Chiến tranh ở giải Nobel Hòa bình

05/12/2012 06:00 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn)  - Vừa trở thành người da đen đầu tiên vào tiếp quản tòa Bạch Ốc thì Barack Obama đã qua mặt 204 ứng viên khác để nhận giải Nobel Hòa bình (2009), khi các cố gắng của ông để giảm nhiệt lò lửa Trung Đông mới chỉ đi được những bước chập chững. Mà hình như năm nào quyết định của Oslo cũng ít nhiều gây tranh cãi. Không chỉ qua những sự kiện ấy người ta mới tự đặt câu hỏi: Ai là người ra quyết định, và dựa trên những tiêu chí nào?

Thùng bìa cứng chứa đầy thuốc nổ

Ngôi biệt thự có mặt tiền đậm vẻ trưởng giả. Với hơn một 100 năm tuổi và vị trí kín đáo bên rìa một công viên lớn ở Oslo, nó dễ bị coi là nơi ở của một gia đình giàu có ưa sống thu mình trước cặp mắt tọc mạch của người đời. Và quả thật cũng ít ai được bước chân vào đây. Dưới một ngọn đèn chùm to trên tầng ba là một cái bàn gỗ gụ đỏ hình xoan với 6 chiếc ghế đẩu bọc nhung - nơi một ủy ban bàn bạc và quyết định người sắp nhận giải thưởng danh tiếng nhất trên chính trường thế giới. Giải sẽ được trao tại Oslo vào ngày 10/12 hàng năm, là ngày Alfred Nobel qua đời (năm 1896), lần này Liên minh châu Âu (EU) đến lượt.

Bà thư ký, một phụ nữ Na Uy đã cứng tuổi, phải gắng sức mới mở được cánh cửa thép nặng nề dưới tầng hầm. Trước mắt khách hiện ra một căn buồng nhỏ xíu, chưa đầy 8 mét vuông, và trái với không khí đầy trang trọng và kính cẩn, bà lôi ra một thùng bìa cứng với hàng chữ “Prisforslag (đề cử giải) 1935”.

Một tập giấy đánh máy đã úa vàng, tác giả là Hellmut von Gerlach, người Đức. Và không phải lộng ngôn khi nói rằng thùng bìa cứng này chứa đủ sức nổ để gây một scandal quốc tế: Năm 1936 Viện Nobel Na Uy đã phê chuẩn đề nghị của Gerlach, trao giải Nobel Hòa bình cho nhà văn - nhà báo Carl von Ossietzky, một chiến sĩ hoạt động vì hòa bình đang bị chính quyền phát xít cầm tù. Hitler lồng lộn phản đối và Ngoại trưởng Na Uy đệ đơn rút khỏi Ủy ban Xét giải.

Lê Đức Thọ (bìa phải) và Henry Kissinger năm 1973

Vụ bê bối mang tên Kissinger

Nhà sử học Geir Lundestad giữ chức Giám đốc Viện Nobel từ 1990. Ông từng nghiên cứu các mối quan hệ Âu - Mỹ hai năm trong các thư viện của Đại học Harvard. Hàng năm ông tiếp vô số các vị khách khả kính từ khắp thế giới, ai cũng tin rằng đề cử của mình là xứng đáng và hợp lý nhất. “Tôi cho mỗi người đúng 30 phút để trình bày và ghi vào sổ tay”, ông kể với giọng khô khan của một người hay bị… tranh thủ, nhưng cho đến nay vẫn giữ được vị thế kiên quyết của mình. Món quà đắt nhất mà ông chấp nhận là cây bút máy. “Từ khi ngồi ghế này, có 5 vụ mà tôi coi là có ý định hối lộ. Nhưng ai hiểu biết đôi chút về Na Uy thì sẽ biết rằng hành vi ấy không bao giờ đạt mục đích”.

Thời hạn đề cử chấm dứt vào ngày 1/1, với số lượng trung bình khoảng 200 đơn. Một tuần sau đó, Ủy ban Xét giải họp. Theo di chúc của Alfred Nobel, ủy ban gồm 5 người do Quốc hội Na Uy nêu tên. Lịch sử ủy ban này cũng có thể được coi là tấm gương phản ánh tình trạng “khủng hoảng” của giải Nobel Hòa bình: để tránh áp lực quốc tế, từ sau vụ Ossietzky không thành phần nào của Chính phủ được tham gia nghị giải.

Thiếu tranh cãi trái chiều thì giải Nobel Hòa bình đã không có ý nghĩa mà nó đang có hôm nay

Sau Ossietzky, vụ gây tranh cãi nhiều nhất có lẽ là đề nghị trao giải chung cho Henry Kissinger và Lê Đức Thọ, hai đại diện của Hoa Kỳ và Việt Nam tại bàn Hội nghị Paris 1973. Hai thành viên của ủy ban chống lại đề cử bằng đơn từ nhiệm. Rút kinh nghiệm, từ 1977 Na Uy hạn chế ảnh hưởng của các chính đảng và cấm cả nghị sĩ vào ủy ban. Vấn đề bình đẳng giới cũng được giải quyết bằng ba ghế cho phụ nữ.

Không có giải cho Gandhi

“Thiếu tranh cãi trái chiều thì giải Nobel Hòa bình đã không có ý nghĩa mà nó đang có hôm nay”, Lundestad kiêu hãnh nhấn mạnh quá trình nghị giải, và ông đưa ra các tên tuổi như Ossietzky, Sakharov và Gorbachev làm bằng chứng. Chỉ có một điểm đen làm ông băn khoăn đến tận giờ: Mahatma Gandhi ba lần vào đến vòng cuối, để rồi bị gạch tên. “Rất có thể lý do là mối quan hệ mật thiết giữa Na Uy và Anh?”.

Ở phiên họp đầu, ủy ban được phép đề cử thêm các nhân vật “ngoài luồng”, đó là hệ quả của một vụ khó xử hồi năm 1978: cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đề cử Menachem Begin (Israel) và Anwar al-Sadat (Ai Cập), ủy ban muốn đưa cả ông Carter vào, nhưng bản thân ông ta lại không được ai đề cử!

Bác sĩ Ole Danbolt Mjoes, lãnh đạo Ủy ban Xét giải Nobel Hòa bình từ 2003, ông là đảng viên Đảng Nhân dân Thiên Chúa giáo; đối với ông chỉ có một tiêu chí: “Theo di huấn của Alfred Nobel, người nào có công nhất cho nhân loại sẽ được nhận giải”. Từ 30 năm nay ông là giáo sư Khoa Y Trường Đại học Tromsoe, một thị tứ gần điểm lạnh nhất địa cầu. Ông chủ ý không tìm hiểu các ứng viên qua truyền thông, mà dựa vào thẩm định của các chuyên viên do Viện Nobel trao trách nhiệm. Họ đều là giảng viên các trường đại học châu Âu và Bắc Mỹ - dễ hiểu là Viện Nobel mang tinh thần chủ nghĩa tự do kiểu phương Tây.

Năm 2004, Wangari Maathai (Kenya) là nhà hoạt động môi trường đầu tiên nhận giải Nobel

“Câu lạc bộ các quý ông từ châu Âu và Bắc Mỹ”?

Ủy ban Xét giải Nobel Hòa bình, như hầu hết các giải khác từ Quỹ Alfred Nobel, chưa bao giờ công bố cặn kẽ các tiêu chí trao giải, ngay cả định nghĩa của họ về “hòa bình” cũng không! Cũng giống mọi cuộc bình bầu trên thế giới này, giải hàng năm luôn tạo ra những khuôn mặt chảy dài thất vọng, đi kèm lời chỉ trích cách giải thích mập mờ. Nhưng chính sự “thiếu minh bạch” ấy tạo điều kiện để giải Hòa bình phát triển một cách đa dạng, ví dụ như các mở rộng theo hướng nhân quyền hoặc môi sinh. Năm 2004, Wangari Maathai (Kenya) là nhà hoạt động môi trường đầu tiên nhận giải.

Qua danh sách trao giải, có thể nhận ra sự chuyến biến ý thức hệ trong nền dân trị phương Tây: thành phần ủy ban - hay được đem ra đàm tiếu với cái tên “Câu lạc bộ các quý ông châu Âu và Bắc Mỹ” - nay tăng thêm sắc màu vàng và đen, và phụ nữ cũng có chỗ đứng (2012: 60%).

Lễ trao giải luôn là một ngày hội truyền thông, vì bí mật được giữ tuyệt đối đến phút chót. Người nhận giải được chính Lundestad gọi điện thông báo 45 phút trước khi công bố với báo giới. “Năm 2002, khi tôi gọi cho Jimmy Carter, ông ấy tưởng là bị ai chơi khăm, vì đã 3 lần hụt giải trước đó”, Lundestad nhớ lại. Năm 2005 ủy ban bầu Mohamed ElBaradei (Ai Cập), Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế. Khi gọi điện, nghe tiếng nhiều người lạ lao xao xung quanh nên ông Lundestad gác máy để giữ bí mật. 45 phút sau ông ElBaradei mới nghe tên mình trên ti-vi.

Có lẽ cũng nên kể thêm một chi tiết “nhạy cảm” nữa: trong thùng bìa cứng “Prisforslag 1935”, bên cạnh lời đề cử chiến sĩ hòa bình Ossietzky còn có một tên nữa: Benito Mussolini, thủ lĩnh phát xít Ý!

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm