Vẽ bìa sách cũng là làm nghệ thuật

02/07/2008 01:02 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Online) - Họa sĩ Đỗ Duy Ngọc vừa tham gia Triển lãm Đồ họa 2008 (Hội Mỹ thuật TP.HCM từ ngày 29/6 đến 5/7) cùng nhiều họa sĩ khác. Song, ông Ngọc là một trong những người có thâm niên nhất trong công việc này, đặc biệt là thiết kế bìa sách. Từ lúc khởi nghiệp đến nay, họa sĩ Đỗ Duy Ngọc đã “bao bì” cho gần chục ngàn đầu sách. Ông trò chuyện cùng TT&VH xung quanh công việc thầm lặng đã làm gần 40 năm nay.


Họa sĩ Đỗ Duy Ngọc
* Gần như năm nào ông cũng được giải “bìa sách đẹp”, vậy triển lãm lần này hẳn sẽ được ông “khoe” những tác phẩm đoạt giải?

Tôi tham gia trưng bày 27 tác phẩm, có cái được giải, có cái mới làm. Nhưng phải nói cho chính xác là năm nào tôi cũng có giải thưởng “bìa sách đẹp” từ năm 1985 đến nay. Tôi xem đây là công việc thầm lặng để “kiếm cơm” chứ không có gì to lớn. Tôi tự hào mình là người đầu tiên biết dùng phần mềm máy tính cho công việc đồ họa thiết kế bìa sách vào năm 1987. Những năm đó, 80 - 90% bìa sách được xuất bản là do tôi thiết kế.

* Chuyên ngành mỹ thuật ứng dụng, nằm ngang hàng với các chuyên ngành khác của Hội Mỹ thuật. Tại sao ông chỉ xem như việc kiếm sống?

Vì đơn giản xuất thân của tôi là dân sáng tác, do cuộc sống đưa đẩy phải làm bìa sách. Trước năm 1975 tôi đã có 6 cuộc triển lãm tranh cá nhân, sau này chỉ triển lãm chung. Nói như thế không có nghĩa là tôi không coi trọng những giá trị nghệ thuật khi làm bìa sách. Nói cho chính xác, họa sĩ vẽ bìa sách cũng là làm nghệ thuật, nhưng là nghệ thuật “bao bì”. Nhìn chung, giới xuất bản sách hiện nay tuy đã bắt đầu quan tâm đến hình thức của sách, nhưng chưa thật sự chú trọng lắm. Khác với một số nước phát triển, bìa sách được họ đặt nặng vì đây là nghệ thuật và đời sống, một phần cực kỳ quan trọng dẫn đến thành công của cuốn sách.
Bìa của 2 trong số hàng chục tác phẩm của họa sĩ Đỗ Duy Ngọc

* Ông đã coi trọng những bìa sách của mình ra sao?

Ví dụ thế này, tôi thấy tác phẩm Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, anh họa sĩ vẽ cái bìa là một thanh niên xách vali, bên cạnh có xe hơi nhà lầu. Cái bìa sách tác phẩm của Nguyễn Tuân mà như thế chứng tỏ người làm bìa chưa đọc Vang bóng một thời và cũng chả hiểu gì Nguyễn Tuân cả. Với tôi, để cho ra một bìa sách ưng ý ít nhất phải nắm được nội dung tác phẩm cũng như hiểu tác giả phần nào.

Họa sĩ Đỗ Duy Ngọc sinh năm 1951 tại Quảng Bình, năm 1954 di cư vào Quảng Trị, sau đó vào Huế và định cư tại Đà Nẵng vào năm 1956.
 
Ông từng học ĐH Mỹ thuật Huế, sau đó tu nghiệp mỹ thuật tại Pháp; học ban Triết – ĐH Văn khoa Sài Gòn, ban Việt Hán – ĐH Vạn Hạnh Sài Gòn nhưng lại Tốt nghiệp ĐH Sư Phạm và dạy học đến năm 1991. Ông sống bằng nghề vẽ bìa sách, giờ thêm quảng cáo…
Nếu một tác phẩm hay nó sẽ kích thích tôi làm việc một cách hưng phấn nhất để cho ra bìa sách đẹp và đúng với tinh thần những gì tác phẩm đã diễn đạt. Nhưng cũng nhiều lúc vì miếng cơm manh áo mình phải vẽ cả những bìa sách không hề mong muốn.

* Theo ông, thị trường làm bìa sách hiện nay có sôi động cùng với sách xuất bản hàng loạt?

Phải khẳng định là rất sôi động. Nhưng chính vì sách in nhiều nên công việc thiết kế bìa sách cũng trở nên bát nháo và đại hạ giá. Bìa sách tưởng như ai biết đồ họa, rành vi tính đều làm được và giá nào cũng hợp lý. Như tôi đã nói, có những nguyên tắc cơ bản khi làm bìa sách mà không phải ai cũng “học” được. Ngoài nắm bắt nội dung, phải hiểu thêm thể loại nào thì dùng màu gì làm chủ đạo trước khi phá cách, sáng tạo thêm. Mà những điều này, tôi chưa thấy trường lớp nào giảng dạy cả.

* Thiết kế bìa sách, ngoài vì cơm áo còn mang đến cho ông những giá trị nào khác?

Tôi là dân sáng tác, mà như bạn biết rất ít họa sĩ đương thời sống được bằng tranh của mình. Nên làm bìa sách hay những “món hàng” khác nhờ mỹ thuật ứng dụng như là nghề tay trái để nuôi… tay phải. Từ ngày sống nhờ bìa sách, tôi không phải vẽ theo nhu cầu của người mua tranh mà chỉ vẽ theo ý muốn bản thân. Các họa sĩ trong thời buổi thị trường phải theo nhu cầu của thị trường nhưng làm như vậy dễ đánh mất cá tính sáng tạo. Tôi cảm ơn những bìa sách đã nuôi tôi, giúp tôi cầm cọ theo đúng nhịp đập của trái tim mình trước nghệ thuật.

Hoàng Nhân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm