Những điều cần biết về viêm giác mạc (phần 1)

13/02/2025 10:10 GMT+7 | Đời sống

Viêm giác mạc là một bệnh lí mắt phổ biến, nếu không được điều trị kịp thời bệnh có khả năng gây ra giảm thị lực, nặng hơn có thể dẫn tới nguy cơ mù lòa vĩnh viễn.

Những điều cần biết về viêm giác mạc (phần 1) - Ảnh 1.

Hình ảnh viêm loét giác mạc do nấm

1. Viêm giác mạc là gì?

• Giác mạc (tên thường gọi là tròng đen, hay lòng đen) là một trong những thành phần trong suốt quan trọng của nhãn cầu, đảm nhận 3/4 công suất quang học của mắt.

• Viêm giác mạc là tình trang viêm xảy ra ở vùng giác mạc của mắt, gây ra các triệu chứng đau, đỏ mắt, chảy nước mắt, sợ sáng và nhìn mờ.

• Nguyên nhân gây viêm giác mạc thường gặp và do virus, vi khuẩn, nấm, amip…

2. Viêm giác mạc có khả năng gây mù lòa hay không?

• Vì giác mạc là một trong những môi trường trong suốt của mắt, đóng vai trò là thành phần đầu tiên tiếp nhận ánh sáng đi vào mắt, nên bất kỳ một tổn thương dạng viêm nào gây mất tình trong suốt của giác mạc cũng đều có khả năng gây ra giảm thị lực tùy theo mức độ của bệnh và vị trí của tổn thương.

• Nếu tình trạng viêm giác mạc nghiêm trọng và không được điều trị kịp thời, có thể để lại di chứng như: sẹo giác mạc lớn hoặc tổn thương gây thủng giác mạc không hồi phục có thể dẫn đến nguy cơ mù lòa vĩnh viễn rất cao.

3. Viêm giác mạc có lây không?

• Tỷ lệ lây nhiễm của viêm giác mạc thấp hơn nhiều so với bệnh viêm kết mạc (tên thường gọi là đau mắt đỏ) thường gặp tại mắt.

• Khả năng lây nhiễm viêm giác mạc phụ thuộc nhiều vào nguyên nhân của bệnh.

• Viêm giác mạc do vi khuẩn, nấm hoặc virus gần như không lây sang mắt có giác mạc khoẻ mạnh bình thường. Tuy nhiên viêm giác mạc do vi khuẩn lậu cầu có tỷ lệ lây nhiễm rất cao do khả năng xâm nhập vào giác mạc ngay cả khi giác mạc hoàn toàn bình thường và không có tổn thương nào trước đó.

4. Kính áp tròng ảnh hưởng như thế nào đến viêm giác mạc?

• Kính áp tròng là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng của viêm giác mạc.

• Cơ chế gây viêm giác mạc có liên quan đến kính áp tròng được cho là do các vi tổn thương gây ra do sự di chuyển của kính áp tròng khi đặt vào mặt hoặc do quá trình đeo và tháo kính không đúng cách. Ngoài ra, độ thấm khí của kính áp tròng kém, làm việc trao đổi oxy của giác mạc bị hạn chế cũng là nguyên nhân dẫn đến viêm giác mạc khi đeo kính áp tròng.

• Việc vệ sinh kính áp tròng là rất quan trọng. Nếu kính áp tròng không được làm sạch trước và sau khi sử dụng, các mảng bám protein trên kính, hoặc vị sinh vật tích tụ ở kính sẽ đe dọa đến giác mạc trong những lần sử dụng sau.

• Các loại kính áp tròng đang lưu hành trên thị trường thường chia theo số ngày sử dụng, ví dụ kính áp tròng dùng 1 ngày, 3 ngày, 1 tháng... Nếu người sử dụng dùng kính áp tròng quá thời gian của loại kính đó, giác mạc dễ bị thiếu oxy, và viêm giác mạc có nguy cơ xuất hiện rất cao.

5. Các phương pháp điều trị viêm giác mạc?

• Đa số các trường hợp viêm giác mạc được điều trị bằng thuốc, tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.

• Trong trường hợp viêm giác mạc quá nặng, có thể xảy ra các tình huống như sau:

+ Viêm giác mạc dọa thủng: Khi tình trạng viêm giác mạc quá sâu, ăn mòn gần toàn bộ chiều dày của giác mạc khiến cho giác mạc có khả năng bị thủng, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nội nhãn, phòi các tổ chức nội nhãn ra ngoài. Đối với tình trạng này, cần tiến hành phẫu thuật ghép màng ối hoặc ghép giác mạc điều trị nhằm mục đích tránh thủng giác mạc.

+ Viêm giác mạc có nguy cơ dẫn đến viêm toàn nhãn cầu, hoặc không đáp ứng với điều trị, gây đau nhức nhiều và mất thị lực nghiêm trọng không hồi phục; chỉ định lấy bỏ nhãn cầu có thể được lựa chọn.

Bác sĩ nội trú Nguyễn Thị Thùy Tiên (Bệnh viện Mắt Hoa Lư)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm