(TT&VH Online) - Ngày hôm nay, cựu Tổng thống Nelson Mandela đã chính thức bước sang tuổi 90. Song từ cách đây một tháng, nhiều nước đã tổ chức các hoạt động mừng sinh nhật Mandela bởi tất cả đều coi ông như một người anh hùng của họ chứ không chỉ riêng của đất nước Nam Phi.
90 tuổi mới thoát mác khủng bố
Trong một động thái được đánh giá là vừa gỡ thể diện, vừa để mừng sinh nhật Mandela, hồi đầu tháng 7 này, Tổng thống Mỹ G.W.Bush đã đặt bút ký vào một đạo luật chính thức đưa ông ra khỏi danh sách các đối tượng khủng bố.
Đảng Đại hội quốc gia Nam Phi (ANC) của ông Mandela bị chế độ apartheid (chế độ phân biệt chủng tộc) ở Nam Phi quy kết là tổ chức khủng bố trong những năm 1960. Quy kết trên sau đó được Tổng thống Mỹ Ronald Reagan áp dụng trong những năm 1980, theo đó các thành viên của ANC như nhà lãnh đạo Nelson Mandela chỉ có thể tới trụ sở LHQ tại New York, nhưng không được tới thủ đô Washington hay những nơi khác ở nước Mỹ.
“Hôm nay, nước Mỹ cuối cùng đã tiến gần hơn tới việc loại bỏ được nỗi xấu hổ lớn, xúc phạm danh dự tới nhà lãnh đạo lớn của thế giới, khi đưa cả ông vào danh sách những tên khủng bố bị theo dõi của chính phủ” - Thượng nghị sỹ John Kerry tuyên bố sau khi đạo luật được thông qua.
Không phải đến giờ người Mỹ mới thấy "chướng" với việc ông Mandela vẫn bị coi là khủng bố. Từ hồi tháng 4, Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice đã lên tiếng trước Thượng viện, yêu cầu đưa ông ra khỏi danh sách đen này. "Tôi thật sự xấu hổ khi vẫn phải xét cấp visa nhập cảnh (vào Mỹ) cho người đồng nhiệm với tôi, ngoại trưởng Nam Phi. Đó là còn chưa đề cập tới nhà lãnh đạo vĩ đại Nelson Mandela" - bà Rice nói.
Không xấu hổ sao được khi biết rằng ông Mandela đã từng được trao giải Nobel hoà bình và được coi là một huyền thoại sống vì những cuộc đấu tranh không mệt mỏi chống chế độ apartheid ở Nam Phi
Một tấm gương đấu tranh vĩ đại
Nelson Rolihlahla Mandela sinh ngày 18/7/1918 tại Nam Phi. Năm lên 7, ông là thành viên đầu tiên trong gia đình được tới trường học tập. Ông học tập rất giỏi và đỗ vào trường Đại học Fort Hare, tuy nhiên bị đuổi học khi đang là sinh viên năm nhất vì tội tham gia biểu tình chống lại chính sách của trường. Rời Fort Hare, ông tới Johannesburg và vừa đi làm kiếm tiền, vừa học tập cho tới khi tốt nghiệp trường Đại học Nam Phi.
Năm 1948, Mandela bắt đầu tham gia chính trường Nam Phi, gia nhập đảng Đại hội dân tộc Phi (ANC). Ông chịu ảnh hưởng mạnh của Mahatma Gandhi và chủ trương đòi quyền lợi cho người da đen thông qua các biện pháp đấu tranh hoà bình.
Tuy nhiên càng ngày Mandela càng nhận ra rằng đấu tranh hòa bình sẽ chẳng đi đến đâu. Năm 1961, ông trở thành lãnh đạo phong trào vũ trang Umkhonto We Sizwe của ANC và trực tiếp chỉ đạo cuộc phá hoại nhằm vào chính phủ và quân đội với mục đích xoá bỏ chế độ apartheid. Vì chuyện này, ông bị truy nã, bị bắt vào tháng 8/1962 và bị kết án tù chung thân.
Trong 27 năm ở tù, mà phần lớn thời gian bị giam trong xà lim trên đảo Robben, ông vẫn tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ chống nạn phân biệt chủng tộc. Phe apartheid cầm quyền đã thử tìm cách trừ khử Mandela vào năm 1969 bằng âm mưu tạo cơ hội cho ông trốn tù, sau đó bắn chết. Tuy nhiên kế hoạch bị tình báo Anh lật tẩy.
Tháng 2/1985, Tổng thống Nam Phi P.W. Botha đề nghị được trả tự do cho Mandela để đổi lấy việc ông từ bỏ cuộc đấu tranh vũ trang. Song Mandela đã từ chối với một lời nhắn thông qua con gái ông rằng: "Tôi đang được trao thứ tự do nào đây khi tổ chức của nhân dân vẫn bị cấm? Chỉ có người tự do mới có thể thương thảo. Một tù nhân không thể tham gia bất kỳ cam kết gì"
Liên tiếp về sau những cuộc gặp gỡ giữa Mandela và chính quyền cũng không mang lại tiến triển nào. Trong khi đó các phong trào đấu tranh đòi tự do cho ông vẫn diễn ra, ngày một mạnh mẽ hơn, cả ở trong nước và quốc tế. Năm 1989, Nam Phi có bước ngoặt lớn khi Tổng thống Botha bị đột quỵ. Phó Tổng thống Frederik Willem de Klerk lên nắm quyền, dưới sức ép của dư luận, đã phải ký lệnh trả tự do cho Mandela vào tháng 2/1990, chấm dứt 27 năm ông bị giam cầm.
Huyền thoại giữa đời thường
Ngay sau khi Mandela ra tù, đảng ANC của ông cũng được xóa lệnh cấm hoạt động. Ông trở lại nắm ghế lãnh đạo ANC và tiếp tục đấu tranh thông qua các biện pháp hòa bình, giúp Nam Phi trở thành quốc gia dân chủ vào năm 1994.
Từ khi chế độ phân biệt chủng tộc chấm dứt, ông được ca ngợi khắp nơi, kể cả người Nam Phi da trắng và từ các thế lực đối lập trước kia. Ông đã được bầu làm Tổng thống Nam Phi sau khi chế độ apartheid sụp đổ, nhưng cũng chỉ đảm nhiệm ghế Tổng thống có một nhiệm kỳ rồi "giũ áo từ quan".
Rời bỏ chính trường, ông Mandela tiếp tục theo đuổi cuộc chiến chống lại sự nghèo đói, bệnh tật (đặc biệt là HIV/AIDS) và hủ tục. "Trong lúc ăn mừng, chúng ta không quên nhắc mình rằng nhiệm vụ của ta vẫn chưa xong" - Mandela nói trong buổi hoà nhạc mừng sinh nhật ông vừa diễn ra tại Anh - "Ở đâu còn nghèo đói, bệnh tật, con người còn bị áp bức thì trách nhiệm của chúng ta vẫn còn dài. Tương lai sẽ còn rất nhiều việc phải làm."
Gia Bảo