉ dùng lúc tiếp tân, tiệc họp, còn đời thường, mặc xuềnh xoàng để răn mình. (Nhà ta đã từng nghèo và còn nhiều dân nghèo lắm). Để hòa với quần chúng, thợ mỏ mà đoàn tôi thường xuyên phục vụ, tôi không muốn trội hay “khác biệt” với họ. Song, vẫn có 3 tủ quần áo để “trả thù” thời thiếu thốn - 3 năm chỉ có độc cái veste màu cốm đi làm chủ hôn.

* Cách đặt tên Người tôi yêu cho thấy ông đa cảm lắm. Người như thế dễ bị “sét đánh” ái tình?

- Thực tế, tôi rất sợ điện giật, không biết “sét đánh” thì thế nào. Tôi là người ham sắc, bất chấp độ tuổi. Người đàn bà đẹp là người có đầu óc, nhan sắc của trí tuệ bền vững và sang, có cá tính, quyến rũ. Tôi si tình lắm, nên hay phải tự “phanh” mình. Nhưng không yêu thì chẳng làm gì được!

* Cám ơn ông. Chúc ông không bao giờ “phanh” trong sáng tạo!

Vi Thùy  Linh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm