Những chính trị gia nổi tiếng từng đoạt giải Nobel Hòa bình

03/10/2013 17:11 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây được ứng cử cho giải Nobel Hòa bình 2014, trước đó đã có nhiều chính trị gia nổi tiếng trên thế giới từng đoạt giải thưởng danh giá này.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2009

Tổng thống Obama nhận giải Nobel Hòa bình năm 2009

Ủy ban giải Nobel quyết định trao giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2009 để vinh danh sự đóng góp của ông Obama trong việc bảo vệ hòa bình, an ninh thế giới.

“Hiếm có nhân vật nào có tầm ảnh hưởng như ông Obama, ông đã giành được sự chú ý của cả thế giới và đem đến cho người dân hy vọng về tương lai tốt đẹp hơn”, Ủy ban giải Nobel viết. Ủy ban này cho biết họ cũng đánh giá cao sự nhìn nhận, nỗ lực của Obama về một thế giới không có vũ khí hạt nhân: "ông đã kêu gọi giải giáp vũ khí hạt nhân và nỗ lực tái khởi động tiến trình hòa bình ở Trung Đông bị bế tắc".

Barack Obama, tên đầy đủ là Barack Hussein Obama, sinh ngày 4/8/1961 tại thủ phủ Honolulu, tiểu bang Hawaii, Mỹ. Cha là người Kenya, mẹ là người Mỹ da trắng.

Ông Obama bị bố bỏ rơi khi chỉ mới 2 tuổi và sống trong hoàn cảnh thiếu thốn vật chất tại Hawaii (có lúc chuyển sang Honolulu và Indonesia). Ông tốt nghiệp Đại học Columbia với bằng cử nhân chính trị học chuyên ngành quan hệ quốc tế; tiếp đó vào Trường luật Harvard, trở thành người da màu đầu tiên được bầu làm chủ tịch báo Harvard Law Review trong lịch sử hơn 100 năm của Harvard.

Năm 1996, ông Obama tranh cử Thượng viện bang Illinois và giành thắng lợi, sau đó tái đắc cử vào năm 1998, rồi 2002. Đến giữa năm 2002, ông bắt đầu vận động tranh cử vào Thượng viện Mỹ và thắng lợi trong cuộc bầu cử 2004.

Cựu Tổng thống Nam Phi, ông Nelson Mandela đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1993

Ông Nelson Mandela nhận giải Nobel Hòa bình năm 1993

Ông Nelson Madenla từng được vinh danh tại giải Nobel năm 1993 sau những đóng góp của ông giúp giải phóng đất nước Nam Phi chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid.

Ông Mandela tham gia Đảng Đại hộc dân tộc Phi (ANC) vào năm 1944 với phong trào giải phóng những người da đen khỏi nạn phân biệt chủng tộc. Ông từng bị kết án tù chung thân vào năm 1964 nhưng vẫn nuôi hi vọng một ngày sẽ giải phóng nhân dân Nam Phi. Năm 1990, ông Mandela được trả tự do mở ra một nền dân chủ đa chủng tộc cho đất nước Nam Phi.

Dưới sự lãnh đạo của ông Mandela, đất nước Nam Phi đã có những thành đổi rõ rệt trở thành một trong những quốc gia tiềm năng nhất châu Phi. Ông không chỉ chăm lo tới cuộc sống của người dân mà còn đóng vai trò là nhà hòa giải dân tộc trong những cuộc xung đột đẫm máu nhất trên thế giới.

Ông Lê Đức Thọ và nhà Ngoại giao Henry Kissinger đoạt giải Nobel năm 1973

Ông Lê Đức Thọ bắt tay với nhà Ngoại giao Kissinger

Lê Đức Thọ tên thật là: Phan Đình Khải (1911 - 1990), ông sinh ra tại huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Là một chiến sĩ cách mạng tiêu biểu của Việt Nam thế kỷ 20. Ông đã được trao tặng huân chương Sao Vàng, Huân chương Cách mạng tháng Mười (Liên Xô), Huân chương Ăngko (Campuchia).

Năm 1973, trên con đường thương lượng nhằm mang lại hòa bình thống nhất đất nước Việt Nam. Ông Lê Đức Thọ đã có hàng năm trời đấu trí với một trong những nhà Ngoại giao tài ba nhất nước Mỹ thời điểm đó, Henry Kissinger. Điểm chung giữa Kissinger và ông Lê Đức Thọ chính là bởi cả hai đều muốn kết thúc cuộc chiến tranh vô nghĩa ở Việt Nam. Những mong muốn đó đã được đặt lên bàn đàm phán tại Hiệp định Paris năm 1973.

Lịch sử minh chứng ông Lê Đức Thọ đã giành chiến thắng trong cuộc đàm phán lịch sử 1973 khiến quân đội Mỹ buộc phải rút khỏi đất nước Việt Nam trong hòa bình.

Với những đóng góp trong nỗ lực đem lại hòa bình tại Việt Nam. Ủy ban giải Nobel đưa ra quyết định đặc biệt trong lịch sử. Cả ông Lê Đức Thọ và nhà Ngoại giao Kissinger đều được vinh danh tại giải Nobel Hòa bình năm 1973.

Ông Lê Đức Thọ cảm ơn quyết định trao giải của Ủy ban Nobel nhưng từ chối nhận giải bởi ở thời điểm đó hòa bình vẫn chưa thực sự được lập lại trên đất nước Việt Nam.


Nguyễn Hồng Đăng
Tổng hợp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm