29/04/2021 13:11 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - "Nước Mỹ đang trên đà trở lại" là lời khẳng định của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội lưỡng viện vào tối 28/4 theo giờ Mỹ (tức sáng 29/4 theo giờ Việt Nam). Ông tuyên bố đã khôi phục niềm tin của người dân Mỹ vào nền dân chủ sau gần 100 ngày lên nắm quyền.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ông chủ Nhà Trắng đã dành phần mở đầu bài phát biểu để nêu bật những thành tựu đạt được trong thời gian vừa qua nhằm giải quyết các cuộc khủng hoảng mà Mỹ phải đối mặt, đặc biệt là cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 khi tốc độ tiêm phòng vaccine được thúc đẩy nhanh chóng. Đây là thành tích đáng kinh ngạc đối với quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất do dịch COVID-19 với tổng số ca tử vong lên tới hơn 570.000 người. Chưa đầy trong 100 ngày cầm quyền, chính quyền Tổng thống Biden đã cung cấp hơn 200 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, cao hơn gấp đôi cam kết ban đầu là 100 triệu liều.
Ngoài ra, Tổng thống Biden cũng công bố “Kế hoạch Gia đình Mỹ”, một đề xuất lập pháp trị giá 1.800 tỷ USD về giáo dục, chăm sóc trẻ em và nghỉ phép có lương. Kế hoạch này là phần thứ hai của đề xuất gồm hai phần nhằm giúp nền kinh tế đầu tàu thế giới phục hồi sau đại dịch COVID-19. Trước đó, ông Biden cũng đã công bố đề xuất đầu tư vào cơ sở hạ tầng trị giá 2.300 tỷ USD. Theo ông Biden, kế hoạch mới này cùng với gói chi tiêu về việc làm và cơ sở hạ tầng đã được công bố trước đó với tổng giá trị khoảng 4.000 tỷ USD - tương đương với ngân sách liên bang - là khoản đầu tư một lần trong một thế hệ, có ý nghĩa sống còn đối với tương lai nước Mỹ.
“Kế hoạch Gia đình Mỹ” được coi là yếu tố cốt lõi trong chiến lược của Tổng thống Biden nhằm xây dựng nước Mỹ tốt hơn, cũng như tạo ra một nền kinh tế mạnh mẽ và bao trùm cho tương lai. Kế hoạch kêu gọi khoản tiền trị giá 200 tỷ USD cho chương trình phổ cập trước mẫu giáo cho tất cả trẻ em 3 và 4 tuổi; 109 tỷ USD cho trường cao đẳng cộng đồng miễn học phí cho bất kỳ người Mỹ nào có nhu cầu; 85 tỷ USD để tăng khoản trợ cấp Mỹ (Pell Grants) cho các sinh viên có thu nhập thấp và sinh viên thiểu số; và hơn 4 tỷ USD tài trợ cho các học bổng lớn hơn, các chương trình chứng nhận và hỗ trợ cho giáo viên. Đề xuất cũng kêu gọi xây dựng một chương trình nghỉ phép gia đình và y tế được trả lương trên toàn quốc. Theo đó, khoản đầu tư 225 tỷ USD sẽ cung cấp cho người lao động tới 4.000 USD/tháng nếu họ xin nghỉ phép để chăm sóc con mới sinh, chăm sóc người thân bị bệnh nặng, chữa bệnh hoặc một lý do nghiêm trọng khác.
Để có nguồn tài chính cho các đề xuất chi tiêu khổng lồ nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng và lực lượng lao động mà không làm gia tăng thâm hụt ngân sách, Tổng thống Biden kêu gọi tăng thuế đối với người giàu có khi cho rằng đã đến lúc các doanh nghiệp và giới siêu giàu chiếm 1% ở Mỹ phải đóng góp "phần công bằng" trong vấn đề thuế quan.
Tuy nhiên, ông cam kết sẽ không tăng thuế đối với những người có thu nhập dưới 400.000 USD/năm. Ông chủ Nhà Trắng cũng cho biết đang nỗ lực triển khai một số đợt giảm thuế đối với những người Mỹ có thu nhập thấp và trung lưu, như một phần của biện pháp kích thích kinh tế, gồm mở rộng tín dụng thuế dành cho trẻ em và tín dụng thuế thu nhập, cũng như các khoản trợ cấp phí bảo hiểm theo Đạo luật Chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (ACA). Theo ông, việc cắt giảm thuế đối với các doanh nghiệp lớn và người giàu “chưa bao giờ hiệu quả và đã đến lúc phát triển nền kinh tế dành cho cả tầng lớp nghèo và trung lưu”.
Về vấn đề kiểm soát súng đạn, Tổng thống Biden nhấn mạnh “bạo lực súng đạn đã trở thành một dịch bệnh ở Mỹ”, đồng thời kêu gọi ban hành một lệnh cấm các vũ khí tấn công và ổ đạn dung lượng lớn. Ông đồng thời hối thúc Quốc hội lưỡng viện đạt được đồng thuận trong vấn đề cải cách ngành cảnh sát vào tháng tới, đúng dịp tưởng niệm công dân da màu George Floyd tử vong trong quá trình bị cảnh sát bắt giữ vào năm ngoái.
Trong vấn đề đối ngoại, Tổng thống Biden cam kết hợp tác chặt chẽ với các đồng minh của Mỹ nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran và Triều Tiên "thông qua ngoại giao và biện pháp răn đe cứng rắn". Nhà lãnh đạo Mỹ cũng khẳng định không tìm kiếm xung đột với Trung Quốc và Nga, nhấn mạnh ưu tiên giải pháp ngoại giao. Tuy nhiên, ông nêu rõ Mỹ sẽ bảo vệ các lợi ích của mình trên mọi lĩnh vực. Mỹ sẽ chống lại các hành vi thương mại không công bằng như trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước và đánh cắp công nghệ của Mỹ. Ông cũng cho biết trong cuộc trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông đã nói rằng Mỹ sẽ duy trì sự hiện diện quân đội mạnh mẽ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như đã làm với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu, khẳng định "không phải để khơi mào mà nhằm ngăn chặn một cuộc xung đột".
Về mặt kỹ thuật, bài phát biểu này không phải là thông điệp liên bang mà các Tổng thống Mỹ đọc hằng năm theo Hiến pháp. Theo truyền thống, một Tổng thống Mỹ sẽ đọc thông điệp liên bang đầu tiên sau 1 năm tại nhiệm. Tuy nhiên, đây vẫn là sự kiện quan trọng, đánh dấu 100 ngày đầu tiên ông Biden lên nắm quyền, trong bối cảnh ông phải đương đầu với những vấn đề cấp thiết, trong đó có đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và những khó khăn kinh tế do dịch bệnh gây ra. Bài phát biểu cũng là cơ hội để ông Biden khẳng định những thành công mà chính quyền của ông đã đạt được trong thời gian qua, kêu gọi sự ủng hộ của các nhà lập pháp đối với các dự luật cải cách tại Quốc hội, cũng như đưa ra kế hoạch hành động đối với các vấn đề đối nội và đối ngoại trong thời gian sắp tới.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất