Nỗi sợ sữa bột ở Trung Quốc

17/08/2010 16:14 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Bê bối “sữa khiến trẻ dậy thì sớm” ở Trung Quốc vừa kết thúc, sau khi bộ Y tế nước này mở cuộc điều tra và ra kết luận bác bỏ sữa là thủ phạm. Nhưng vụ việc đã cho thấy một thực tế rằng an toàn thực phẩm trong ngành công nghiệp sữa vẫn là vấn đề rất nóng, rất nhạy cảm ở đất nước đông dân nhất thế giới.

Tiếp tục tranh cãi

Vụ việc bắt đầu “to chuyện”, sau khi báo chí Trung Quốc loan tin nhà chức trách tỉnh Hồ Bắc từ chối yêu cầu mở cuộc điều tra về lời tố cáo của các phụ huynh, sau vụ 3 bé sơ sinh ở thành phố Vũ Hán và một bé khác ở Bắc Kinh bất ngờ phát triển ngực. Các bé gái, từ 4-15 tháng tuổi, đều uống sữa bột Synutra đã có lượng hormone estradiol và prolactin trong cơ thể (vốn kích thích tiết sữa ở ngực) vượt xa so với một phụ nữ trưởng thành bình thường. Báo chí Trung Quốc tiếp tục loan tin rằng các trường hợp tương tự xảy ra ở các tỉnh như Quảng Đông, Hà Nam, Tứ Xuyên, Sơn Tây, Liêu Ninh, Giang Tô.


Nỗi sợ sữa có vấn đề vẫn ám ảnh các bậc phụ huynh Trung Quốc,
dù đã hai năm sau bê bối sữa nhiễm melamine
Về phía Synutra, ngay từ đầu công ty đã đe dọa sẽ có hành động pháp lý chống lại báo chí vì tung tin sai lạc. “Trong khi thể hiện sự cảm thông với bất kỳ các gia đình nào đang gặp khó khăn về mặt y tế, chúng tôi kiên quyết tin tưởng rằng sản phẩm của chúng tôi không hề có liên quan tới các cáo buộc được đưa ra gần đây” - lãnh đạo Synutra Liang Zhang nói. “Chúng tôi tin tưởng rằng cuộc thử nghiệm sẽ cho thấy chất lượng vững vàng của sản phẩm của chúng tôi và sự cam kết bảo vệ an toàn của người tiêu dùng”.  

Nhưng báo chí Trung Quốc tiếp tục công kích, nói rằng công ty có thể đã lừa người tiêu dùng khi tuyên bố sữa bột trẻ em của họ, loại đang bị nghi ngờ gây phát triển ngực bất thường, đã được nhập khẩu từ “các trang trại sạch sẽ ở Liên minh châu Âu”. Tuy nhiên trong quá trình xảy ra bê bối, Synutra lại nói rằng nguồn bột sữa nhập về để làm hai loại sữa bột trẻ em thông dụng của công ty là từ hãng Fonterra ở New Zealand. Nguyên liệu tươi để làm loại sữa bột thứ 3 nhập từ một nhà sản xuất địa phương tại Hắc Long Giang.

Nỗi lo “sữa bẩn”

Giới phân tích đánh giá sự phiền lòng của các phụ huynh Trung Quốc không chỉ tới từ việc thấy con cái họ bất ngờ phát triển ngực. Nỗi sợ lớn hơn nằm ở chỗ dù đã có quá nhiều vụ bê bối liên quan tới an toàn thực phẩm đã bị phanh phui, vẫn còn những vụ nữa đang bị che giấu mà không ai biết.

Vụ sữa nhiễm melamine hồi năm 2008, trong đó 22 công ty sữa Trung Quốc bị nêu danh và bêu xấu, đã khiến các công ty còn lại vội vã đưa ra những lời hứa, Chính phủ thì ban hành các quy định, tăng cường kiểm soát. Nhưng bê bối vẫn xuất hiện. Tổng cộng 21 quan chức ngành sữa bị kết tội và hai người bị thi hành án tử hình, nhưng sữa nhiễm melamine vẫn được tuồn ra thị trường.

Đơn cử như tháng 7 năm nay, nhà chức trách tỉnh Cam Túc đã thu giữ 76 tấn sữa bột chứa lượng melamine cao gấp 500 lần mức cho phép. Sữa bột nhiễm melamine cũng được tìm thấy trong năm nay ở tỉnh Cát Lâm, trong khi hàng chục cửa hàng ở tỉnh Quý Châu cũng được phát hiện bán sữa bẩn.

Thói quen pha melamine lan rộng trong ngành công nghiệp sữa Trung Quốc, lẽ ra đã phải chấm dứt sau cú sốc năm 2008. Nhưng các phát hiện mới cho thấy người sản xuất sữa Trung Quốc vẫn bất chấp tất cả nhằm thu lợi tối đa. Thêm vào đó, việc báo chí phanh phui nhiều vụ chính quyền lãnh đạo cấp tỉnh liên tục che đậy thay vì điều tra những vụ bê bối an toàn thực phẩm đã khiến người dân mất lòng tin.

*

Cho tới nay nguyên nhân gây dậy thì sớm ở trẻ vẫn chưa được làm rõ. Thực tế kết quả của Bộ Y tế Trung Quốc cũng cho thấy sữa Synutra, công ty bị sụt mất 35% giá trị cổ phiếu từ khi vụ bê bối bị đưa lên báo, không phải thủ phạm gây dậy thì sớm. Các nhà điều phối an toàn thực phẩm ở Trung Quốc giờ đã có thể thở phào nhưng với phụ huynh Trung Quốc, có thể thấy nỗi sợ của họ còn nguyên và vẫn âm ỉ cháy mỗi ngày.

Gia Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm