23/04/2020 08:29 GMT+7 | Bạn cần biết
(Thethaovanhoa.vn) - Viêm xương tủy nhiễm khuẩn (VXTNK - Osteomyelitis) hay cốt tủy viêm, là tình trạng nhiễm trùng của xương, thường là của vỏ hoặc tủy xương, do vi khuẩn sinh mủ không đặc hiệu gây nên.
Chấn thương là nguyên nhân thuận lợi, làm giảm sức đề kháng của cơ thể và tại chỗ, tạo điều kiện cho viêm xương tủy xương dễ dàng phát sinh, phát triển khi có nhiễm khuẩn máu. Một nguyên nhân khác là giảm sức đề kháng của cơ thể: Sự hoạt động quá sức, ăn uống kém, mệt mỏi thường gặp ở các nước đang phát triển.
Nguyên nhân gây viêm xương tủy nhiễm khuẩn
- Vi khuẩn hay gặp nhất là tụ cầu vàng (khoảng 50% trường hợp).
- Các vi khuẩn thường gặp khác bao gồm liên cầu tan huyết nhóm B, Escherichia coli và các trực khuẩn đường ruột khác, liên cầu nhóm A, trực khuẩn mủ xanh, Sallmonella…
Phân loại bệnh
Bệnh cảnh lâm sàng chia VXTNK thành 3 thể: VXTNK đường máu, VXTNK đường kế cận và VXTNK mạn tính.
- VXKTK đường máu: Chủ yếu gặp ở trẻ em với tổn thương thường ở xương dài, người lớn ít gặp hơn với tổn thương hay ở cột sống.
+ Ở trẻ em: thường diễn biến cấp tính, sốt cao rét run, sưng nóng đỏ vùng tổn thương. Khi có ban đỏ vùng da tại chỗ kèm sưng phồng phần mềm thường do mủ đã vượt qua vỏ xương, màng xương lan vào phần mềm, khớp lân cận có thể bị viêm.
+ Ở người lớn: viêm đốt sống đĩa đệm là dạng phổ biến nhất của VXTNK theo đường máu. Bệnh nhân đau âm ỉ tại vùng tổn thương, co cơ cạnh cột sống, hạn chế vận động cột sống, ấn tại chỗ đau chói kèm triệu chứng chèn ép thần kinh như liệt, rối loạn đại tiểu tiện… do các biến chứng chèn ép của ổ áp-xe hoặc xẹp, trượt đốt sống. Triệu chứng toàn thân ban đầu có thể sốt cao, gai rét, về sau sốt nhẹ âm ỉ.
- VXTNK thứ phát sau một ổ nhiễm trùng kế cận như tổn thương phần mềm, loét trợt do tỳ đè, viêm mô tế bào, loét da dinh dưỡng... Các triệu chứng đau, sốt, sưng nóng đỏ biểu hiện cấp tính có thể do ổ viêm ban đầu. Khi phát triển thành viêm mạn tính thường triệu chứng toàn thân và tại chỗ không rầm rộ.
- VXTNK mạn tính:
+ Đặc trưng của VXTNK mạn tính là diễn tiến kéo dài.
+ Hình thành lỗ rò từ xương ra ngoài da, chảy mủ, có khi lỗ rò thoát ra cả mảnh xương chết. Khi lỗ rò bị tắc có thể lại có một đợt bùng phát nhiễm khuẩn.
+ Triệu chứng cận lâm sàng:
• Xét nghiệm máu có tăng bạch cầu, máu lắng và protein C phản ứng (CRP) tăng.
• Xquang giai đoạn sớm: Sưng nề phần mềm, dấu hiệu phản ứng màng xương. Dấu hiệu tiêu xương thường muộn hơn.
• Siêu âm cho phép phát hiện sưng nề phần mềm, đặc biệt các áp-xe cơ kèm theo.
• Để chẩn đoán sớm VXTNK trong 24-48 giờ đầu có thể dùng phương pháp chụp xạ hình xương 3 pha dùng 99 Tc-MDP.
• Chụp cắt lớp vi tính và chụp cộng hưởng từ cũng có giá trị cao để chẩn đoán những tổn thương xương, phần mềm do viêm xương, đặc biệt ở vị trí khó chẩn đoán.
• Chọc hút bằng kim mù hoặc dưới hướng dẫn của siêu âm, lấy bệnh phẩm soi tươi, nuôi cấy tìm VK, làm kháng sinh đồ phục vụ điều trị.
Điều trị bệnh viêm xương tủy nhiễm khuẩn
- Nguyên tắc:
+ Chẩn đoán bệnh sớm, dùng kháng sinh đường tĩnh mạch, dẫn lưu mủ và tổ chức hoại tử (nếu có).
+ Cần cấy máu, cấy dịch khớp, làm nhanh xét nghiệm dịch khớp hoặc bệnh phẩm mủ tại chỗ bằng phương pháp soi tươi nhuộm gram tìm vi khuẩn.
- Thời gian điều trị:
+ VXTNK đường máu cấp tính: 4-6 tuần. Điều trị phẫu thuật trong trường hợp có áp-xe ngoài xương, dưới màng xương, kết hợp có viêm khớp nhiễm khuẩn, hoặc không cải thiện triệu chứng sau 24-48h.
+ Viêm đĩa đệm đốt sống: 4-6 tuần hoặc dài hơn. Điều trị phẫu thuật phần lớn không cần thiết, trừ khi cột sống mất vững hoặc có triệu chứng chèn ép thần kinh, hoặc áp-xe phần mềm lan rộng không thể giải quyết bằng dẫn lưu dưới da.
+ Cốt tủy viêm đường kế cận: Phẫu thuật sớm ổ nhiễm trùng kế cận kết hợp với kháng sinh thích hợp kéo dài 4- 6 tuần.
+ VXTNK mạn tính: Cần cân nhắc điều trị phẫu thuật. Nên dùng kháng sinh thích hợp trước khi phẫu thuật nhiều ngày để khống chế tình trạng nhiễm khuẩn, sau đó tiếp tục dùng thuốc 4- 6 tuần đường tĩnh mạch sau mổ.
Dự phòng bệnh
- Cần đưa trẻ đến khám cơ sở ý tế khi có dấu hiệu đau nhức xương sớm để chẩn đoán và điều trị kịp thời.
- Cần tầm soát tổn thương xương khi bé có tổn thương phần mềm, loét trợt do tỳ đè, viêm mô tế bào, loét da dinh dưỡng, chấn thương vùng ngoài da tạo ổ mủ, áp-xe…
- Cung cấp chế độ dinh dưỡng hằng ngày đầy đủ cho bé để phát triển toàn diện.
- Vệ sinh môi trường sống và thân thể cho bé hằng ngày.
- Bệnh tiên lượng tái phát cao, thời gian điều trị kéo dài nên cần thường xuyên đưa bé kiểm tra định kỳ, tuân thủ điều trị tránh biến chứng nhiễm trùng huyết đưa đến tử vong cao.
Tài liệu tham khảo: Viêm xương tủy nhiễm khuẩn của Ths-Bs Bùi Hải Bình - Khoa Cơ Xương Khớp Bệnh viện Bạch Mai.
Điều trị thành công bệnh nhi viêm xương tủy Chiều ngày 3/3/2020, lúc 17h52, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long tiếp nhận bệnh nhi Võ Anh H. (13 tuổi, địa chỉ Lai Vung, Đồng Tháp). Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng đau nhức khớp gối phải rất nhiều, không vận động được, sốt cao, tổng trạng kém. Qua khai thác từ ba mẹ bé, cách 10 ngày nay bé đang đá bóng thì tự ngã khụy chân phải xuống và bắt đầu than đau khớp gối ngày càng nhiều, không vận động đi lại được. Bé khám và lấy thuốc uống ở bệnh viện huyện nhưng không giảm đau nên nhập viện tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long. Bé được chẩn đoán: Viêm khớp gối phải/ Chấn thương gối phải và làm các xét nghiệm nhanh chóng. Kết quả xét nghiệm máu: Bạch cầu rất cao 30200/mm3, CRP tăng cao 167.2mg/dl, siêu âm khớp gối: Tràn dịch khớp gối phải. Bé được điều trị kháng sinh liều cao kết hợp ngay cùng với thuốc giảm đau nhưng sau 2 ngày điều trị, 2/3 dưới đùi phải bắt đầu sưng to lên, đau nhức xương nên được xét nghiệm máu lại bạch cầu máu còn tăng cao 31000/mm3. Bác sĩ khoa Nhi kết hợp bác sĩ Ngoại chấn thương của Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long hội chẩn cho bé siêu âm phần mềm đùi phải với kết quả: Tụ mủ 2/3 dưới đùi, chụp CTsan đùi chân phải: Viêm xương - sụn tiếp hợp đầu xương đùi phải. Bé được đưa vào phòng mổ phẫu thuật rạch thoát mủ khoảng 1.000ml dịch mủ màu socola. Sau đó rửa sạch, để hở da vết mổ bên ngoài, khâu vết mổ bên trong và lấy mẫu xương làm giải phẫu bệnh và cấy mủ. Sau phẫu thuật bé được đưa về khoa Ngoại Cơ Xương Khớp sử dụng kháng sinh liều cao tĩnh mạch cùng với điều trị nâng đỡ thể trạng. Sau 17 ngày điều trị, kết hợp chăm sóc vết thương, bé hết sốt, chân phải cử động dần khá lên, vết mổ khô và sạch. Sau 21 ngày điều trị, bé được xuất viện, kết quả cấy mủ: Tụ cầu khuẩn vàng và kết quả giải phẫu bệnh: Viêm tủy xương. Tuy bệnh nhân bình phục khá tốt, nhưng tiên lượng về sau có thể tái phát, cần được theo dõi tái khám theo chỉ định của bác sĩ. |
BS Nguyễn Thị Kim Phúc
(Khoa Nhi, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất