13/05/2024 12:00 GMT+7 | Văn hoá
Trung tá - Nghệ sỹ Nhân dân Tường Vi, người có giọng ca gắn liền với những ca khúc cách mạng đi cùng năm tháng như Cô gái vót chông, Tiếng đàn Ta Lư… qua đời ở tuổi 86 đã để lại bao tiếc nuối cho gia đình, người thân và công chúng yêu âm nhạc.
Người nghệ sỹ - chiến sỹ
Nghệ sỹ Nhân dân Tường Vi sinh năm 1938 tại Tam Kỳ, Quảng Nam, trong một gia đình không có ai theo nghệ thuật. Từ nhỏ, bà đã bộc lộ năng khiếu và đam mê ca hát. Năm 16 tuổi, sau cú sốc bà ngoại mất vì bom đạn, bà xin nhập ngũ rồi trở thành y tá tại Viện Quân y 108 để được chữa trị cho các chiến sỹ.
Là y tá, nhưng lại được trời phú cho chất giọng tốt, nên trong những lần điều trị cho thương binh, thấy thương binh đau đớn, bà thường hát cho thương binh nghe, giúp họ quên đi nỗi đau và yên tâm dưỡng thương.
Sau này, tiếng hát của bà được nhiều người biết đến, rồi bà được chuyển sang Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị, được đào tạo về âm nhạc và tham gia biểu diễn phục vụ bộ đội ở các chiến trường. Bà tốt nghiệp khoa Thanh nhạc của Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) năm 1967. Năm 1974, bà theo học tiếp tại Nhạc viện Sofia, Bulgaria. Những năm kháng chiến, ca sỹ Tường Vi theo Đoàn văn công đi biểu diễn nhiều nơi trên các chiến trường. Bà thu âm nhiều ca khúc nổi tiếng như: Tiếng đàn Ta Lư, Cô gái vót chông, Em là hoa Pơ Lang, Người con gái sông La…
Bà từng đoạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước như Huy chương Vàng tại Liên hoan giọng hát hay toàn quốc (1962), Huy chương Vàng tại liên hoan ca nhạc quốc tế Xô-phi-a (1968)..
Ngoài ca hát, Nghệ sỹ Nhân dân Tường Vi còn là một nhạc sỹ. Bà sáng tác nhiều ca khúc nổi tiếng như Phi đội ta xuất kích, Quê hương anh là biển cả, Em lắng nghe tiếng đời... Những ca khúc thiếu nhi của bà cũng rất được yêu thích như Đời cho em những nốt nhạc vui, Trái tim ơi đừng buồn, Ước mơ của bé là hòa bình...
Cả cuộc đời gắn bó với màu áo lính, mang tiếng hát phục vụ chiến sỹ trên chiến trường, đến khi hòa bình lập lại, Nghệ sỹ Nhân dân Tường Vi lại tiếp tục mang lời ca tiếng hát phục vụ nhân dân.
Sau này, bà làm giảng viên giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, từng đào tạo nhiều nghệ sỹ nổi tiếng. Bà còn là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhạc sỹ Việt Nam (1962-1982), Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam (1962-1982).
Năm 1992, ở tuổi lẽ ra nên nghỉ ngơi, dưỡng già, Nghệ sỹ Nhân dân Tường Vi lại miệt mài với việc giúp đỡ trẻ em nghèo có hoàn cảnh đặc biệt. Bà sáng lập 3 trung tâm nghệ thuật tình thương tại Hà Nội, Đà Nẵng và Quảng Nam, cùng với các nhạc sỹ, nghệ sỹ, giáo viên tâm huyết, nhà hảo tâm đón nhận, nuôi dưỡng, phát triển năng khiếu âm nhạc cho trẻ em khuyết tật, trẻ em nghèo, mồ côi hoặc tổn thương về tình cảm..., mang lại tương lai tươi sáng cho trẻ em thiệt thòi. Trung tâm Nghệ thuật tình thương của Nghệ sỹ Nhân dân Tường Vi đã vinh dự đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm khi ông còn sống.
Với những đóng góp cho sự nghiệp âm nhạc nước nhà, bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú vào năm 1984, cũng trong năm này, bà được phong hàm Trung tá. Đến năm 1993, bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân. Bà còn được tặng Huân chương Quân công hạng ba, Huân chương Lao động hạng ba, Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Nghệ sỹ Nhân dân Tường Vi còn là nghệ sỹ hiếm hoi có vinh dự được ghi tên trong Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, xuất bản năm 1996.
Tấm gương sáng tạo, nhiệt huyết và giàu lòng nhân ái
Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước ác liệt, tiếng hát của Nghệ sỹ Nhân dân Tường Vi đã có sức mạnh át đi những tiếng bom tàn khốc trên chiến trường. Tiếng hát của người nghệ sỹ như "liều thuốc" đặc biệt, tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sỹ ngày đêm chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc. Bà là một trong số ít ca sỹ nhiều lần vinh dự biểu diễn trước Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cũng như cán bộ, chiến sỹ trong quân đội.
Thời đó, nhắc đến Tường Vi là các chiến sỹ nhớ ngay đến giọng ca trong veo, cao vút, gắn với những ca khúc nổi tiếng như Tiếng đàn Ta Lư, Cô gái vót chông, Bóng cây Kơ-nia, Em là hoa Pơ Lang, Người con gái sông La… Tiếng hát của Tường Vi gây ấn tượng đặc biệt đối với các chiến sỹ, đến nỗi cứ gặp ở đâu là các chiến sỹ lại đề nghị Tường Vi hát ở đó.
Sinh thời, Nghệ sỹ Nhân dân Tường Vi từng kể, trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, bà theo Đoàn văn công của Tổng cục Chính trị đi biểu diễn ở khắp các chiến trường, từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, lên Tây Nguyên, đường 9 Nam Lào và sang cả vùng đất Tây Trường Sơn (Lào)…
Nơi nào có bộ đội, Đoàn lại dừng hát cho bộ đội nghe, động viên các chiến sỹ. Bất cứ chỗ nào cũng có thể trở thành sân khấu biểu diễn. Khi thì hát giữa rừng, sân khấu là vài viên đá xếp lên; có lúc sân khấu được dựng ngay bên bờ suối và có khi lấy cả mui xe ô tô làm sân khấu. Có những buổi, hát trong hang đá, bom dội trên đầu, rung chuyển, nhũ đá trong hang rơi cả vào người…
Nói về Nghệ sỹ Nhân dân Tường Vi, nhạc sỹ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam nhận định, bà là người có giọng ca đặc biệt xuất sắc, có thể nói là kinh điển của dòng âm nhạc cách mạng, bậc thầy về thanh nhạc. Những bài hát như Cô gái vót chông, Nổi lửa lên em, Tiếng đàn Ta Lư, do bà thể hiện, nhiều ca sỹ sau này khó bì kịp. Ngoài biểu diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Tường Vi còn sáng tác nhiều ca khúc, trong đó ca khúc Phi đội ta xuất kích đã trở thành bài hát truyền thống của lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam.
“Nghệ sỹ Nhân dân Tường Vi có đóng góp rất lớn cho nền âm nhạc Việt Nam, kể cả ở lĩnh vực biểu diễn và sáng tác. Bà là một nghệ sỹ có tấm lòng nhân hậu, đã mở các lớp dạy nhạc dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật, giúp các em có một tương lai tươi sáng hơn”, nhạc sỹ Đức Trịnh chia sẻ.
Nhà lý luận phê bình âm nhạc - nhạc sỹ Nguyễn Quang Long chia sẻ, Nghệ sỹ Nhân dân Tường Vi là một danh ca hiếm của âm nhạc cách mạng. Trong từng lời ca, tiếng hát của bà, người nghe cảm nhận được nhiệt huyết và tình yêu của bà với quê hương, đất nước. Nghệ sỹ Nhân dân Tường Vi còn có khả năng sáng tác ca khúc rất hay và các ca khúc của bà được nhiều người yêu thích. Bà còn là người có trái tim nhân hậu. Bà đã mở các lớp dạy học cho các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Theo nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long, tấm gương sáng tạo, tài năng, nhiệt huyết và giàu lòng nhân ái của Nghệ sỹ Nhân dân Tường Vi sẽ còn mãi được nhắc tới với sự trân trọng trong trái tim của những khán giả yêu mến bà, yêu mến ca khúc cách mạng Việt Nam.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất