Những thành công đầu tiên về ứng dụng nano vào nông nghiệp

22/02/2017 08:37 GMT+7 | Bạn cần biết

(Thethaovanhoa.vn) - Trong hội thảo “Thử nghiệm phân bón sinh học công nghệ NANO” trong canh tác lúa do Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long và công ty Cổ phần Nông nghiệp Việt Nam UKR phối hợp tổ chức vừa qua, nhiều nông dân đã bày tỏ sự phấn khởi với kết quả khảo nghiệm thành công ứng dụng trên cây lúa.

Điều này mở ra cho ngành nông nghiệp Vĩnh Long nói riêng và Việt Nam nói chung triển vọng mới về sự phát triển “xanh” trong tương lai, giảm dần phụ thuộc vào thuốc bảo vệ thực vật và phân bón vô cơ vốn có thể gây hại cho đất và cây trồng nếu “lạm dụng” trong một thời gian dài.


Triển vọng mới cho nông nghiệp Vĩnh Long

Trong các tháng đầu năm 2016, tại Vĩnh Long do triều cường và lưu lượng nước đầu nguồn về ít, đã làm một số vùng ở Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít bị xâm nhập mặn, có nơi độ mặn vượt mức 4 g/lít, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa và cây ăn trái. Đây là một thách thức lớn đối với đời sống kinh tế-xã hội của Vĩnh Long.

Trước thực trạng đó, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long phối hợp với Công ty Cổ phần Nông nghiệp Việt Nam UKR (VUAGRO) thực hiện Mô hình trình diễn chế phẩm Nano, cụ thể là Bộ sản phẩm Bioplant Flora kết hợp với hạt Nano, trên cây lúa trong vụ Đông Xuân 2016-2017 với diện tích 01 ha/3 hộ nông dân tại xã Phú Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

Theo đó, ruộng đối chứng sẽ được canh tác hoàn toàn theo kinh nghiệm của nông dân. Tuy nhiên, ngoại trừ hộ Trương Thanh An được yêu cầu có công thức phân giống ruộng trình diễn; 02 hộ còn lại (Nguyễn Hồng Thuấn và Nguyễn Văn Phin) thì việc bón phân giữa ruộng trình diễn và ruộng đối chứng không yêu cầu phải giống như ruộng trình diễn.


Những thành công đầu tiên

Kết quả cho thấy, khi sử dụng Bộ sản phẩm Bioplant Flora xử lý hạt giống lúa cho thấy hạt lúa giống rất sạch, không có mùi chua, hạt giống không bị nhớt, sậm màu, mặc dù sau ngâm giống không cần xả, dội nước hay đãi giống. Tốc độ ra rễ mầm hạt giống nhanh hơn, rút ngắn thời gian ủ  1 buổi.

Ước tính sơ bộ cho thấy lợi nhuận của các ruộng trình diễn đều cao hơn so các đối chứng lần lượt là: Hộ Nguyễn Văn Phin 2.615.000 đ/ha, hộ Nguyễn Hồng Thuấn 9.945.000 đ/ha, hộ Trương Thanh An 6.780.000 đ/ha (bảng 8). Sự chênh lệch cao hơn này là do các điểm trình diễn giảm được tới 4 lần phun thuốc, tỷ lệ số bông/m2 nhiều hơn, bông lúa dài hơn, số hạt/bông nhiều, số hạt chắc trên bông cao hơn, trọng lượng 1000 hạt nặng hơn so với ruộng đối chứng. Đặc biệt, có 02 hộ (Nguyễn Văn Phin và Nguyễn Hồng Thuấn) giảm được lượng phân hóa học.

Ông Lê Quý Kha, Phó viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cũng hào hứng chia sẻ: “Đây là hướng phát triển nền nông nghiệp Việt Nam bền vững, giúp phòng chống biến đổi khí hậu, phù hợp với xu thế đang diễn ra mà người ta cho là cuộc cách mạng thứ tư. Theo đó, nền nông nghiệp phải đảm bảo sinh thái, sản phẩm làm ra phải vừa sạch, vừa đảm bảo dinh dưỡng cho người tiêu dùng. Việc sử dụng phân bón vi lượng Nano là bước khởi đầu để cây sinh trưởng tốt, không tốn nhiều công, không hại đất. Tới đây sẽ có những sản phẩm nano giải phóng chậm, chỉ cần bón một lần và từ từ giải phóng vào đất để nuôi cây...”

Trước những sơ kết về kết quả thực hiện thành công mô hình trình diễn chế phẩm nano trên cây lúa tại Vĩnh Long vừa qua, nông nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể kỳ vọng vào cuộc cách mạng mới sẽ diễn ra trong tương lai gần, cũng như tháo được nút thắt khó gỡ về bài toán chất lượng trong vấn đề tìm đầu ra của thị trường.

Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm